Tất cả chuyên mục

Trong quá khứ, không ít người con Quảng Ninh có mặt ở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi non sông thu về một mối, họ trở lại với cuộc sống đời thường, thành những cựu chiến binh gương mẫu, tích cực trong công tác, góp phần xây dựng quê hương.
![]() |
Ông Đoàn Văn Tuấn (ngoài cùng, bên trái) gặp lại đồng đội năm xưa. Ảnh chụp năm 2019. |
Nhiều cựu chiến binh trở về từ đại thắng mùa xuân 1975, đã tiếp tục ở lại quân ngũ. Đơn cử như CCB Đoàn Văn Tuấn (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) từng là tiểu đoàn phó D8, E64, F320, Quân đoàn 3 chiến đấu ở Bắc Quảng Trị, Nam Lào, Buôn Mê Thuột, Kom Tum, Gia Lai, Tây Ninh.
Sau năm 1975, ông Tuấn lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Trưởng Ban tác chiến, Tham mưu trưởng, Trung đoàn trưởng, từng tham gia chiến đấu tại biên giới Campuchia, chiến đấu tại Cao Bằng, Hà Giang bảo vệ biên giới Tổ quốc.
![]() |
Ông Đoàn Văn Tuấn ghi lại ký ức chiến trường xưa. |
Năm 1991, ông Tuấn nghỉ hưu với quân hàm thượng tá, trở về với cuộc sống đời thường, không chỉ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội địa phương. Ông có 18 năm tham gia cấp ủy khu phố, 12 năm làm Bí thư Chi bộ, 8 năm tham gia Ban chấp hành Hội CCB phường Thanh Sơn, 5 năm là ủy viên MTTQ phường.
Từ năm 2005, CCB Đoàn Văn Tuấn đã tích cóp tiền bạc, dành thời gian, tâm trí để trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội là liệt sĩ. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, ông đã hàng chục lần vào chiến trường để tìm kiếm hài cốt đồng đội.
Chiến sĩ xe tăng Ngô Đức Nghĩa năm 1972. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Hay như ông Ngô Đức Nghĩa, cựu chiến binh Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 215, Binh chủng Tăng thiết giáp. Đầu năm 1975, đơn vị ông được lệnh vào chiến trường miền Nam tăng cường cho Đoàn Tăng thiết giáp M26 miền Đông Nam Bộ, giao cho Quân đoàn 4 trực tiếp chỉ huy tham gia giải phóng Sài Gòn. Ngày 26/4 chiến dịch bắt đầu, đơn vị ông cùng bộ binh của Quân đoàn 4 tiến đánh Trảng Bom và Hố Nai (tỉnh Đồng Nai).
Trung đội trưởng Ngô Đức Nghĩa chỉ huy 2 xe tăng T54 tiến sâu trận địa. Ngày 28/4, quân ta giải phóng hoàn toàn Hố Nai, tiến vào sân bay Biên Hòa, cách Sài Gòn 30km. Tối 28/4, đơn vị ông cùng với các Sư đoàn 1, 7, 9 của Quân đoàn 4 được lệnh tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng Đông Bắc.
Trưa 30/4, các đơn vị của Quân đoàn 4 đến cầu Sài Gòn được biệt động thành dẫn đường tiến vào Dinh Độc Lập. Đơn vị ông ở lại tiếp quản Sài Gòn đến năm 1978 thì hành quân về Tây Ninh tham gia giải phóng Campuchia. Ông Nghĩa là Trợ lý tác chiến Lữ đoàn tăng 22, Quân đoàn 4. Năm 1982, ông phục viên với quân hàm Trung úy về quê hương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Hiện ông là chủ một khách sạn ở TP Uông Bí.
Cựu chiến binh Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than là người có mặt tại Sài Gòn sau buổi sáng 30/4/1975. Đơn vị của ông Hiệp ở lại tiếp quản Sài Gòn đến năm 1976 mới ra Bắc. Sau khi về Quảng Ninh, nhiều đồng đội của ông Hiệp về lại làm thợ mỏ, có người phát triển kinh tế tư nhân. Một số ít anh em ở lại trong quân ngũ, có người mang đến quân hàm đại tá, có người làm đến lãnh đạo Quân đoàn 2.
Riêng ông Hiệp về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh rồi được điều về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên). Sau đó, vì là thương binh, sức khoẻ yếu, Thiếu tá Nguyễn Hải Hiệp chuyển ngành về làm Phó Giám đốc Công ty Lương thực Cẩm Phả. Đến khi nghỉ hưu, ông lại tham gia công tác xã hội ở phường, nhiều năm làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Cẩm Tây, Phó Chủ tịch Hội CCB TP Cẩm Phả.
![]() |
Chiến sĩ Binh đoàn Than thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Tu, tri ân đồng đội đã hy sinh. Ảnh chụp năm 2019. |
Một người khác cũng góp mặt ở chiến dịch Hồ Chí Minh là CCB Phạm Ngọc La, phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Ông La nhập ngũ tháng 7/1968, là chiến sĩ của Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4), tiến vào thẳng chiến trường Đông Nam Bộ.
Ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, từ chiến dịch Lam Sơn 719, chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long (tháng 12/1974), chiến dịch đường 20, chiến dịch Xuân Lộc rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sáng 30/4, đơn vị của ông La (lúc này Trung úy Phạm Ngọc La đã là chính trị viên đại đội) có nhiệm vụ đánh Biên Hòa, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị bao vây đánh chiếm căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn 18 của địch ở căn cứ Long Bình, giải phóng Hố Nai.
Khoảng 9 giờ sáng, đơn vị của ông cắm cờ tại Sở chỉ huy Quân đoàn 3 của nguỵ ở TP Biên Hoà. Tin Sài Gòn được giải phóng báo về, mọi người ôm nhau ngập tràn trong niềm vui chiến thắng. Sau chiến tranh, ông La ở lại quân ngũ, là trợ lý tổng hợp cơ quan Bộ Tham mưu, Quân đoàn 4. Năm 1992, ông La nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, trở về Uông Bí tham gia công tác đoàn thể, ông làm Phó Chủ tịch Hội CCB TP Uông Bí nhiều năm liền.
![]() |
Ông Bùi Duy Thinh tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tuy nhiên, có những chiến sĩ giải phóng đã không ở lại quân ngũ mà phục viên trở về làm thợ mỏ như khi chưa có chiến tranh. Cựu chiến binh Bùi Duy Thinh, hiện đang sinh sống tại đường Bãi Muối, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, từng là cán bộ kỹ thuật mỏ Hà Tu trước khi nhập ngũ, kể: “Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi được bổ sung về Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Chúng tôi chiến đấu dọc Tây Nguyên, đến năm 1975 thì từ Buôn Mê Thuột đánh xuống Nha Trang, sau đó tiến vào Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, tôi ngồi trong xe bọc thép tiến vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy”.
Hết chiến tranh, ông Thinh trở lại mỏ Hà Tu làm công tác kỹ thuật, rồi chuyển sang làm giáo vụ Trường đào tạo cán bộ ngành Than - Công ty Than Hòn Gai, nay là Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản Việt Nam. Sau đó ông làm cán bộ công đoàn, Chủ tịch Công đoàn mỏ Than Cao Thắng, Công ty Than Hòn Gai cho đến ngày nghỉ hưu.
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()