Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:24 (GMT +7)
Người trẻ ngày càng "ngại'' Tết
Thứ 2, 12/02/2024 | 09:10:11 [GMT +7] A A
Không khí tưng bừng mỗi dịp Tết đến xuân về mang lại niềm vui cho nhiều người nhưng trải qua một mùa Tết, không ít người trẻ lại đối mặt với một tâm trạng khác biệt là sự e ngại khi Tết về.
Anh Phạm Hùng (25 tuổi, Hà Nội) hiện là nhân viên văn phòng tại một công ty công nghệ cho biết, Tết đối với anh không có khác biệt gì nhiều so với những kỳ nghỉ khác trong năm, Tết năm nay gia đình anh cũng không có những lịch trình hay dự định đặc biệt nào.
Anh chia sẻ: “Tết đối với tôi chỉ là thêm một lý do để mọi người có thêm thời gian quây quần nhưng nó không mang lại quá nhiều cảm giác hạnh phúc hay sự ấm áp. Càng lớn, Tết càng trở nên nặng nề và mệt mỏi. Trái ngược hẳn với khi còn nhỏ, chỉ chờ đến Tết để được ăn món ngon, được chơi và đặc biệt là nhận lì xì”.
Anh Hùng bộc bạch, khi trưởng thành, có thêm nhiều áp lực và trách nhiệm hơn, phải đối mặt với rất nhiều kỳ vọng đến từ gia đình, họ hàng, đối mặt với những bữa tất niên triền miên ngày qua ngày… Tết vô tình trở thành một cơ hội để anh “đối phó” bạn bè và những câu hỏi hóc búa, nhạy cảm từ việc lấy vợ cho tới thu nhập… đến từ người lớn, thay vì là một kỳ nghỉ thư giãn và vui vẻ.
Tuy vậy, bạn bè xung quanh anh Hùng đa phần là người xa quê lên Hà Nội học tập, làm việc, vì vậy họ vẫn khá hào hứng với Tết. “Mọi người thường trò chuyện về những kế hoạch cho kỳ nghỉ, những bữa ăn gia đình... Nhưng đối với tôi, sự hào hứng này dường như đã phai nhạt từ khi tôi bắt đầu cảm nhận được áp lực của cuộc sống” - anh Hùng nói.
Đối với anh Hùng, một cái Tết lý tưởng là khoảng thời gian mỗi người được nghỉ ngơi thực sự. Một khoảnh khắc để tận hưởng không khí yên bình và không có áp lực. “Tôi muốn có thời gian để xem phim, nghe nhạc... hoặc thậm chí chỉ là ngủ đủ giấc. Một cái Tết không cần phải lo lắng về việc dọn dẹp và sắp xếp chuẩn bị, mà chỉ là thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi” - anh Hùng tâm sự.
Còn với Kim Hồng (21 tuổi, Bắc Kạn) hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tết năm nay, chị đã trở về quê cùng gia đình trang trí lại nhà cửa, gói bánh chưng. Tuy vậy, Kim Hồng chia sẻ: “Càng lớn thì Tết đối với tôi chỉ là những ngày nghỉ lễ bình thường, không còn những sự chờ đợi, háo hức như hồi nhỏ”.
Theo nữ sinh, Tết bây giờ mang đến cho chị nhiều áp lực và những kỳ vọng của mọi người xung quanh. Thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, chị phải lo lắng về việc chuẩn bị cho Tết, dọn dẹp nhà cửa, làm cỗ, thậm chí vẫn phải chạy deadline xuyên lễ để tránh chồng chất việc sau Tết...
"Đôi khi tôi cảm thấy Tết là lúc làm việc tại nhà chứ không phải là một cơ hội để nghỉ ngơi như ý nghĩa thực sự của nó. Nhắc đến Tết, tôi vẫn thấy rất ngại” - chị Hồng nói.
Ngược lại, Ngọc Anh (20 tuổi, Hà Nội) hiện là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội lại cho hay: “Mỗi dịp Tết, gia đình tôi thường cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ và dành thời gian gặp gỡ người thân, họ hàng để gửi những lời chúc tốt đẹp và cùng nhau nhìn lại một năm đã qua”.
Khi bước qua tuổi 18, Tết trong cô gái trẻ có nhiều mới lạ, đó là tự tay sắm sửa, trang trí nhà cửa, học cách lựa chọn cây cảnh trưng trong nhà và được vào bếp nấu mâm cỗ. Việc trực tiếp thực hiện mọi công việc khiến Ngọc Anh cảm thấy Tết thêm phần ý nghĩa và cảm nhận rõ không khí đầm ấm, tình cảm của các thành viên trong gia đình.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()