Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:19 (GMT +7)
Nguy hiểm cúm gia cầm lây sang người
Thứ 7, 29/10/2022 | 11:26:03 [GMT +7] A A
Cúm gia cầm là một trong những loại bệnh dịch gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là đối với các loài gia cầm như gà, vịt... Không chỉ vậy, cúm gia cầm do virus cúm A/H5, A/H7... còn có thể lây sang người gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh thường lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm.
Mới đây, tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5. Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đội phòng chống cơ động đến tỉnh Phú Thọ, về địa bàn bệnh nhân sinh sống của bệnh nhân để phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương để điều tra dịch tễ. Qua lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa, tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5.
Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Theo đó, nâng tổng số người nhiễm cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp. Trong đó đã có 64 trường hợp tử vong do vi rút cúm gia cầm A/H5 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.
Suốt nhiều năm qua, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, đặt biệt là vào mùa Đông, Xuân. Thời điểm này, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, khí hậu thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Tại Quảng Ninh mới đây ngày 23/10/2022, dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện trên đàn vịt 3.500 con của hộ gia đình ông Hoàng Văn Cường, ở thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên.
Trước thực trạng bệnh cúm gia cầm có thể bùng phát, để chủ động ngăn chặn các ổ dịch, hạn chế thấp nhất cúm gia cầm lây sang người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy định.
Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao. Các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch; tổ chức giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao…
Cũng liên quan đến dịch cúm gia cầm, ngành Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch; phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là nguy cơ cúm gia cầm lây sang người để người dân chủ động phòng tránh…
Mùa đông đã tới, đây là thời kỳ thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, tiếp đó là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội khiến nhu cầu vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm gia tăng, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Chính vì vậy, việc phòng dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, luôn chủ động, tích cực phòng khi dịch còn chưa xuất hiện, không lơ là, chủ quan là rất quan trọng. Qua đó kiểm soát hiệu quả dịch cúm gia cầm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()