Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:54 (GMT +7)
Nguy cơ quảng cáo 'bẩn' từ dịch vụ kích view, câu like Facebook, TikTok
Thứ 7, 27/04/2024 | 09:59:29 [GMT +7] A A
Các dịch vụ kích view, câu like có thể bị kẻ xấu lợi dụng để quảng cáo bẩn, lan truyền tin giả, nội dung vi phạm pháp luật nhằm định hướng thông tin người dùng mạng xã hội.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam xuất hiện một số dịch vụ giúp tăng tương tác bài viết trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này được thực hiện thông qua một hệ thống gồm nhiều smartphone kết nối với nhau và kết nối với Internet.
Với hệ thống này, người điều khiển có thể dễ dàng "kích view", "câu like" cho các bài viết trên Facebook, TikTok tùy theo ý muốn. Các thao tác đều được thực hiện thông qua một phần mềm điều khiển.
Theo quảng cáo của bên cung cấp dịch vụ, chỉ cần khách hàng bỏ ra một số tiền nhất định, họ sẽ thực hiện một chiến dịch marketing, quảng cáo, giúp lan truyền thông tin, tạo hiệu ứng cho bài viết với số lượt view, like, chia sẻ theo yêu cầu.
Người dùng mạng xã hội thường có tâm lý “đám đông”. Do vậy, họ rất dễ bị định hướng thông tin bởi những bài viết, video, hình ảnh với nhiều lượt like, comment, share được lan truyền trên mạng.
Thực tế trên dẫn đến tình trạng, các dịch vụ gia tăng tương tác tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc đơn vị vận hành kích view, câu like bất chấp nội dung của các bài đăng nhằm kiếm lợi. Trong trường hợp đó, họ có thể vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho việc lan truyền tin giả, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, các thiết bị kích view, kích like trên Facebook, TikTok thường được biết đến với tên gọi "Phone Farm", "Box Phone Farm".
Về bản chất, đây là một hệ thống phần cứng bao gồm nhiều thiết bị điện thoại di động, máy tính bảng đơn lẻ được kết hợp với nhau và phần mềm điều khiển để thực hiện một số hoạt động nhất định.
Thiết bị này thường được sử dụng để giả lập các hành vi của người sử dụng, nhằm thực hiện các mục đích như tăng lượt truy cập, lượt like, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội.
Ghi nhận của Cục An toàn thông tin cho thấy, tại Việt Nam, thiết bị "Phone Farm" được các công ty quảng cáo số sử dụng chủ yếu vào mục đích kiếm tiền trong các hoạt động quảng cáo, giúp tăng like, tăng view cho các bài viết, video trên mạng.
Trước những hệ lụy có thể phát sinh từ quảng cáo bẩn, lợi dụng dịch vụ Phone Farm, theo đại diện Cục An toàn thông tin, các nền tảng mạng xã hội đã bắt đầu tìm cách hạn chế những lượt xem ảo, tương tác ảo từ những thiết bị này.
"Phone Farm" đã phổ biến tại nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines... Tuy nhiên, dịch vụ này hiện bị coi là bất hợp pháp tại một số nước.
Tại Trung Quốc, việc tăng tương tác qua Phone Farm được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2017, cảnh sát Thái Lan cũng đã triệt phá một mạng lưới "nông trại điện thoại" và tịch thu hàng nghìn điện thoại thông minh với các cáo buộc liên quan đến việc buôn lậu điện thoại và sử dụng SIM không đăng ký hợp pháp.
Theo pháp luật hiện hành, Việt Nam chưa có quy định cấm đối với các thiết bị "Phone Farm". Tuy vậy, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay, nếu cần thiết, phải xây dựng một hệ thống quy chuẩn Việt Nam đối với thiết bị này rồi mới tiến hành các biện pháp quản lý.
Việc ban hành các quy định liên quan phải được thực hiện một cách bài bản, từng bước, cả từ góc độ quy định pháp luật cho đến kỹ thuật để kiểm soát, cấp phép các sản phẩm, thiết bị phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin.
Để tránh dính vào các rắc rối do vấn đề quảng cáo bẩn có thể phát sinh, ngay từ lúc này, người cung cấp dịch vụ câu view, câu like cần chủ động ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giúp người khác lan truyền thông tin trên mạng.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()