Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:37 (GMT +7)
Nguy cơ hình thành đột biến mới khi số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc tăng mạnh
Thứ 3, 27/12/2022 | 14:09:00 [GMT +7] A A
Theo Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, sau những làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn thường xuất hiện các biến thể mới. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng chỉ một phần dân số có kháng thể ở Trung Quốc là điều kiện rất tốt khiến virus SARS-CoV-2 đột biến.
Theo một số chuyên gia, đột biến virus mới có thể hình thành từ sự kết hợp của các chủng virus SARS-CoV-2, hoặc cũng có thể sản sinh từ một chủng hoàn toàn khác biệt.
Tiến sĩ Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, nhận định: “Trung Quốc có dân số rất đông trong khi khả năng miễn dịch còn hạn chế. Và đó dường như là bối cảnh khiến chúng ta có thể chứng kiến một biến thể mới bùng phát”.
Mỗi ca nhiễm mới đều tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 đột biến, đặc biệt là virus đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân này dường như đang hướng đến từ bỏ chính sách “không COVID”.
Trung Quốc hiện nay, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo chung là khá cao, nhưng mức độ tiêm nhắc lại thấp hơn, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Trong khi đó, khả năng miễn dịch của nhiều người tiêm chủng từ năm ngoái đã suy yếu. Và những điều kiện đó chính là mảnh đất màu mỡ để virus hình thành các đột biến mới.
“Sau những làn sóng lây nhiễm lớn, chúng tôi thường chứng kiến các biến thể mới hình thành”, ông Ray nói.
Khoảng ba năm trước, chủng gốc của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc đã lây lan sang nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Sau đó, chủng virus này đã đột biến thành các biến thể khác nhau, như Delta, Omicron và các biến thể phụ khác.
Tiến sĩ Shan-Lu Liu, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học bang Ohio, cho biết nhiều biến thể Omicron đã được phát hiện đang lưu hành ở Trung Quốc, bao gồm BF.7, biến thể virus rất giỏi lẩn tránh miễn dịch và là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát số ca COVID-19 hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng chỉ một phần dân số có kháng thể ngăn virus ở Trung Quốc là điều kiện rất tốt khiến virus đột biến. Ông Ray đã so sánh virus gây bệnh COVID-19 như võ sĩ quyền anh “học cách né tránh những kỹ năng mà bạn có và thích nghi để vượt qua chúng”.
Ẩn số lớn là liệu một biến thể mới có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Theo các chuyên, không có lý do sinh học cố hữu nào khiến virus gây bệnh nhẹ hơn theo thời gian.
“Phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thể nhẹ mà chúng ta đã chứng kiến trong vòng 6 đến 12 tháng qua ở nhiều nơi trên thế giới là do khả năng miễn dịch tích lũy thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên, không phải do virus đã thay đổi mức độ nghiêm trọng”, ông Ray giải thích.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, hầu hết người dân đều chưa từng nhiễm virus và các loại vaccine chưa được cập nhật sẽ tạo ra ít kháng thể hơn trước những biến thể virus mới.
Trước thực tế đó, Tiến sĩ Gagandeep Kang, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Y Christian ở Vellore, Ấn Độ, cho rằng cần phải theo dõi liệu virus ở Trung Quốc có tiến hóa theo mô hình tương tự các quốc gia khác trên thế giới hay không.
Ông Xu Wenbo, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nước này có kế hoạch theo dõi các trung tâm nghiên cứu virus tại các bệnh viện ở mỗi tỉnh, nơi các mẫu xét nghiệm sẽ được thu thập từ những bệnh nhân nặng và tất cả những ca tử vong hàng tuần.
Ông cho biết 50 trong số 130 biến thể Omicron được phát hiện ở Trung Quốc đã dẫn đến làn sóng bùng phát dịch bệnh hiện nay. Vị chuyên gia này cũng nói rằng Trung Quốc đang thiết lập cơ sở dữ liệu di truyền quốc gia “để theo dõi trong thời gian thực” các chủng virus khác nhau phát triển như thế nào và những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Jeremy Luban, nhà virus học tại Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết ở thời điểm này, có rất ít thông tin về trình tự di truyền của virus trong làn sóng dịch mới tại Trung Quốc. Ông khẳng định: “Chúng tôi không rõ những gì đang diễn ra. Nhưng rõ ràng, đại dịch vẫn chưa kết thúc”.
Một số chuyên gia y tế cho rằng ngay cả khi biến chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc, các nước châu Á cũng không cần quá lo lắng.
Theo ông Paul Tambyah, chủ tịch Hội Vi sinh học Lâm sàng và Truyền nhiễm châu Á - Thái Bình Dương, biến chủng tương lai nếu xuất hiện sẽ có khả năng lây nhiễm cao hơn Omicron, song độc tính sẽ thấp hơn.
Đây là kịch bản tiến hóa của virus đã được nhiều chuyên gia dịch tễ nêu ra trong thời kỳ COVID-19 hoành hành trên thế giới.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng các nước và cộng đồng khoa học vẫn cần đề cao cảnh giác và giám sát tình hình dịch bệnh, đề phòng xuất hiện biến chủng có đủ đột biến để xâm nhập hệ miễn dịch đã được định hình trong khu vực thời gian qua.
Trung Quốc gần đây đã điều chỉnh đáng kể chính sách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các biện pháp phong tỏa dần được dỡ bỏ, thời gian cách ly được rút ngắn và nhiều hạn chế đi lại được nới lỏng.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của nước này thông báo từ ngày 25/12 sẽ dừng cập nhật thông tin về số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày. Trước đó, NHC đã liên tục cập nhật số liệu này trong suốt 3 năm qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Theo số liệu cập nhật cuối cùng do NHC công bố ngày 24/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận 4.103 ca mắc mới trong ngày trước đó và không có thêm ca tử vong nào. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp nước này không ghi nhận ca tử vong vì dịch bệnh trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh.
Hiện nhà chức trách Trung Quốc đang yêu cầu huy động tối đa nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh và giảm tải cho hệ thống chăm sóc y tế. Trong giai đoạn này, các nhân viên y tế được yêu cầu tiếp tục đi làm nếu ốm nhẹ. Nhiều nhân viên y tế đã nghỉ hưu ở các vùng nông thôn cũng được khuyến khích quay lại làm việc.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()