Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:35 (GMT +7)
Nguyễn Quang Vinh: Thơ và nghiên cứu văn hóa dân gian
Chủ nhật, 20/06/2021 | 11:41:34 [GMT +7] A A
Ông là cựu sĩ quan biên phòng, hội viên thơ của Hội VHNT tỉnh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh.
Tôi biết, với gia tài thơ, ông vẫn lặng lẽ với đề tài viết về người lính mà cả đời ông gắn bó, cùng với những bài thơ viết về quê hương, gia đình… ông còn một mảng thơ viết về Bác Hồ với nhiều cung bậc cảm xúc, theo những dấu chân nơi Bác đã đến Quảng Ninh và những vùng đất khác.
Tôi có cơ duyên gắn bó với hoạt động sáng tác VHNT của Quảng Ninh nên biết trong tỉnh có một số tác giả viết về Bác Hồ, nhưng các tác giả đều chỉ có dăm, bảy bài, hoặc hơn một chút đã là nhiều. Nhưng Nguyễn Quang Vinh thì có đến gần 50 bài thơ viết về Bác. Ông còn là tác giả của hai cuốn sưu tầm các bài thơ của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh viết về Bác Hồ. Tập đầu tiên là Bài ca Dâng Bác (Nhà xuất bản Văn học, năm 2010), đến năm 2020, ông lại chủ biên một cuốn sưu tầm các bài thơ của các tác giả Quảng Ninh viết về Bác Hồ nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác. Cuốn sách có tên Bài ca theo chân Bác, dày hơn 400 trang in, khổ lớn.
Có thể nói, văn hóa dân gian ở Quảng Ninh khá trống vắng đội ngũ gắn bó với sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian. Sau các tác giả từ các thập niên của thế kỷ 20 như Tống Khắc Hài, Khắc Lương, Vũ Thị Gái… và một số tác giả khác khi còn công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh thì hầu như vắng bóng các tác giả và công trình mang dấu ấn văn hóa dân gian thực sự. Và vì thế, từ khi biết tác giả thơ Nguyễn Quang Vinh đã chuyển hướng sang nghiên cứu văn hóa dân gian thì tôi cũng không nghĩ ông lại gắn bó với đề tài này say mê đến vậy. Hơn 20 năm qua, ông đã có 9 đầu sách riêng về văn hóa dân gian (Người Dao Quảng Ninh, 1998; Văn hóa dân gian làng Vân, 2001; Văn hóa ẩm thực Quảng Ninh, 2002; Chùa Long Tiên, 2003; 101 món ăn dân gian vùng biển Quảng Ninh, 2006; Văn hóa dân gian làng Vạn Ninh, 2015; Không gian văn hóa hát nhà tơ, Hát cửa đình, 2017; Về làng Ngọc Vừng, 2019 và Văn hóa dân gian xã đảo Ngọc Vừng, 2019 ) và nhiều công trình ông làm chủ biên khác như: Bác Hồ với công nhân mỏ (tư liệu, 2016), Binh đoàn than một thời ra trận (tư liệu, 2016), Địa danh Quảng Ninh, 2020…và nhiều công trình đồng chủ biên khác.
Đặc biệt, từ khi thành lập Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh năm 2008, các hoạt động về sưu tầm, nghiên cứu về văn nghệ dân gian được đẩy mạnh chưa từng thấy. Chỉ hơn mười năm ra đời và phát triển, với những nỗ lực không ngừng của cá nhân ông với vai trò Chủ tịch Hội và Ban chấp hành Hội đã làm được nhiều việc có ý nghĩa mà từ trước chưa ai làm được, đó là đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân ở khắp các huyện, thị trong tỉnh; đặc biệt là các nghệ nhân thuộc dân tộc ít người ở khu vực miền Đông của tỉnh. Qua đó đã góp phần rất lớn khích lệ, động viên và bảo tồn, lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc ít người đã cư ngụ lâu đời ở Quảng Ninh.
Về các tác phẩm nghiên cứu sưu tầm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh thì quả thực là một gia tài đồ sộ, tôi dám chắc rằng sau ông chắc khó có tác giả nào vượt qua được về số lượng tác phẩm. Còn về chất lượng các tác phẩm thì có đánh giá của các cơ quan chuyên môn mà ngành dọc là Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, có tác phẩm của ông đã đạt giải thưởng của Hội hàng năm. Và, với hệ thống tác phẩm như thế, tôi thấy gia tài của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh đã cung cấp cho những người quan tâm đến mảng văn hóa dân gian có cái nhìn hệ thống hơn về văn hóa dân gian ở Quảng Ninh, một tỉnh với những đặc điểm đa sắc tộc, thổ nhưỡng, khí hậu và tập tục rất phong phú ở miền Đông Bắc của Tổ quốc.
Tôi nghĩ, văn hóa dân gian, với công việc sưu tầm, hay nghiên cứu đi sâu về các tập tục sinh hoạt, hoa văn, điệu múa, câu hát… của các dân tộc trên địa bàn nghe có vẻ dễ làm nhưng thật sự từ trải nghiệm khi tôi tham gia làm một số công trình mới thấy không dễ dàng gì. Bởi lẽ sưu tầm hay nghiên cứu đều phải đi, và không chỉ có di chuyển, xâm nhập thực tế mà còn phải đọc các tài liệu để đối chiếu, so sánh và bổ sung vào công trình của của mình. Công trình có giá trị hay không nhờ vào phương pháp nghiên cứu, có chinh phục được đồng nghiệp nghiên cứu hay không là do sự nỗ lực của mỗi cá nhân đi làm nghiên cứu, sưu tầm… Để từ cái có sẵn đến khi công bố được công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, chứa đựng cả lịch sử văn hóa riêng của một vùng đất là không hề dễ dàng. Bởi vậy, nhìn số lượng công trình của ông, tôi thật sự khâm phục về sự lao động miệt mài ấy. Chặng đường 20 năm để cho ra đời ngần ấy công trình nếu không thật sự “sống, chết vì văn hóa dân gian” thì chắc không thể có được hệ thống tác phẩm, công trình như thế.
Với thơ, có thể mỗi năm ông cho xuất bản một tác phẩm là bình thường, nhưng với nghiên cứu, sưu tầm thì khó hơn nhiều. Bởi nghiên cứu, sưu tầm còn cần rất nhiều sự bổ trợ khác mới có được tác phẩm, và có khi công bố rồi cũng thật khó thu nhận được thành công. Văn hóa dân gian vốn dĩ như dòng chảy bình lặng trong dòng chảy chung của xã hội, nếu người làm không đam mê, không có phương pháp làm sẽ khó có được tác phẩm xứng với giá trị của lĩnh vực này…
Và, dù gọi ông với danh xưng nhà thơ hay nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đối với ông có lẽ cũng không là vấn đề gì, bởi lẽ, ông làm với những đam mê cháy bỏng của bản thân, là mong muốn được cống hiến tri thức của mình với công việc sưu tầm văn hóa dân gian ở nơi ông được sinh ra, lớn lên, và trưởng thành. Việc nghiên cứu về vùng đất cổ Vân Đồn, về làng quê nơi ông sinh ra là đảo Ngọc Vừng luôn khiến ông đau đáu. Công việc vốn không ai “bắt làm” cả, nhưng ông vẫn lặng lẽ đi điền dã, sưu tầm và nghiên cứu về làng, về xã, về phong tục, tập quán của cư dân Việt cư trú lâu đời ở vùng đảo, vùng biển hay trên vùng rẻo cao Quảng Ninh… Tấm lòng của ông với quê hương chính là được gửi gắm vào những cuốn sách nghiên cứu về các giá trị văn hóa phi vật thể các vùng, miền ở Quảng Ninh.
Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh vẫn đầy nhiệt huyết với công việc, vẫn ngược xuôi đi về các vùng văn hóa để tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian. Với tinh thần ấy, hy vọng từ những tác phẩm của ông, từ những niềm đam mê như thế, ông sẽ là người truyền lửa cho những tác giả ở Quảng Ninh có chung niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian hôm nay và mai sau.
Bạch Thảo
Liên kết website
Ý kiến ()