Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:47 (GMT +7)
Nguy hại khi tích trữ thực phẩm sai cách trong tủ lạnh
Thứ 2, 13/09/2021 | 15:58:10 [GMT +7] A A
Một số vi khuẩn có thể phát triển mạnh khi nhiệt độ lạnh nhưng lại không ảnh hưởng đến vị, mùi hoặc vẻ ngoài của thực phẩm. Do đó, người dân không thể nhận biết.
Việt Nam đang đối mặt làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 (kể từ 27/4) với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đa phần các gia đình đều dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh để ăn dài ngày, tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản đúng.
Thực phẩm trong tủ lạnh cần được bảo quản đúng cách để tránh các vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Getty. |
Mất dinh dưỡng và nhiễm khuẩn
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Lưu Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết thực phẩm được bảo quản lâu trong tủ lạnh sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng.
Thức ăn đã chế biến có thể được bảo quản trong tủ lạnh khoảng 3 đến 4 ngày ở nhiệt độ phù hợp với từng loại thực phẩm. Khi lưu trữ trong thời gian dài hơn, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm sẽ bị giảm sút.
Nhiều thực phẩm bị mất đi màu sắc, hương vị và kết cấu trong quá trình bảo quản lạnh.
Thạc sĩ Hương cũng lưu ý một số thực phẩm trong điều kiện bảo quản lạnh lâu ngày có thể phát triển vi khuẩn, gây nên một số vấn đề liên quan đến ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.
Đặc biệt, việc lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm cũng là một điều dễ xảy ra, đặc biệt trong môi trường nhiệt độ thấp như tủ lạnh. Nếu thực phẩm không được bảo quản trong những hộp hoặc bao bì riêng biệt, việc lây lan vi khuẩn và các loại bào tử bên trong tủ lạnh rất dễ diễn ra.
Thạc sĩ Hương cho hay trong tủ lạnh, một số vi khuẩn như listeria monocytogenes có thể phát triển mạnh khi nhiệt độ lạnh. Nó sinh sôi trên thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh theo thời gian và có thể gây bệnh.
Theo chuyên gia này, hai loại vi khuẩn trong thực phẩm đã được làm lạnh. Thứ nhất là vi khuẩn gây bệnh (các bệnh liên quan đến thực phẩm) và vi khuẩn gây hỏng - làm hỏng thực phẩm cùng với việc gây mùi khó chịu.
Các vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong "khu vực nguy hiểm" có nhiệt độ 4-6 độ C, nhưng lại không ảnh hưởng đến vị, mùi hoặc vẻ ngoài của thực phẩm. Điều này có nghĩa chúng ta không thể nhận ra được sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm nếu chỉ quan sát bằng mắt thường.
Vi khuẩn gây hỏng có thể phát triển ở nhiệt độ thấp, chẳng hạn như trong tủ lạnh. Nó sẽ làm cho vẻ ngoài của thực phẩm xấu đi và có mùi khó chịu.
Chỉ mua đủ thực phẩm trong một tuần
"Khi tích trữ thực phẩm với số lượng lớn và trong nhiều ngày liên tục, nếu thực phẩm được bảo quản không đúng cách, rất dễ khiến cho người sử dụng gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến Salmonella, E.Coli, C. Botulinum gây ngộ độc Botulinum và nhiều vấn đề khác", thạc sĩ Hương cảnh báo.
Người dân không nên lo lắng, đổ xô đi mua thực phẩm về tích trữ dài ngày. Ảnh: An Bình. |
Theo chuyên gia này, thiếu thốn thực phẩm chủ yếu chỉ là tình trạng gián đoạn tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn do đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng và đang được khắc phục nhanh chóng.
Chính vì thế, người dân chỉ nên mua đủ thực phẩm cần dùng trong khoảng một tuần bởi việc này đáp ứng được nhiều tiêu chí như đảm bảo được sự yên tâm trong ngắn hạn nhưng vẫn chia sẻ thực phẩm của mình với người khác; đủ để đảm bảo được những giá trị dinh dưỡng của thực phẩm mua về; đồng thời đảm bảo được các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bởi tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh hay trong nhà có thể dẫn đến tình trạng hư hỏng thực phẩm, vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về dinh dưỡng, thạc sĩ Hương khuyến nghị người dân nên ăn nhiều rau xanh hoa quả tươi, nhưng cần hạn chế hoa quả ngọt dưới 100g/ngày.
Tinh bột vẫn cần duy trì trong những ngày ở nhà, nhưng nên hạn chế, không ăn quá nhiều. Bởi trong thời gian giãn cách, hoạt động của chúng ta có thể giảm bớt so với ngày thường.
Trong những ngày giãn cách, người dân vẫn nên ưu tiên chế biến thực phẩm dưới dạng hấp luộc, kho, hạn chế việc chế biến xào rán nhiều. Sữa và chế phẩm sữa vẫn nên được duy trì.
Ăn vặt nên được hạn chế vì sự vận động của người dân bị giảm bớt so với ngày thường.
"Người dân nên giữ sự bình tĩnh vì dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Chúng ta nên tích trữ lương thực đủ để dùng trong vòng một tuần, đồng thời bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch trong những ngày này một cách khoa học. Đồng thời, duy trì được sự tích cực, lạc quan trong những ngày này là biện pháp tốt nhất để chúng ta có thể làm những việc trên", thạc sĩ Hương lưu ý.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()