Sun Yuexing, 24 tuổi, người chưa đầy hai tháng nữa sẽ tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết đã hạ thấp mức lương kỳ vọng trong hồ sơ của mình, nhưng vẫn không có kết quả. "Thật buồn khi nhận ra rằng tôi sẽ thất nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp. Thị trường việc làm cạnh tranh quá khốc liệt", cô nói.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi đã tăng lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4, cao hơn đáng kể so với vài tháng trước cũng như mức 13% được duy trì trong suốt năm 2019.
Mức tăng này khiến nhiều người bất ngờ, khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị nói chung đã giảm xuống còn 5,2% trong tháng 4, so với mức 6,1% một năm trước đó. Nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định thị trường việc làm cho những người trẻ Trung Quốc sẽ tiếp tục xấu đi, khi 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa hè này.
Nguyên nhân trọng tâm là Trung Quốc không tạo ra đủ việc làm lương cao, kỹ năng cao cho nhóm thanh niên có trình độ đang ngày càng nhiều lên, theo các nhà kinh tế. Thay vì chấp nhận công việc lương thấp, những người này quyết định chờ đợi các cơ hội việc làm tốt hơn, dù chúng không có nhiều và phải cạnh tranh rất gay gắt.
"Tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ Trung Quốc không phải là vấn đề nhất thời, mà mang tính cơ cấu, dài hạn. Kỹ năng mà thanh niên được đào tạo ra không phù hợp với yêu cầu công việc hiện tại", David Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, nói.
Tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhóm thanh niên có thể gây áp lực với tăng trưởng tiền lương và cản trở mong muốn xây dựng nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng của Trung Quốc. Vấn đề thất nghiệp cũng có thể làm suy yếu ổn định xã hội, nếu nhiều người trẻ ngày càng cảm thấy không hài lòng với cuộc sống.
Một số nhà kinh tế vẫn tin rằng đây chỉ là vấn đề ngắn hạn và nhiều thanh niên sẽ sớm tìm được việc sau khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn. Những người trẻ tuổi đặc biệt dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái, vì họ tương đối thiếu kinh nghiệm làm việc, theo giới quan sát. Nhiều công việc gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch là lĩnh vực mà giới trẻ ưa chuộng, như du lịch và ăn uống. Những lĩnh vực đó đang dần phục hồi.
Arthur Kroeber, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics. tin rằng thị trường việc làm quay trở lại trạng thái bình thường chỉ là "vấn đề thời gian".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng tình trạng nhiều thanh niên thất nghiệp hiện nay phản ánh sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc, điều khiến giới trẻ khó tìm được những công việc họ mong muốn, và xu hướng này sẽ không sớm biến mất.
Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng thiên nhiều hơn về lĩnh vực dịch vụ, trong khi nhiều công việc dịch vụ trong thập kỷ qua chỉ là những việc đơn giản như nhân viên giao hàng hay phục vụ nhà hàng, vốn không thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, theo Rory Green, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại công ty TS Lombard ở Anh.
Trung Quốc đã tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học trong thập kỷ qua. Trong ba năm qua, hơn 28 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động, chiếm khoảng 2/3 nguồn cung lao động mới ở khu vực đô thị.
Khảo sát của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com cho thấy khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp mùa hè này muốn làm việc trong lĩnh vực giáo dục, viễn thông và Internet, bất chấp những khó khăn mà những ngành này đối mặt trong những năm gần đây, khiến các nhà tuyển dụng ngần ngại bổ sung nhân sự.
Với quá nhiều sinh viên tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng được phép kén chọn. Cử nhân Fu Zihao cho biết anh đã gửi hồ sơ tới hầu hết các trường tuyển dụng giáo viên thể dục ở Bắc Kinh, nhưng đều không có kết quả.
"Tôi bị từ chối vì chỉ có bằng cử nhân. Các trường học ngày nay, thậm chí là tiểu học, cũng yêu cầu giáo viên thể dục có bằng thạc sĩ", Fu, tốt nghiệp trường Đại học Thể thao Thẩm Dương, nói, thêm rằng anh sẽ tiếp tục cố gắng cho tới khi được tuyển dụng.
Khi các gia đình Trung Quốc ngày nay có điều kiện kinh tế hơn, nhiều người trẻ không phải chịu áp lực mưu sinh và có thể chấp nhận "thất nghiệp chờ thời" lâu hơn so với các thế hệ trước, theo Larry Hu, nhà kinh tế trưởng của Macquarie Group ở Australia.
Nhiều cử nhân chọn tiếp tục học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp, thay vì tìm việc làm. Thống kê cho thấy 4,7 triệu sinh viên đại học đã đăng ký thi tuyển để cạnh tranh 1,2 suất học thạc sĩ trong năm nay.
Những người trẻ trì hoãn gia nhập lực lượng lao động hoặc không tìm kiếm việc làm sẽ không được Trung Quốc đưa vào số liệu thống kê thất nghiệp chính thức. Theo Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Đại học Northwestern ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ cao hơn nếu nhóm người này được đưa vào thống kê.
Trong cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ đầu tháng này, Phó thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường yêu cầu các công ty nhà nước tuyển thêm sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Điều này nhằm góp phần giúp đất nước đạt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm mới trong năm 2023.
Giới chức Trung Quốc cũng thuyết phục những lao động trẻ có học thức giảm bớt kỳ vọng việc làm, chấp nhận những công việc thấp hơn tiêu chí ban đầu của họ. Một số sinh viên mới tốt nghiệp đã làm như vậy.
Một sinh viên theo học ngành tài chính quốc tế tại Bắc Kinh cho biết anh quyết định bắt đầu làm việc tại viện dưỡng lão trong ngôi làng miền núi ở tỉnh Quý Châu, với mức lương 3.000 tệ mỗi tháng (khoảng 427 USD).
Anh tin rằng hai năm làm việc tại khu vực miền núi này sẽ giúp anh ghi thêm điểm trong các kỳ tuyển sinh thạc sĩ, hoặc mở đường cho anh trở thành viên chức làm việc cho chính quyền địa phương.
"Tìm được việc không khó, điều khó nhất là có được công việc mơ ước", anh nói.
Ý kiến ()