Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:35 (GMT +7)
Người tiên phong sử dụng phao HDPE trong nuôi trồng thủy sản
Thứ 3, 12/04/2022 | 16:14:44 [GMT +7] A A
Việc thay thế phao xốp bằng phao nổi chất liệu HDPE là giải pháp quan trọng tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu rác thải vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường. Được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thời gian qua, hộ nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thanh Quang (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) đã tích cực thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi chất liệu HDPE cho diện tích nuôi trồng của mình.
Toàn bộ 10ha nuôi hàu của gia đình anh Nguyễn Thanh Quang nằm tại Hòn Tổng Mười (cách khu vực Vũng Bầu khoảng 1km về phía Nam). Nhận thức được tầm quan trọng của việc thay thế phao nổi HDPE, từ tháng 7/2021, anh Quang đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống phao xốp trong diện tích nuôi trồng hiện có, đồng thời lên kế hoạch từng bước thay thế phao nổi HDPE đối với các phao xốp có hiện tượng hư hỏng. Trong quá trình thu hoạch hoặc thả giống hàu, anh đều kết hợp loại bỏ, thu gom các tấm phao xốp để thay thế bằng phao nhựa HDPE.
Bên cạnh sự vận động, tuyên truyền, hướng dẫn của địa phương, anh Quang cũng được Công ty CP Nhựa Super Trường Phát cho vay bằng sản phẩm phao nổi HDPE với lãi suất 0% trong vòng 6 tháng để đầu tư.
Tính đến nay, anh Quang đã thay thế gần 50% diện tích nuôi trồng sử dụng phao nổi HDPE. Việc thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE là nỗ lực rất lớn của anh Quang, nhất là trong bối cảnh việc tiêu thụ hàu gặp khó trong suốt 3 năm qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho phao nhựa HDPE khá lớn, giá thành 1 chiếc phao hiện đang cao gấp 2-2,5 lần so với phao xốp.
Anh Quang cho biết: Việc sử dụng phao nổi HDPE không chỉ góp phần giảm thiểu tối đa rác thải là các mảnh vụn của phao xốp tới môi trường biển, quan trọng hơn là mang lại lợi ích cho chính người nuôi trồng. Bởi thời gian sử dụng phao nhựa HDPE từ 4-5 năm, độ bền cao, chịu được sóng gió. Đồng thời, giảm chi phí khi phải thay thế phao xốp do hư hỏng, bảo vệ môi trường nuôi, tăng cường đề kháng cho vật nuôi. Trên cơ sở thực hiện từng bước, tôi sẽ cố gắng thay thế hoàn toàn phao xốp trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, anh Quang còn tích cực vận động các hộ dân trong khu vực nuôi trồng nhanh chóng ổn định sản xuất; hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ những khó khăn với các hộ nuôi trồng, cung ứng phao nhựa HDPE cho các hộ có nhu cầu.
Theo anh Quang, các hộ nuôi trồng thủy sản cá thể trong khu vực Hòn Tổng Mười đã từng bước thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE. Tuy nhiên, việc thay thế này còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời. Khó khăn lớn nhất là việc xử lý rác thải phao xốp sau khi thay thế. Bởi lượng phao xốp rất lớn, các khu vực nuôi nằm cách xa đất liền, không có nhân lực thu gom. Chi phí để thuê nhân công thu gom, vận chuyển, tập kết rất tốn kém. Trong khi đó, hầu hết các hộ dân thực hiện thay thế phao xốp sang phao nổi HDPE đều bằng vốn tự có, bởi chưa có chính sách hỗ trợ trong việc mua nguyên liệu thay thế... cho đến xử lý rác thải. Ngoài ra, hiện nay một số hộ nuôi trồng thủy sản vẫn sử dụng phao xốp cho các bãi nuôi thả mới. Do đó, lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý tình trạng người dân đầu tư mới phao xốp làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()