Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:02 (GMT +7)
Nguy cơ lây lan dịch khi người dân tự phát về quê ồ ạt
Thứ 2, 04/10/2021 | 23:08:55 [GMT +7] A A
Những ngày qua, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, hàng nghìn người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ồ ạt tự phát trở về quê, gây áp lực rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi người dân được tiếp nhận và đưa về địa phương cách ly theo quy định, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Vượt hàng trăm cây số về quê
Với chiếc xe máy cà tàng, lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân, vợ chồng anh Mai Phước Thành (quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cùng một nhóm trên 20 người đi xe máy xuyên đêm vượt chặng đường hơn 300 km từ TP Hồ Chí Minh về An Giang. Gần 5 giờ ngày 3/10, đoàn đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 đặt tại trạm T2, nằm trên Quốc lộ 91 - cửa ngõ chính ra, vào thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại đây, vợ chồng anh Thành cùng rất nhiều người khác cũng từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… về quê dừng lại nghỉ, chờ tỉnh An Giang bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, làm các thủ tục khai báo y tế, test nhanh, sàng lọc theo các nhóm đối tượng cụ thể, trước khi được đưa về địa phương thực hiện cách ly theo quy định.
Anh Thành chia sẻ, hai vợ chồng làm công nhân may cho một công ty ở TP Hồ Chí Minh được hơn 2 năm. Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng anh trở lại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục mưu sinh. Chưa kịp xoay sở, dịch COVID-19 bùng phát, công ty đóng cửa, hai vợ chồng thất nghiệp, với số tiền ít tiền ít ỏi có được, cả hai đã cố gắng cầm cự. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, không còn tiền ăn, tiền đóng nhà trọ, vợ đang mang thai hơn 9 tháng, sắp đến ngày sinh, trong khi dịch còn kéo dài, anh Thành và vợ quyết định về quê.
Ăn tạm mấy ổ bánh mì được người dân dọc đường về quê hỗ trợ, vợ chồng Thành cũng như nhiều người khác tranh thủ thời gian chạy xe không nghỉ. Chị Mai - vợ anh Thành đang mang bầu tháng thứ 9, dù rất mệt, cũng không dám chợp mắt, cố gắng nói chuyện để chồng khỏi buồn ngủ. Chị Mai tâm sự, tháng trước chị có trong danh sách được tỉnh An Giang đón về nhưng lúc đó đang là F1, phải cách ly nên không về được. Nay có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên hai vợ chồng đã trở về quê.
Ngồi chờ tỉnh An Giang bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời để làm các thủ tục khai báo y tế theo quy định, anh Thạch Sơn (quê huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cùng vợ và con trai dường như đuối sức sau chặng đường dài từ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh về An Giang. Anh Sơn bộc bạch, hơn 3 tháng nay, công ty đóng cửa vì dịch COVID-19, vợ chồng anh thất nghiệp, trong khi đó, tiền ăn uống, điện nước vẫn phải chi trả. Vì thế, cả gia đình chọn về quê để giảm bớt gánh nặng.
Trên chiếc xe máy, anh Huỳnh Kim Can ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cùng vợ (đang mang thai trên 35 tuần) và con gái hơn 2 tuổi trở về quê hương Đồng Tháp sau nhiều tháng bị kẹt ở TP Hồ Chí Minh do dịch COVID-19. Anh Kim Can cho biết: “Vợ chồng tôi làm công nhân. Dịch bệnh nên suốt 4 tháng nay, chúng tôi mất việc làm, không có thu nhập. Tiền tiết kiệm cũng đã tiêu hết nên phải về quê. Về tới địa phương, tôi khai báo y tế, được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và cách ly theo quy định”.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Sau ngày 30/9, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An nới lỏng giãn cách, người dân tại các tỉnh, thành tự phát di chuyển về về quê bằng xe máy với số lượng quá đông, làm tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19; đồng thời, tạo nên một áp lực lớn cho ngành y tế khi các khu cách ly tập trung đã quá tải.
Theo thống kê sơ bộ, tính từ ngày 1 đến sáng 4/10, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19, đặt trên Quốc lộ 91 của thành phố Long Xuyên, ngành chức năng tỉnh An Giang đã tiếp nhận trên 27.000 người dân tự phát về quê bằng phương tiện xe máy. Dự báo, những ngày tới, người dân An Giang sống, lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tự phát về quê bằng xe máy vẫn tiếp tục tăng.
Tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập "Tiểu ban Tổ chức tiếp nhận người dân lao động tự do về quê", phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức tiếp nhận, test nhanh, sàng lọc ban đầu và đưa về cách ly theo địa chỉ thường trú, nhằm giảm áp lực, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đến sáng 4/10, tỉnh đã tiếp nhận người dân qua chốt kiểm soát vào tỉnh khoảng trên 27.000 người, các địa phương trong tỉnh đã đón về trên 15.000 người. Qua báo cáo của 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong số người đã tiếp nhận về các địa phương đã ghi nhận 80 trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2, có 50 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
“Nếu công tác quản lý các trường hợp người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tự phát về quê tại các địa phương không chặt chẽ thì nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát trong cộng đồng là rất cao” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định.
Cũng khoảng thời gian từ 1 - 4/10, tỉnh Đồng Tháp đã tiếp đón gần 87.800 người dân tự phát từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An và các tỉnh khác về hoặc đi ngang qua Đồng Tháp. Trong đó, tỉnh tiếp đón trên 19.000 người Đồng Tháp; trên 68.000 người ở tỉnh khác di chuyển ngang tỉnh Đồng Tháp. Riêng ngày 4/10, có hơn 8.000 người dân Đồng Tháp từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về quê.
Hỗ trợ kịp thời cho người dân
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang mới đây, Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Tiểu ban Tổ chức tiếp nhận người dân lao động tự do về quê và các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt với UBND thành phố Long Xuyên thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xét nghiệm nhanh để sớm phát hiện các trường hợp F0. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiến hành sàng lọc, phân loại theo từng nhóm đối tượng cụ thể và đưa về cách ly, theo dõi tại nhà theo quy định, nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý: Các địa phương từ huyện, thị xã, thành phố quán triệt xuống các xã, phường, thị trấn, các khóm, ấp, tổ dân phố… phải quản lý, giám sát chặt các trường hợp cách ly tại nhà và phải treo biển cảnh báo trước nhà để hạn chế tiếp xúc; hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định phòng dịch, đồng thời thực hiện xét nghiệm theo quy định trong cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch để tự bảo vệ mình; chủ động tham gia giám sát các trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà; chung tay cùng chính quyền địa phương đảm bảo công tác an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng, đặc biệt các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian gần đây tại các huyện cù lao Phú Tân, thị xã Tân Châu và huyện Chợ Mới. Lũy kế từ ngày 15/4/2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 5.639 ca mắc COVID-19.
Với điều kiện nguồn nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch trong tỉnh còn hạn chế, các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị hiện quá tải, tỉ lệ bao phủ vaccine/dân số trong tỉnh chỉ đạt 21% mũi 1 và 7.5% mũi 2, tỉnh An Giang khuyến cáo người dân không tự ý về khi chưa bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng, đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho người dân An Giang đang lao động, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tuy nhiên người dân nên cân nhắc trước khi tự về quê. “Về quê vào thời điểm này đối diện với nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo ở khu cách ly. Thậm chí trong quá trình cách ly tại nhà có thể lây bệnh cho người thân trong gia đình nên rất mong bà con cân nhắc kỹ trước khi về”, ông Hùng phân tích.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thiết lập chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, tổ chức đón, đưa người dân về địa phương; vận hành đồng bộ các cơ sở điều trị, cách ly của địa phương để sẵn sàng tiếp nhận người dân; tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện, quản lý các trường hợp tự phát về địa phương nhưng không thực hiện khai báo y tế.
UBND các huyện, thành phố chú trọng tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, khi có người thân hoặc phát hiện có người từ các tỉnh, thành phố khác về quê thì vận động hay báo tin cho lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu những trường hợp này đi khai báo y tế, thực hiện cách ly theo quy định. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo rà soát những gia đình có người thân đang làm việc, sinh sống ngoài tỉnh có nhu cầu về quê, vận động gia đình thuyết phục họ tiếp tục ở lại thêm một thời gian nữa. Đối với các trường hợp già yếu, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, học sinh, giáo viên có nhu cầu về địa phương thì tổng hợp danh sách, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 5/10/2021.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, tính đến nay, toàn tỉnh có 8.379 ca mắc COVID-19; 7.841 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện; đang điều trị 318 ca. Hiện các huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng, Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 (từ 14 ngày trở lên chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng).
Theo TTXVN
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Người dân kiềm chế, không di chuyển tự phát làm lây lan dịch bệnh
- Phát hiện mới về khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2
- Hai mẹ con tử nạn khi từ Bình Dương về quê
- An Giang: 28 người về quê tự phát dương tính với SARS-CoV-2
- Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê vì quá tải
Liên kết website
Ý kiến ()