Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:40 (GMT +7)
Nguy cơ vùng lãnh thổ Transnistria bị cuốn vào cuộc xung đột ở Ukraine
Thứ 6, 29/04/2022 | 14:48:34 [GMT +7] A A
Các vụ nổ xảy ra ở Transnistria trong những ngày gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột Ukraine có thể sớm lan sang vùng lãnh thổ này.
Theo trang tin Euronews.com ngày 27/4, căng thẳng đã gia tăng trong những ngày gần đây tại khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi mà ít người ở châu Âu chú ý, nhưng có thể dễ dàng trở thành điểm nóng mới cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Người đứng đầu vùng lãnh thổ Transnistria, Vadim Krasnoselsky, hôm 26/4 đã kêu gọi báo động đỏ 15 ngày, với các biện pháp an ninh chống khủng bố được đưa ra, như thiết lập các rào chắn tại các lối vào khu trung tâm.
Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Krasnoselsky cho biết: “Những dấu vết của các cuộc tấn công này dẫn đến Ukraine".
Điều này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi một quan chức quân sự cấp cao của Nga, Rustam Minnekayev, nói rằng các lực lượng Nga đang hướng tới việc kiểm soát hoàn toàn miền Nam Ukraine và một động thái như vậy sẽ mở ra một hành lang trên bộ giữa Nga và Transnistria.
Là một dải đất dài và hẹp ở rìa phía Đông của Moldova, Transnistria đã được coi là một "cuộc xung đột bị đóng băng", sau khi Liên Xô tan rã và một cuộc nội chiến ngắn với Moldova vào năm 1992.
Cuộc xung đột kéo dài vài tháng đó khiến khoảng 700 người thiệt mạng. Kể từ đó, khu vực này đã hoạt động như một quốc gia độc lập, mặc dù họ không được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Nga đã duy trì sự hiện diện quân sự với khoảng 1500 binh sĩ ở Transnistria kể từ năm 1992, bề ngoài là lực lượng gìn giữ hòa bình.
Transnistria kéo dài khoảng 400 km giữa bờ Đông sông Dniester ở Moldova và biên giới của nước này với Ukraine, và là nơi sinh sống của khoảng 470.000 dân, chủ yếu là người Nga.
Thời gian hành trình từ thủ đô Chisinau của Moldova đến Tiraspol, thủ phủ của Transnistria, 70km, mất khoảng 90 phút, đi qua một trạm kiểm soát "biên giới" không chính thức do những người lính Transnistria lập ra. Từ Tiraspol đến thành phố Odesa của Ukraine chỉ hơn 100 km.
Trong khi Moldova, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, ngày càng hướng tới Liên minh châu Âu trong những năm gần đây, Transnistria vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Vào tháng 3/2022, Moldova đã ký một yêu cầu chính thức xin gia nhập EU, mặc dù quá trình đó có thể sẽ mất nhiều năm.
Đầu tuần này, các vụ nổ đã làm rung chuyển trụ sở cơ quan an ninh của khu vực, nhưng không có báo cáo thương vong. Sau đó, một vụ nổ đã đánh sập hai ăng-ten phát sóng cực mạnh. Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.
Một ngày tiếp theo, các nhà chức trách ở Transnistria nói rằng một ngôi làng giáp biên giới với Ukraine, nơi có một kho đạn lớn của quân đội Nga, đã trở thành mục tiêu của một vụ tấn công.
“Từ thông tin chúng tôi có vào thời điểm này, những nỗ lực leo thang trên xuất phát từ các phe phái trong khu vực Transnistria, những lực lượng ủng hộ chiến tranh và muốn làm mất ổn định tình hình trong khu vực”, Tổng thống Moldova Maia Sandu phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 27/4.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tuyên bố rằng Moskva "lo ngại" về chuỗi các vụ nổ, đồng thời nói thêm rằng Nga "muốn tránh một kịch bản" mà Transnistria sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()