Sản phẩm loa thông minh Maika "Trợ lý ảo tiếng Việt" của nhóm là 1 trong 5 dự án vừa thắng Giải bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2022 (AI Awards 2022) do VnExpress tổ chức.
Sản phẩm được phát triển dựa trên bộ dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Khi người dùng đưa ra các câu lệnh có nghĩa, trợ lý ảo Maika có thể hiểu và thực hiện. Với câu lệnh "Maika ơi", loa tự động kích hoạt các chức năng. Ở phạm vi 2 m, loa tiếp nhận tốt các yêu cầu bằng giọng nói như bật tắt đèn, đóng mở rèm cửa sổ, bật tắt hay tăng giảm nhiệt độ máy lạnh... Loa thông minh còn tích hợp các chức năng giải trí như nghẹ nhạc, gọi điện thoại, radio, sách nói, đặt lịch nhắc...
Khách hàng trải nghiệm các tính năng của trợ lý ảo Maika. Video: Olli
Con đường phát triển sản phẩm loa thông minh của nhóm cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hải kể, năm 2016, Hải gặp Bùi Văn Việt mới quyết định nghiên cứu tạo ra sản phẩm loa thông minh đáp ứng nhu cầu trong nước, cạnh tranh hàng ngoại nhập. Mất hơn 3 năm nghiên cứu và phát triển, nhóm tạo được hình hài loa.
"Phiên bản đầu tiên ra mắt tháng 3/2019. Khi nói câu lệnh, loa mất hơn 3 giây để thực hiện, thời gian trễ quá lâu", Hải kể. Nhóm dự định tháng 7 năm đó tung sản phẩm ra thị trường nhưng lại dừng. "Muốn làm sản phẩm của người Việt để đánh thức tự hào của người dùng, nhưng chính mình còn không thấy tự hào với chất lượng sản phẩm thì làm sao người dùng mua?", Hải nhớ lại.
Khi đó nhóm chuyên gia hơn 40 người làm lại sản phẩm từ đầu. Họ lựa chọn chip, bo mạch, ram, micro, wifi... kiểm tra chất lượng về độ ổn định, hiệu suất từng bộ phận. Các chi tiết phần cứng được lắp vào thiết kế cơ khí của loa và kết nối với hệ thống phần mềm, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) do nhóm phát triển mang tính ổn định cao. Cụm micro là một trong những bộ phận quan trọng nhất vì nó đảm nhận thu giọng nói. Nhóm thiết kế dạng micro đa hướng, gồm 4 micro có thể nhận tín hiệu giọng nói tốt ở nhiều hướng khác nhau. Phiên bản loa thương mại của nhóm ra mắt tháng 5/2021 với tên gọi Maika.
Ý kiến ()