Người Việt đang phải tự trả 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của WHO, mà không được BHYT thanh toán tạo gánh nặng kinh tế khiến nhiều người ngần ngại điều trị.
Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nêu khi tham vấn ý kiến vềDự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổiđang được Bộ Y tế xây dựng, ngày 6/7.
Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bảo hiểm Y tế (BHYT) thanh toán 80%, người bệnh đồng chi trả 20%. Nhưng ở Việt Nam, trung bình, người dân phải tự trả 40% chi phí y tế. Mức này hiện cao hơn so với người dân Lào, Campuchia, Myanmar, thấp hơn Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia.
"Chi tiền túi cao khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa hoặc tái nghèo sau khi điều trị", ông Hòa nói. Nguyên nhân khiến hộ gia đình vẫn phải bỏ tiền túi ở mức cao là do mệnh giá đóng bảo hiểm thấp, khiến cơ quan bảo hiểm không đủ kinh phí mở rộng hơn phạm vi chi trả cũng như quyền lợi khám chữa bệnh.
Mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở. Các hạng mục được BHYT chi trả là phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán sớm một số bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc tại nhà... chưa được thanh toán. Đặc biệt, nhiều loại thuốc, trong đó có một số thuốc điều trị ung thư hiệu quả cao, vẫn chưa được bảo hiểm chi trả. Nhiều bệnh nhân nghèo bị vuột cơ hội điều trị, do chi phí cho các loại thuốc lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo một chuyên gia ngành dược, từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới, trong khi quy trình cập nhật danh mục này tương đối nhanh chóng trên thế giới. Ví dụ, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả ở Nhật là ba tháng, Anh, Pháp là 15 tháng, ở Hàn Quốc là 18 tháng.
Khắc phục các bất cập này, Bộ Y tế xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới. Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Cụ thể, Bộ Y tếđề xuất BHYT chi trảcho các dịch vụ như sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con, khám và chẩn đoán sớm một số bệnh, trong đó có ung thư, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh tại nhà (người cao tuổi, người khuyết tật nặng), sử dụng vaccine, sinh phẩm, dinh dưỡng sử dụng trong điều trị.
Để người dân được sớm tiếp cận với các thuốc mới được BHYT chi trả, các chuyên gia cũng cho rằng cần sớm điều chỉnh, bổ sung thuốc vào danh mục và có cơ chế quy định về việc cập nhật danh mục thuốc (thuộc phạm vi thanh toán BHYT) ít nhất một năm một lần. Ngoài điều chỉnh mức đóng phù hợp, việc đa dạng các gói BHYT, tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, cũng giúp người dân giảm mức chi tiền túi trong khám chữa bệnh.
Những thay đổi này nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và quyền được tiếp cận phương pháp điều trị tối ưu của bệnh nhân. Mục tiêu đến năm 2025, mức chi tiền túi từ hộ gia đình giảm xuống còn dưới 35% và đến năm 2030 còn dưới 30%.
Bộ Y tế đang tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật BHYT sửa đổi vào tháng 5/2024.
Ý kiến ()