Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:38 (GMT +7)
Nguyên nhân khiến trẻ hay mắc viêm phế quản và cách chăm sóc đúng
Thứ 7, 19/03/2022 | 14:00:51 [GMT +7] A A
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể ở lứa tuổi và thời tiết nào. Trẻ ở thành thị cũng như ở các nơi tập trung dân cư đông đúc thì tỉ lệ mắc bệnh còn cao hơn. Nhận biết được nguyên nhân và cách đề phòng sẽ làm giảm thiểu căn bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống ở trẻ.
1. Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới, nhiều người còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi, nhưng khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi.
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, trẻ sống ở khu vực đông đúc chiếm tỷ lệ cao hơn. Bệnh viêm phế quản hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… cũng rất dễ bị viêm phế quản. Trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Có nhiều nguyên nhân viêm phế quản, nhưng nguyên nhân chính là virus, sau đó trẻ có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. Influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn…
Thông thường các vi khuẩn gây bội nhiễm thường xuyên tồn tại ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh.
Chính vì lẽ đó, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Virus là nguyên nhân chính gây nên bệnh giai đoạn đầu, thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, ho, sổ mũi, cúm hay viêm xoang. Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch. Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản.
Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.
Ngoài ra, viêm phế quản còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá. Đa số các thanh thiếu niên nghiện thuốc lá hay trẻ em phải sống trong môi trường có khói thuốc lá, rất có nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính.
3. Triệu chứng của viêm phế quản ở trẻ
Các triệu chứng của bệnh là sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi… Ở giai đoạn phát triển của bệnh, trẻ sẽ sốt nặng hơn, xuất hiện hiện tượng thở khò khè hoặc thở bằng miệng. Da trẻ tím tái, xanh xao và nặng hơn sẽ có những biểu hiện về thần kinh như nằm li bì, hôn mê và có những cơn co giật.
Khi tình trạng viêm phế quản tiến triển đến giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có những cơn sốt cao lên tới 40 độ C kèm theo những cơn ho nhiều và kéo dài. Trẻ thường khó thở, có thể nhận biết những tiếng rít một cách dễ dàng khi trẻ nằm ngủ.
Chính vì vậy, khi có những bất thường đầu tiên, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
4. Cách chăm sóc đúng khi trẻ bị viêm phế quản
Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản, nghĩa là giúp trẻ tống đờm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn. Không nhất thiết phải dùng kháng sinh, chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẩn và điều này sẽ được bác sĩ đánh giá và chỉ định.
Ở trẻ quá nhỏ phản xạ ho không nhiều hoặc động tác ho yếu, không đủ để tống đờm ra thì sẽ dẫn đến nghẹt đờm, cần phải đưa trẻ đi tập vật lý trị liệu hô hấp hoặc đi hút đờm nhớt. Như vậy, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc chống ho khi thấy con mình ho quá nhiều.
Hằng ngày, ngoài việc thực hiện chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước ấm mỗi ngày, để giúp trẻ không bị tắc nghẽn sung huyết. Đối với trẻ còn bú, tích cực cho trẻ bú nhiều cữ hơn để giúp tình trạng được cải thiện.
Ngoài ra, cần dọn nhà cửa sạch sẽ, không bụi bẩn và không khói thuốc sẽ tránh cho trẻ cảm giác khó chịu, đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp. Khi trẻ sốt nhẹ chỉ cần uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát, không nên ủ kín trẻ hoặc mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp, nếu trẻ sốt cao trên 38 độ thì có thể cho trẻ uống hạ sốt và giảm đau, liều lượng cần theo chỉ định.
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện thở mệt hay thở nhanh, da tím tái hoặc không ăn uống, nôn… cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay trước khi quá muộn, vì khi đó trẻ đang gặp nguy hiểm.
Ở trẻ sơ sinh nhất là trẻ sinh non và trẻ dưới 2 tháng tuổi, bệnh thường rất nặng, trong khi triệu chứng lâm sàng lại rất sơ sài, có thể không thấy các biểu hiện bệnh ở phổi. Do vậy, khi thấy trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sụt cân, rối loạn tiêu hóa (nôn trớ hoặc tiêu chảy), khó thở, có những cơn ngừng thở, tím tái, sùi bọt mép, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.
Thông thường, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì sau vài ngày trẻ sẽ hết sốt, đỡ khó thở, hết tím tái… rồi khỏi.
Khi trẻ bệnh không nên ép trẻ ăn, chỉ cần cho uống nước nhiều, cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như nước súp, nước cháo, nếu trẻ đòi ăn nữa có nghĩa trẻ bắt đầu hồi phục bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn cần được theo dõi sát và chăm sóc chu đáo (giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, ưu tiên bồi dưỡng cho trẻ) để tránh tái phát bệnh.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()