Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói khi Viện Hàn lâm Thụy Điển mời đề cử tác giả tranh Nobel, ông không nghĩ ra cái tên nào.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt NamNguyễn Quang Thiềucó buổi gặp mặt đầu năm với các tác giả tại TP HCM, ngày 21/2. Dịp này, ông trả lời phỏng vấn việc Hội nhận thư từ Viện Hàn lâm Thụy Điển mời giới thiệu tác giả góp mặt vào danh sách tranh giải Nobel Văn học.
- Hội nhận thư từ Viện Hàn lâm Thụy Điển trong bối cảnh nào?
- Lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư mời của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Thư gửi qua đường bưu điện, trong một phong bì nghiêm trang, nội dung ngắn gọn. Có thể vì trục trặc, lý do nào đó trong quá trình gửi thư từ bưu cục Thụy Điển về, dẫn đến chuyện chậm trễ, quá thời gian nhận đề cử 20 ngày. Tôi đang soạn một bức thư để trả lời họ, cảm ơn về sự quan tâm của Viện tới văn học Việt. Trong đó, tôi sẽ nói một chút về lịch sử, phát triển của văn học nước nhà từ sau chiến tranh và những năm gần đây khi bước vào thời kỳ hội nhập.
Theo quan sát cá nhân, có được sự ghi nhận này xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, chủ trương của Viện gần đây hướng tới tìm kiếm những giọng văn khác biệt ở những vùng văn hóa lâu nay đang bị khuất lấp. Năm 2021, Viện đãtrao giảicho Abdulrazak Gurnah - một nhà văn châu Phi không được nhiều người biết đến.
Thứ hai, tôi tin những năm qua, văn học Việt có những tín hiệu, thông tin tốt để được biết đến nhiều hơn. Chẳng hạn, sách của các nhà văn đương đại trong nước được xuất bản nhiều. Tên tuổi các nhà văn xuất hiện trên diễn đàn văn chương thế giới. Các tác giả Việt đoạt giải thưởng ở các quốc gia, tổ chức văn chương nằm ngoài lãnh thổ. Số lượng tác phẩm văn học nước nhà được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác cũng lớn hơn.
- Ông nói gì về việc lỡ một trong những cơ hội giới thiệu văn học nước nhà đến Nobel?
- Tôi không tiếc nuối về chuyện vuột mất cơ hội đề cử lần này. Nếu nhận đúng ngày, đúng giờ, Hội chưa chắc chọn được đề cử xứng đáng để giới thiệu. Cần nhìn thẳng vào thực tế rằng nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng, việc chọn lựa càng khó khăn. Chúng tôi xem đây là tiền đề, tạo sự tự tin, năm nay đã được mời, năm sau hy vọng tiếp tục có được vinh dự. Điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển.
- Nếu phải đề cử một nhà văn hay tác phẩm, ông sẽ đề cử ai?
-Trong đầu tôi chưa nghĩ ra đề cử ai nhưng ít nhất sau việc này, chúng tôi ý thức rằng phải làm gì để phát triển nền văn học, đến một ngày có thể dễ dàng đưa ra sự lựa chọn. Nếu bây giờ đưa cho báo chí, bạn đọc hay Hội nhà văn đề cử tác giả dự giải cũng không phải chuyện dễ dàng, do ứng viên đáp ứng được yêu cầu của giải thưởng hiện quá ít. Trong cách nhìn nhận chung, một tác phẩm đạt giải Nobel phải tạo ra hệ thống ngôn ngữ, tư tưởng triết học, mỹ học, ảnh hưởng đến xã hội của quốc gia đó và nhiều đất nước. Điều này có lẽ chưa có nhà văn Việt Nam nào làm được.
Chúng ta từng dùng văn chương để tuyên truyền, cổ vũ trong cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, mong sớm kết thúc chiến tranh. Có thời điểm tự do văn chương bị kìm hãm, các ngòi bút không thể bộc lộ hết tài năng, nhìn nhận về cuộc sống. Nhân giải Nobel năm ngoái, chúng tôi từng tổ chức chuyên đề "Khoảng trống của nhà văn". Câu hỏi đặt ra: "Điều gì có thể lấp đầy để nhà văn Việt Nam phát triển tầm cỡ, đứng chung với các nhà văn lớn thế giới?". Câu trả lời không hề đơn giản.
Thực tế còn nhiều nhà văn chưa dẫn thân hết sức, chưa mang hết vào ngòi bút của mình để phản ánh. Nhiều nhà văn còn xem đây là cuộc dạo chơi, hoặc chỉ đang viết, phản ảnh về một khoảnh khắc băn khoăn, bức xúc nào đó trong cuộc sống. Tôi ngày xưa cũng thế, viết thơ vì bị người yêu bỏ nhưng sau khi đọc các tác phẩm của nhà thơ lớn trên thế giới, tôi nhận ra thơ chứa đựng điều kỳ diệu, mạnh mẽ, đáng để sống hơn. Hiện tôi xem thơ là hành động sống.
- Hội Nhà văn Việt Nam có kế hoạch gì để quảng bá văn học nước nhà ra thế giới?
- Văn chương Việt Nam chưa được thế giới chú ý nhiều, các tác giả của chúng ta không được bạn đọc săn lùng như Murakami Haruki, Mạc Ngôn... Chúng tôi từng tổ chức bốn hội nghị quảng bá văn học Việt. Các tác phẩm của tác giả trong nước cần được dịch ra nhiều thứ tiếng, để tư tưởng, tình cảm, vẻ đẹp trong ngôn ngữ, tinh thần người Việt được lan tỏa. Chúng tôi đang lên kế hoạch rõ ràng cho kế hoạch này, rất cần sự ủng hộ. Cần có chiến lược kỹ lưỡng như tuyển chọn tác phẩm - bản dịch xuất sắc, hệ thống phát hành... Tôi nghĩ chẳng cần phải đi đâu xa, hãy học hỏi Hàn Quốc trong việc quảng bá nghệ thuật, văn hóa.
Tương lai chúng tôi có những kế hoạch triệu USD để đưa văn chương ra thế giới. Sắp tới có một đoàn giáo sư Đại học Harvard của Mỹ đến thăm Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi sẽ có những trao đổi, sớm tổ chức một chương trình quảng bá văn học tại ngôi trường đại học nổi tiếng Mỹ vào mùa xuân năm sau.
Quy trình chọn người chiến thắng Nobel Văn học
Theo website của Ủy ban Nobel, ứng cử viên đủ tiêu chuẩn là các nhà văn đương đại còn sống, được giới thiệu bởi thành viên Viện Hàn lâm Thuỵ Điển; thành viên các viện, học viện, tổ chức xã hội tương tự; giáo sư văn học, ngôn ngữ học tại các trường cao đẳng, đại học; những người từng đoạt giải Nobel Văn học; Chủ tịch hội nhà văn các quốc gia. Tác giả đủ tiêu chuẩn, nếu không nhận được thư mời, có thể nhờ các tổ chức gửi đề cử về. Tuy nhiên, không ai có thể tự ứng cử bản thân.
Hàng năm, vào tháng 9, Ủy ban Nobel gửi thư mời cho hàng trăm cá nhân, tổ chức, nhận hồ sơ đến hết tháng 1 năm kế tiếp. Sau đó, họ sàng lọc các đề cử, đệ trình danh sách gồm khoảng 15-20 cái tên để Viện hàn lâm Thụy Điển phê duyệt. Cuối cùng, họ đưa ra danh sách rút gọn với năm ứng cử viên. Ban giám khảo sẽ cùng đọc tác phẩm, thảo luận về giá trị đóng góp của từng tác giả, bỏ phiếu bầu người chiến thắng. Giải thưởng được công bố vào tháng 10, dành cho nhà văn nhận được số phiếu quá bán cao nhất. Quỹ Nobel quy định hạn chế tiết lộ thông tin về các đề cử, danh sách sẽ được công khai sau 50 năm.
Ý kiến ()