Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:22 (GMT +7)
Người xây dựng nền móng ngành Tình báo Việt Nam
Thứ 6, 27/10/2023 | 14:33:55 [GMT +7] A A
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng, liệt sĩ Đào Phúc Lộc, Trưởng Phòng Tình báo đầu tiên, như một huyền thoại gắn liền với những chiến công lừng lẫy.
Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Đạo tên thật là Đào Phúc Lộc (còn có các tên gọi khác là Đào Lộc, Năm Thu, Năm Đời, Chín Cọc Cạch), sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Móng Cái. Mẹ mất, cha mải việc thầu khoán, Đào Phúc Lộc theo chị gái sang Hải Phòng. Cao trào cách mạng 1936-1939 cuốn hút, 2 chị em sớm giác ngộ, nhiều lần được tổ chức giao nhiệm vụ đưa tài liệu và truyền đơn về Vùng mỏ.
Từ rất sớm, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Hải Phòng. Năm 1939 khi mới 17 tuổi, Đào Phúc Lộc được đồng chí Tô Hiệu giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941 ông đang là Chi ủy viên Chi bộ Đảng Uông Bí - Vàng Danh, vừa về đến Hải Phòng thì sa lưới mật thám, bị tra khảo rồi đưa về Hỏa Lò - Hà Nội, về Quảng Yên khai thác. Tại đây ông bị kết án quản thúc 5 năm tại quê hương.
Cuối năm 1943, Móng Cái xôn xao chuyện Đào Phúc Lộc đang học trung học bỗng thành Cộng sản, chịu án quản thúc 5 năm. Vì lòng ngưỡng mộ, Trần Quang làm thư ký sở mật thám Pháp, biết Đào Phúc Lộc muốn vượt biên sang Trung Quốc, nên đã giả mạo chữ ký của sếp, bí mật cấp giấy thông hành để cho ông trốn thoát. Khi ông tới Liễu Châu, được Hoàng Văn Thái chỉ đường về Việt Bắc. Tại Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh giao cho ông nhiệm vụ trở về quê xây dựng lại Mặt trận Việt Minh, củng cố đường giao thông liên lạc của Đảng từ Hải Phòng qua Móng Cái sang Trung Quốc.
Tổ Việt Minh đầu tiên ở Móng Cái được thành lập, Đào Phúc Lộc là Tổ trưởng. Rất nhiều thanh niên ở Móng Cái đã hướng theo Việt Minh. Trong số thanh niên Việt Minh hăng hái vừa góp tiền của, vừa trực tiếp đi vận động có Hoàng Minh Phụng, một tiểu thư khuê các “mê” con đường cách mạng của Đào Phúc Lộc nên đã trốn nhà, tình nguyện gia nhập trung đội du kích vũ trang.
Tháng 6/1945, bọn Việt Cách chiếm huyện Ba Chẽ. Cả trung đội quân cách mạng đã sa vào tay bọn Việt Cách. Đào Phúc Lộc đã dùng mưu hòa hoãn với bọn Việt Cách để cứu thoát cả trung đội. Ông chỉ dẫn cho đơn vị tìm đường về tham gia Chiến khu Đông Triều. Riêng ông về Quảng Yên ngày 17/7/1945 bàn việc khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi có tin bọn Đại Việt ở Hải Phòng sẽ tới Quảng Yên đòi tỉnh trưởng giao chính quyền cho chúng, Tư lệnh Nguyễn Bình cùng với Đào Phúc Lộc quyết định phải chặn ngay bọn chúng, giải phóng Quảng Yên, tỉnh lỵ đầu tiên trong nước.
Đào Phúc Lộc thay mặt Nguyễn Bình về báo cáo với Trung ương đúng ngày Hà Nội khởi nghĩa. Ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ lại làm Chính trị viên đơn vị Quân giải phóng thủ đô. Ngày 25/10/1945, Phòng Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội chính thức thành lập. Đào Phúc Lộc mới 22 tuổi được cử làm Trưởng phòng.
Trên cơ sở những thanh niên từng được ông giác ngộ ở Móng Cái, Chi tình báo Hải Ninh đã ra đời với 15 người. Chi tình báo Hải Ninh đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Là thủ trưởng đầu tiên của ngành Tình báo quân sự Việt Nam, Đào Phúc Lộc đã tuyển rất nhiều người Móng Cái, trong đó có Hoàng Minh Phụng. Cùng hoạt động, cùng quê hương, cùng chí hướng cách mạng, 2 người đã yêu nhau. Đầu năm 1946 Bộ Tổng tham mưu tổ chức đám cưới tác thành cho Đào Phúc Lộc và Hoàng Minh Phụng.
Ông Nguyễn Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong bài “Đào Phúc Lộc - Người Anh hùng đất Móng Cái” viết: “Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng, chỉ thị cho đồng chí Đào Lộc tổ chức Chi bộ Móng Cái - Chi bộ Trần Hưng Đạo có ba đồng chí là Đào Lộc, Kỳ Vân và Tú để chỉ đạo phong trào”.
Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn trong hồi ký “Anh Đào Lộc thời kỳ ở Móng Cái” cho biết rõ hơn về Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Móng Cái mang tên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gồm “Đào Lộc - Bí thư (bí danh là Hoàng Minh Đạo), Kỳ Vân (bí danh Hưng) ở 59 Cầu Đất, Hải Phòng và đồng chí Trần (bí danh Tú), người Ninh Bình ra công tác ở Móng Cái”.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Nhớ lại những ngày đã qua”, ông Kiều Xuân Tu (có các bí danh là Trần, Tú), nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Ninh Bình, kể: "Đi theo đồng chí giao thông, tôi đến một cơ sở liên lạc gần ga Phú Thụy gặp đồng chí Đạo mà đồng chí Trường Chinh đã cho biết trước. Đạo là một thanh niên trong Tiểu ban Hải ngoại đón tôi ở đây. Đó là một thanh niên nhỏ vóc, khoẻ mạnh, mắt sáng tinh nhanh, lông mày hơi đậm và dài. Đạo là cán bộ đang hoạt động bí mật ở vùng Hải Phòng - Móng Cái. Bây giờ anh được giao nhiệm vụ giữ mối liên lạc giữa trong và ngoài nước".
Tháng 8/1948, Đào Phúc Lộc nhận nhiệm vụ thay mặt Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra chiến trường, đồng thời xây dựng mạng lưới tình báo từ Huế, Đà Nẵng đến Khu 5 và Nam Bộ. Sau đó ông bám trụ lại Nam Bộ, trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng và Quân đội. Ông lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng: Trưởng Ban Quân báo Nam Bộ, Phó Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy lực lượng Biệt động Sài Gòn... Đêm 24/12/1969, khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, Đào Phúc Lộc bị biệt kích Mỹ phục kích, anh dũng hy sinh.
Năm 1998, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huân chương Hồ Chí Minh. Ở TP Hạ Long, TP Móng Cái và TP Hồ Chí Minh đều có đường và trường học mang tên ông.
Kể từ khi vào Nam đến lúc hy sinh, ông không có cơ hội ra Bắc, nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương. Bà Đào Thị Minh Vân - con gái của Anh hùng Đào Phú Lộc và liệt sĩ Hoàng Minh Phụng, kể: Hồi còn bé, trong thư cha tôi gửi, ông đều nói nhiều về quê hương. Ông bảo ba không có điều kiện để đưa con về quê cha mẹ ở Móng Cái. Ba hy vọng một ngày nào đó, ba sẽ đưa con về thăm quê cha đất tổ. Ông bảo với chú Sơn của tôi rằng, sau chiến thắng, phải tìm cháu Minh Vân và đưa cháu về quê. Tôi biết cha tôi rất yêu quê hương và tự hào về gia tộc.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()