Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:30 (GMT +7)
Nguy cơ từ xe tự chế, vật nuôi thả rông
Thứ 6, 26/04/2024 | 08:28:56 [GMT +7] A A
Mặc dù pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng về mức xử phạt, tuy nhiên tình trạng xe tự chế, chăn thả gia súc trên đường bộ vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh, nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Theo Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội...", hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng.
Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt 1-2 triệu đồng. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp vật nuôi thả rông tấn công, lây bệnh hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Quy định là vậy, nhưng thực tế tình trạng người dân vi phạm chăn, thả rông gia súc, vật nuôi hiện diễn ra phổ biến. Người bị gia súc, vật nuôi cản trở, gây TNGT vẫn phải tự chịu chi phí, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường, hoặc nếu xác định được thì các thủ tục bồi thường rất mất thời gian.
Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Việc người dân để vật nuôi, gia súc đi rông trên các tuyến đường, nhất là trên quốc lộ, là hết sức nguy hiểm. Thời gian tới đơn vị phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân về việc quản lý vật nuôi. Trong đó không thả rông vật nuôi, gia súc gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tham gia giao thông.
Cùng với thả rông vật nuôi, tình trạng xe cũ nát, tự chế có dấu hiệu “bùng phát” trở lại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT tại một số địa phương trong tỉnh. Các xe cũ nát, tự chế thiếu các yếu tố kỹ thuật an toàn vì là phương tiện "3 không" (không đăng ký đăng kiểm, không bằng lái, không biển số), giá trị rất thấp nên người điều phương tiện khiển sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” khi gây tai nạn.
Để xử lý dứt điểm xe tự chế, xe cũ nát, các ban, ngành, lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, chủ phương tiện, từ đó tự giác chấp hành tháo dỡ, giải bản, cam kết không sử dụng, lưu hành loại phương tiện này. Các địa phương cần thống kê, giám sát đối với các cơ sở sản xuất xe thô sơ, tự chế để có hình thức tuyên truyền, xử lý nghiêm.
Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm chủ xe, người điều khiển; kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe.
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()