Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:25 (GMT +7)
Nguyên nhân khiến tỷ lệ F0 tử vong tại TP.HCM còn cao
Chủ nhật, 12/12/2021 | 12:16:32 [GMT +7] A A
Sau khi nới lỏng các chính sách về giãn cách xã hội, số ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang có dấu hiệu tăng lên. Mặt khác, với tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh, Việt Nam đã hạn chế được khá tốt tỷ lệ diễn biến nặng cũng như tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại TP.HCM, số lượng người tử vong sau khi mắc Covid-19 vẫn tương đối cao. Khi so sánh với Hà Nội, cũng là nơi tập trung đông dân cư cùng số ca nhiễm mới hàng ngày không quá chênh lệch, lượng F0 tử vong của TP.HCM cao hơn hẳn.
Trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thực trạng này đến từ nhiều nguyên nhân như vấn đề tiêm chủng, tình hình dịch hay hiểu biết của người dân trong theo dõi và điều trị bệnh.
Nguyên nhân
Theo PGS Dũng, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là trong thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, TP.HCM đã bỏ sót nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền.
“Ở giai đoạn đó, những người có huyết áp trên 160 không được phép tiêm vaccine tại cộng đồng mà phải tới các bệnh viện. Điều này khiến bản thân người dân e ngại về tính an toàn của vaccine. Thành phố trước áp lực chống dịch lớn cũng chưa thể hướng dẫn cụ thể cho người dân”, vị chuyên gia giải thích.
Tại Hà Nội, khi mở rộng chương trình tiêm chủng, quy định liên quan huyết áp trước đó không còn được áp dụng. Sự thay đổi này khiến quy mô tiêm chủng của thành phố trở nên rộng hơn, giúp nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền được bao phủ vaccine phòng Covid-19.
Hà Nội cũng không phải chịu áp lực quá lớn về diễn biến dịch cũng như quá tải hệ thống y tế tương tự TP.HCM trong giai đoạn đó. Từ đây, việc tư vấn tiêm chủng cho người dân cũng được đảm bảo tốt hơn.
“Trong cuộc họp mới đây của Sở Y tế TP.HCM, thông tin chính thức cũng cho thấy tỷ lệ người đã tiêm đủ vaccine trong nhóm F0 tử vong là rất thấp, chỉ khoảng 20-30%. Do đó, chúng ta có thể một lần nữa khẳng định việc tiêm chủng sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ tử vong”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến số ca mắc Covid-19 tử vong cao tại TP.HCM là dịch đã lây lan ở các cộng đồng dân cư sau khi địa phương này nới lỏng chính sách về giãn cách. Các quy định về mở cửa của TP.HCM hiện nay cũng rộng hơn Hà Nội. Điều này dẫn đến tỷ lệ nhiễm nCoV ở nhóm người cao tuổi lớn hơn.
PGS Dũng cho biết: “Chúng ta có thể hình dung ở thời điểm đỉnh dịch của TP.HCM, người cao tuổi được bảo vệ rất kỹ, các hoạt động xã hội bị tạm dừng khiến nguy cơ lây nhiễm thấp hơn. Còn hiện nay, việc giao tiếp trong cộng đồng lớn hơn, tỷ lệ nhiễm virus cao hơn, người trẻ, đã tiêm chủng, không diễn biến nặng nhưng có thể mang mầm bệnh về lây trong gia đình. Những người cao tuổi từ đó có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, từ đó tăng số trường hợp diễn biến nặng, tử vong”.
Thứ 3, Trưởng khoa Y tế Công cộng cho biết số lượng người dân trực tiếp đến các cơ sở y tế thuộc tầng 3 trong mô hình điều trị của thành phố khá cao. Những trường hợp này đã có diễn biến nặng và buộc phải nhập viện. Điều này thể hiện rằng các F0 không được chăm sóc tốt ngay từ giai đoạn đầu.
Theo ông Dũng, nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Một số người dân không đủ hiểu biết về bệnh. Họ cho rằng bản thân không có triệu chứng, diễn biến nhẹ nên không quan tâm tới bệnh tình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải tới ngày thứ 5, thậm chí 10 ngày sau mới diễn biến nặng. Một số khác tự đánh giá mình đã cao tuổi, không cần điều trị.
Ngoài ra, nếu ngành y tế và chính quyền thành phố vận động, truyền thông tốt, người dân cũng có thể hiểu rõ về Covid-19 để theo dõi, điều trị hiệu quả hơn.
Nguyên nhân thứ 4, theo ông Dũng, là TP.HCM đang có hiện tượng lạm dụng thuốc trong điều trị Covid-19.
“Nhiều người đang sử dụng các loại thuốc chứa corticoid khá bừa bãi. Khi cấp thuốc chống đông, kháng viêm cho người dân, Sở Y tế TP.HCM đã đưa thông điệp khá rõ ràng là chỉ dùng khi chuyển nặng, khó thở, buộc phải nhập viện. Tuy nhiên, nhiều người dân hiểu sai, từ thông điệp này lại cho rằng đây là các loại thuốc tốt, quý nên không phải lúc nào cũng dùng và quyết định uống trước”, PGS Dũng quan ngại.
Theo vị chuyên gia này, việc làm trên là rất nguy hiểm khi sử dụng corticoid sớm có thể gây diễn biến nặng hơn cho bệnh nhân. Ông khẳng định mỗi loại thuốc đều có công dụng riêng và phải được sử dụng trong từng giai đoạn.
Nguyên nhân cuối cùng là tình hình dịch bệnh sau khi trở nên phức tạp hơn sẽ dẫn đến hiện tượng mệt mỏi và quá tải ở hệ thống y tế, gây sai sót. Lúc này, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng lên.
“Dù không mong muốn, những biến cố, sai sót vẫn có thể xảy ra với bất cứ địa phương nào khi số ca tăng cao, hệ thống y tế bị quá tải. Nói vậy để chúng ta cần hiểu rằng cần phòng dịch từ sớm, hạn chế số ca nhiễm để duy trì chất lượng của hệ thống y tế”, PGS Dũng khuyến cáo.
6 giải pháp cần thực hiện sớm
PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh giải pháp đầu tiên của TP.HCM hiện nay là bảo vệ người có nguy cơ thông qua tổ chức, tạo điều kiện và truyền thông mạnh hơn về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Trên thực tế, việc làm này vẫn gặp nhiều khó khăn với những người dân còn thiếu hiểu biết.
Thứ 2, thành phố cần đẩy nhanh quá trình tiêm mũi vaccine bổ sung, nhất là với trường hợp mắc bệnh nền, người cao tuổi hay có hệ miễn dịch kém. Với nhóm này, các mũi vaccine cơ bản là không đủ để họ tự bảo vệ trước SARS-CoV-2.
Thứ 3, TP.HCM phải nhanh chóng giải quyết vấn đề bệnh nhân Covid-19 không được tiếp cận sớm với y tế. Tình trạng này có thể đến từ việc hệ thống y tế bị quá tải, y bác sĩ không tới kịp khi nhận thông tin từ người dân, việc truyền thông chưa đủ mạnh. Thậm chí, chúng ta cần loại bỏ việc chủ quan, coi thường diễn biến nặng dẫn đến không theo dõi sát F0.
Giải pháp thứ 4 theo PGS Dũng là những người nguy cơ cao cần được điều trị với thuốc Molnupiravir. Việc làm này sẽ mang tới ý nghĩa rất lớn nếu điều trị đúng.
“Người dân khi nhận thấy việc thông báo với cơ quan y tế địa phương về tình trạng của mình giúp họ được chăm sóc tốt, dùng thuốc giảm nguy cơ, sẽ hợp tác hơn. Bên cạnh đó, Molnupiravir nếu được dùng đúng chỉ định cũng có hiệu quả cao trong giảm nguy cơ diễn biến nặng”, ông nói.
Thứ 5, vị chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần củng cố lại hệ thống điều trị, đặc biệt là vấn đề nhân lực.
“Chúng ta có thể vận động các đơn vị đang hỗ trợ thành phố tiếp tục công tác trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc này sẽ khá khó khăn. Ngoài ra, thành phố cũng nên mạnh dạn yêu cầu sinh viên các ngành y tế trực tiếp tham gia phòng dịch”, PGS Dũng gợi ý.
Cuối cùng, công tác truyền thông tới người dân có ý nghĩa rất lớn. Ngành y tế thành phố cần giúp người dân hiểu và không dùng thuốc mang đến nguy cơ cho chính họ. Ngoài ra, mọi người cũng cần nắm rõ diễn biến bệnh của Covid-19, tránh tâm lý chủ quan.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()