Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 18:19 (GMT +7)
Nguy cơ cao bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập
Thứ 2, 25/07/2022 | 11:51:52 [GMT +7] A A
Đậu mùa khỉ hiện lây nhiễm tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến thời điểm này, thế giới ghi nhận hơn 16.000 ca bệnh, 5 ca tử vong. Trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Bộ Y tế đã họp khẩn với các cơ quan liên quan về ứng phó đậu mùa khỉ - căn bệnh được coi là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ lây lan cho hàng chục nghìn người tại nhiều quốc gia chỉ trong vài tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuyên bố về trường hợp khẩn cấp toàn cầu của WHO nhằm báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn. Động thái này cũng nhằm khuyến khích các nước thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí chia sẻ vắc xin, phương pháp điều trị.
Triệu chứng đầu tiên của đậu mùa khỉ là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch, đau lưng, đau cơ và suy nhược cơ thể. Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt phần lớn người bệnh đều nổi ban kèm ngứa ngáy. Mặt là bộ phận đầu tiên xuất hiện và sau đó sẽ lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể. Ban đầu mụn có mủ nước chỉ xuất hiện lưa thưa nhưng sau đó phát tán và số nốt có thể đến hàng nghìn. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Trẻ sơ sinh, trẻ em, người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng, tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh có thể lây từ người sang người khi có tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, hoặc qua tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng nhiễm mầm bệnh.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào, tuy nhiên Bộ Y tế luôn cảnh báo bệnh có nguy cơ cao xâm nhập. Đặc biệt ở châu Á đã có nhiều nước xuất hiện bệnh nguy hiểm này, trong đó đáng lo ngại là 2 nước có đường biên giới chung với Việt Nam là Trung Quốc, Campuchia đã ghi nhận các ca đậu mùa khỉ. Trong khi đó, nước ta đã bỏ tờ khai y tế dành cho người nhập cảnh từ tháng 4; hành khách từ những nước này vào Việt Nam thuận lợi hơn trước, dẫn đến nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào nội địa là rất cao.
Trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế cho rằng hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là giám sát chặt người đến từ các nước có dịch, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn vi rút bệnh này bùng phát.
Với Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển dài với nước bạn Trung Quốc (quốc gia đã xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ) được nối với nhau bằng nhiều cửa khẩu trên bộ, trên biển với lưu lượng phương tiện, hàng hoá lưu thông lớn; cùng với đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón lượng khách nước ngoài không nhỏ. Chính vì vậy công tác kiểm dịch y tế, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, lối mở, trong đó đặc biệt quan tâm đến bệnh đậu mùa khỉ và cần phải được các sở, ngành, lực lượng chức năng liên quan tăng cường, siết chặt hơn nữa. Qua đó ngăn chặn kịp thời bệnh đậu mùa khỉ ngay tại biên giới, cửa khẩu, tránh bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm vào nội địa.
Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Những bài học về phòng, chống dịch vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, khi mà bệnh đậu mùa khỉ còn chưa xâm nhiễm vào trong nước, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng phương án phòng, chống với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, tuyệt đối không được không lơ là, chủ quan.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()