Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:19 (GMT +7)
Nguy cơ "bà hoả" ghé thăm
Thứ 2, 27/11/2023 | 09:37:09 [GMT +7] A A
Bên cạnh những trung tâm thương mại, chợ dân sinh vẫn là điểm đến truyền thống của người dân. Hầu hết các chợ này xây dựng cách đây 10-20 năm, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị không được đầu tư đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy. Trong khi công tác phòng cháy ở những khu chợ này trên địa bàn tỉnh nói chung, tại TP Cẩm Phả nói riêng, còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguy cơ cháy cao từ chợ truyền thống
Chúng tôi có mặt tại chợ Cẩm Phú (TP Cẩm Phả) cuối giờ sáng, lúc này các hộ tiểu thương cơ bản đã dọn hàng. Phía trong và ngoài các kiot, hàng hóa, thùng xốp, thùng carton ngổn ngang. Hộp đựng thiết bị PCCC nhưng không có bình chữa cháy, hoặc bình chữa cháy đã hết hạn sử dụng, xung quanh các loại hàng hóa chắn lối vào. Hệ thống dây điện của chợ đã được luồn trong ống gen chống cháy theo kiến nghị của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, nhưng tại các kiot vẫn còn sử dụng dây điện trần. Hệ thống đường ống nước chữa cháy của chợ đã hỏng từ cách đây 5-6 năm. Việc chữa cháy hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào bình chữa cháy (dù còn vạch xanh, nhưng đã hết hạn sử dụng).
Ông Nguyễn Hùng, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Cẩm Phú, cho biết: Chúng tôi vẫn kiểm tra, thấy bình còn vạch xanh thì nghĩ là vẫn còn sử dụng được. Chợ được xây dựng từ năm 2005, cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp lắm rồi. Giữa các khu, gian hàng không có khoảng cách cách ly đảm bảo PCCC. Theo thiết kế trước đây, một số bình chữa cháy bột bố trí nằm trong các lốt kinh doanh, nên rất khó khi cần xử lý.
Tương tự như chợ Cẩm Phú, chợ Cửa Ông được xây dựng từ những năm 90, cơ sở vật chất hiện xuống cấp nghiêm trọng. Phía trong và ngoài chợ có rất nhiều tấm bạt, vải, được tiểu thương sử dụng để che chắn hàng hóa. Lối đi giữa các khu bán hàng nhỏ hẹp, không đảm bảo hành lang an toàn để thoát nạn khi có sự cố. Tại các gian hàng, các loại hàng hóa, thùng xốp, vật liệu dễ cháy được tận dụng chất ở mọi nơi. Các gian bán hàng mã xen lẫn trong khu bán hàng hoa quả, đồ ăn. Chợ không có hệ thống bơm nước phục vụ chữa cháy, không có các thiết bị báo cháy tự động, không có hệ thống điện 3 pha. Mặc dù chợ Cửa Ông đã từng xảy ra cháy cách đây 2 tháng, nhưng đến nay các hộ tiểu thương vẫn chưa tự trang bị bình chữa cháy tại kiot của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào số bình chữa cháy được BQL chợ trang bị tại các hộp dùng chung.
Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương chợ Cửa Ông, cho biết: "Kiot của tôi ở ngay cạnh hộp đựng bình chữa cháy của BQL chợ, nên sử dụng rất tiện. Hiện các kiot đều chưa có bình chữa cháy riêng".
Đây là hiện trạng thường gặp tại các chợ truyền thống hiện nay. Ý thức của các hộ tiểu thương mặc dù đã có chuyển biến, nhưng chưa cao, vì thế nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào.
Quan trọng là ý thức
TP Cẩm Phả hiện có 12 chợ truyền thống, được đưa vào hoạt động từ những năm 90 của thế kỷ trước, trước khi Luật PCCC ban hành năm 2001. Các chợ này hầu hết nằm trong khu vực đông dân cư, khi xảy ra cháy, hậu quả sẽ rất nặng nề. Tuy nhiên, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC ở các chợ còn nhiều khó khăn, bất cập.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Ông, mặc dù phường rất quan tâm đến công tác PCCC, nhưng vấn đề bố trí kinh phí vẫn là khó khăn nhất hiện nay. Bởi theo quy định, không thể bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, xây mới chợ truyền thống, trong khi đó nguồn thu từ chợ là rất thấp, nên mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhân dân, tiểu thương, nhưng việc trang bị các phương tiện PCCC tại chợ còn nhiều khó khăn.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng chợ Cẩm Phú, chợ Cửa Ông. "Người đến chợ truyền thống không còn nhộn nhịp như trước. Nguồn thu của các tiểu thương tại chợ cũng ít hơn. Số tiền thu hằng tháng từ các kiot chỉ đủ chi cho công tác bảo vệ, trông coi, cũng không đảm bảo mức phụ cấp tối thiểu. Các chợ đều đã xuống cấp, muốn lắp đặt hệ thống PCCC đạt chuẩn, phải sửa chữa rất nhiều. Kinh phí đầu tư là khó khăn nhất hiện nay" - ông Vũ Đình Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn, chia sẻ.
Không thể lắp đặt hệ thống PCCC đạt chuẩn bởi cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; không có kinh phí để sửa chữa, xây mới cũng như đầu tư trang thiết bị PCCC do không được sử dụng ngân sách, trong khi nguồn thu từ các chợ là quá thấp.
"UBND TP Cẩm Phả cũng như các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo rất quyết liệt trong việc này. Chúng tôi xác định làm tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện để người dân làm tốt công tác phòng ngừa. Đồng thời cải tạo lại hệ thống điện, tháo dỡ mái che, mái vẩy, tiếp tục tìm nguồn để xã hội hóa công tác PCCC đối với các chợ trên địa bàn" - Trung tá Nguyễn Văn Nha, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Cẩm Phả), cho biết.
Chỉ cách đây vài ngày, tại TP Hạ Long đã xảy ra vụ cháy tại khu vực kiot ngoài, thuộc chợ Cột 3, phường Hồng Hải, rất may không có thiệt hại về người, nhưng làm 6 hộ tiểu thương mất đi nguồn kinh tế của gia đình. Ở đó có những hộ vừa nhập hàng chuẩn bị Tết, có những hộ cả nguồn sống của gia đình chỉ trông chờ vào lời lãi từ kiot, tất cả đều hóa thành tro sau khi "bà hỏa" ghé thăm. Đây cũng là bài học, là lời cảnh tỉnh cho các hộ tiểu thương và những người quản lý trong công tác PCCC tại chợ.
Thực tế những vụ cháy tại chợ thời gian qua, rất nhiều vụ nguyên nhân do chập điện từ hệ thống tủ bảo quản thực phẩm qua đêm. Khi cháy, thiệt hại sẽ không hề nhỏ. Trong khi ngân sách không được chi, doanh nghiệp không thiết tha đầu tư chợ truyền thống, bài toán kinh phí vẫn chưa tìm được lời giải. Việc đảm bảo phòng cháy tại chợ truyền thống phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức, trách nhiệm của các hộ tiểu thương, người mua hàng và BQL chợ trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC, giảm nguy cơ cháy nổ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của chính mình.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()