Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:17 (GMT +7)
Nguy hại từ nhạc chế thiếu nhi
Thứ 5, 08/08/2024 | 08:59:11 [GMT +7] A A
Việc không ít người chế lại lời các ca khúc thiếu nhi làm sai bản chất, ý nghĩa, thậm chí phối lại nhạc theo phong cách người lớn gây nhiều tranh cãi với khán giả.
Thu hút nhưng để lại hệ lụy
Nhạc thiếu nhi là những sáng tác dành cho trẻ em với ca từ trong sáng, lành mạnh góp phần định hướng tư tưởng trẻ như: Yêu cha mẹ, làm việc tốt... Có không ít ca khúc thiếu nhi đã trở thành kinh điển và được bố mẹ mở cho con cái nghe từng ngày như: Hai con vịt, Cô giáo em, Hai con thằn lằn con...
Tuy nhiên, trong 1 năm trở lại đây, việc các ca khúc kể trên đang bị biến tấu với nhiều phong cách, lời bài hát mới tràn lan trên các trang mạng xã hội. Điều này gây ra những phản ứng trái chiều từ khán giả.
Trong đó, có ca khúc “Em là mầm non của Đảng” do nhạc sĩ Mộng Lân sáng tác vào năm 1958. Từ đầu năm 2024 đến nay, ca khúc này bỗng hot trở lại và được không ít người đăng tải lên nền tảng mạng xã hội. Ban đầu là những bản cover lại theo nhiều chất giọng khác nhau tạo được hiệu ứng tốt với người nghe, xem.
Tuy nhiên, thời gian trở lại đây một số phiên bản chế lời lại được tung ra với nhiều ngôn ngữ phản cảm và định hướng người nghe theo thông điệp tiêu cực như: Măng non báo măng già (ý chỉ là trẻ con hư báo hại người lớn, phụ huynh); hay như lời chế “đốt đống rơm cháy nhà hàng xóm” - đây là một điều khá nguy hại, đầu độc tâm hồn của trẻ em.
Đáng nói, những đoạn nhạc này lại được không ít người sử dụng lại để làm nhạc nền cho các video của mình đăng tải lên nền tảng TikTok. Điều đó khiến các bài hát nhạc chế lời xàm như thế này lan truyền chóng mặt. Không chỉ có viết lời mới phản cảm cho các ca khúc thiếu nhi mà việc phối lại bản mới cũng gây tranh cãi không kém.
Vừa qua, ca sĩ Thu Minh là khách mời trong chương trình Trẻ Concert. Ngoài dành tặng các bạn sinh viên loạt ca khúc như Bóng mây qua thềm, Bay… nữ ca sĩ còn gây chú ý khi mang đến phiên bản mới cho “Hai con thằn lằn con” - ca khúc vốn quen thuộc với các em nhỏ.
Ở phần trình diễn này, Thu Minh có dịp khoe chất giọng khỏe khoắn vốn đã là thương hiệu của mình. Tuy nhiên, cách thể hiện của cô lại vấp phải những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, việc nữ ca sĩ làm mới ca khúc đã quen thuộc với thiếu nhi là không phù hợp.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên gằn giọng của nữ ca sĩ Thu Minh cũng khiến người nghe cảm thấy khó chịu, làm mất giá trị của bài hát.
Trước đó, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm chế đoạn nhạc Doraemon cũng trở thành đề tài gây tranh cãi. Nội dung bản nhạc chế này nhảm nhí, nhưng lại được nam diễn viên này liên tục thể hiện trong các game show như Sàn đấu ca từ, Khuôn mặt đáng tin... trong chương trình chính thức hoặc video quay hậu trường đã qua vòng kiểm duyệt của nhà đài.
Cần loại bỏ nhạc chế phản cảm, tránh đầu độc trẻ
Nếu làm một động tác tra từ khóa “nhạc chế búp măng non” trên TikTok, người dùng mạng xã hội dễ dàng bắt gặp các clip nhạc chế với ca từ phản cảm tràn lan. Đáng nói hơn, có những clip được hàng triệu lượt xem. Trong khi đó, nền tảng TikTok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác vẫn chưa có những chính sách giới hạn độ tuổi người xem.
Trong tuần cuối tháng 6.2024, “búp măng non” lọt vào tốp 10 chủ đề gây chú ý nhất trên mạng xã hội. Sẽ là điều đáng lo ngại nếu đoạn nhạc này được chế lời xàm lại đang là “hot trend” của giới trẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người có hàng loạt ca khúc sáng tác về thiếu nhi cho biết, anh không đồng tình khi nhiều người chế lời các ca khúc cho trẻ em phản cảm, sai lệch thông điệp. Vậy nên, có thể thấy, với những bài hát cho thiếu nhi, cần phải loại bỏ những bản nhạc chế ca từ độc hại, tránh việc chế lời phản cảm trở thành xu hướng, gây ra nhiều hệ lụy với người trẻ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()