Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:42 (GMT +7)
Người Việt "khoe" dùng ChatGPT hỗ trợ công việc
Thứ 3, 07/02/2023 | 11:31:42 [GMT +7] A A
ChatGPT không chỉ dùng như công cụ giải trí, nhiều người tận dụng nền tảng này cho công việc thường ngày.
ChatGPT đang chiếm sóng truyền thông và mạng xã hội. Trên Facebook, rất nhiều người chia sẻ các đoạn chat vui vẻ với công cụ này. Không chỉ mang ý nghĩa giải trí,nhiều người khác đang tìm tòi để sử dụng ChatGPT phục vụ nhu cầu công việc.
Thay vì sử dụng cửa sổ chat, người dùng Nam Nguyen bày cách cài đặt tiện ích mở rộng (extension) của ChatGPT trên Google Chrome để sử dụng các tính năng của công cụ này.
Cụ thể, khi cài tiện ích “ChatGPT for Google” lên Chrome, công cụ sẽ đưa thêm phần trả lời của ChatGPT bên cạnh kết quả tìm kiếm của Google. Điều đó giúp người dùng có được câu trả lời tự nhiên của ChatGPT bên cạnh những kết quả hiển thị của Google cho câu hỏi của mình.
Hoặc tiện ích “ChatGPT Writer” sẽ được Gmail tự động nhúng thẳng nút ChatGPT vào trình biên soạn. Mỗi lần tạo email mới hay trả lời email cũ thì bấm nút bật “ChatGPT writer” lên và mô tả yêu cầu sơ lược, ChatGPT sẽ gợi ý nội dung cho email mới hoặc soạn nội dung trả lời tương ứng với email gốc. Rất tiết kiệm thời gian soạn thư.
Trong một cộng đồng ChatGPT, người có tên Đình Hậu sử dụng ChatGPT như một chuyên gia hỗ trợ viết code. Sau khi đưa ra yêu cầu, sản phẩm của OpenAI lập tức soạn ra các đoạn mã cho anh Hậu. Khi có những đoạn mã không chạy, anh Hậu tiếp tục truy vấn ChatGPT, nền tảng liền đưa lời khuyên và giải pháp ngay sau đó.
Với cách làm như trên, các đoạn mã lập trình từng bước được cải thiện hoàn chỉnh.
Có người kết hợp ChatGPT với hai công cụ trí tuệ nhân tạo khác là Midjourney (công cụ tạo tranh ảnh bằng AI) và Azure để tạo ra một video kể câu chuyện giả tưởng diễn ra tại một vùng đất ở miền Trung Việt Nam. Trong đó, ChatGPT sáng tạo ra toàn bộ câu chuyện, Midjourney tạo ảnh minh họa dựa trên những miêu tả của ChatGPT, còn Azure Voice tạo ra giọng kể tiếng Việt.
Đoạn video được tạo ra với 90% công sức thuộc về AI, hoàn toàn có thể sử dụng được mà không vi phạm bản quyền.
Một người khác cũng dùng ChatGPT viết code trên ý tưởng của mình, sau đó đưa đoạn mã sang Midjourney để vẽ tranh đem bán. Người này tạo ra một bộ sưu tập các tranh vẽ về xe tải, bán trên OpenSea - trang web chuyên bán các ảnh NFT.
Người dùng tên Nguyễn Anh Ngọc đã ra lệnh cho ChatGPT viết một bài blog hơn 2.000 chữ, với chủ đề chính xoay quanh công cụ này. Quá trình viết chỉ mất khoảng 10 phút và ra kết quả ấn tượng, được đăng trên blog cá nhân. Thông thường anh mất 3-4 giờ cho bài có độ dài như vậy.
Những người sáng tạo nội dung cũng thuộc nhóm trải nghiệm ChatGPT sớm. Rất nhiều người yêu cầu công cụ này viết ra các kịch bản video để đăng trên TikTok hay YouTube. Kết quả, ChatGPT đã sáng tạo ra những phân cảnh rất bài bản. Mặc dù vẫn còn mang tính khuôn mẫu, song chúng có thể sử dụng khi được bổ sung thêm một số nội dung chi tiết.
ChatGPT được sử dụng nhiều dưới vai trò của một chuyên gia tư vấn rất hữu ích. Chẳng hạn, PV VietNamNet hỏi công cụ về các vấn đề như khủng hoảng tuổi trung niên, định hướng nghề nghiệp và rất nhiều câu hỏi khác đều được trả lời ở mức có thể tham khảo.
Theo ICT News
Liên kết website
Ý kiến ()