Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:22 (GMT +7)
Người tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 có thể thay thế bằng vaccine nào?
Thứ 3, 07/09/2021 | 09:02:05 [GMT +7] A A
Chuyên gia cho biết việc tiêm trộn 2 loại vaccine mRNA (Moderna và Pfizer hoặc ngược lại) có thể khả thi trong những tình huống bất khả kháng.
Trước lo lắng của nhiều người dân về việc tiêm muộn liều 2 vaccine Moderna, chia sẻ với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong trường hợp bất khả kháng, cơ quan y tế sẽ có giải pháp thay thế để hoàn thành đủ lịch tiêm chủng cho người dân.
Tiêm muộn mũi 2 không làm mất hiệu quả của vaccine
- Hai mũi vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer có thể chuyển đổi cho nhau hay không?
- Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Hoa Kỳ, Bộ Y tế Việt Nam, do không có đủ dữ liệu nghiên cứu về tính an toàn và đánh giá hiệu lực vaccine khi thay thế qua lại giữa Moderna với Pfizer trong liệu trình tiêm 2 mũi vaccine mRNA, do đó, cả 2 liều vaccine trong liệu trình tiêm chủng nên được hoàn thành với cùng một loại.
Nếu đã được tiêm một liều Moderna, khuyến cáo liều tiêm thứ hai vẫn nên là Moderna để hoàn thành lịch tiêm chủng.
Khi các tế bào nhớ của hệ miễn dịch đã hình thành thì việc tiêm những mũi vaccine tiếp theo, nếu có muộn hơn, cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi hoàn toàn
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Nếu người được tiêm chủng đã tiêm liều đầu tiên của vaccine Covid-19 mRNA (Moderna hoặc Pfizer) nhưng vì chống chỉ định nào đó mà không thể hoàn thành lịch tiêm mũi 2 (ví dụ như phản ứng dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ sau tiêm), bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định một liều duy nhất của vaccine Johnson & Johnson với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày.
- Nhiều người dân tại TP.HCM lo lắng về việc đã đến thời hạn 4 tuần tiêm nhắc lại mũi 2 vaccine Moderna nhưng đến nay vẫn chưa có lịch tiêm. Bác sĩ có lời khuyên gì về điều này?
- Tôi cho rằng người dân lúc này cần bình tĩnh và không nên quá lo lắng. Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 liều vaccine là thời gian cần thiết để kích thích trí nhớ miễn dịch. Khi các tế bào nhớ của hệ miễn dịch đã hình thành thì việc tiêm những mũi vaccine tiếp theo, nếu có muộn hơn, cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi hoàn toàn.
Đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng cấp phép của Moderna cho thấy ngay cả khi chỉ tiêm một liều thì hiệu lực bảo vệ chung của vaccine đạt 80% và sau tối thiểu 14 ngày là 92,1%.
Nghiên cứu đánh giá vaccine trong thế giới thực ở Ontario, Canada, cho thấy sau tối thiểu 14 ngày tiêm một liều Moderna, hiệu quả giảm bệnh Covid-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta và 83% với biến thể Alpha.
Một nghiên cứu khác ở Quebec, Canada trên những người tiêm 1 mũi vaccine Pfizer và Moderna, trong đó có hơn một nửa là người 60-74 tuổi, cho thấy hiệu quả bảo vệ giảm nhập viện do Covid-19 đạt hơn 95% và kéo dài đến 16 tuần.
Nghiên cứu khác ở Mỹ đánh giá về lịch tiêm tiêu chuẩn và lịch tiêm trì hoãn mũi 2 của vaccine Pfizer và Moderna với tình trạng nhiễm, nhập viện và tử vong, cho thấy vaccine vẫn đạt được giá trị lợi ích tối đa với khoảng cách 12-15 tuần.
Riêng với vaccine Moderna, thời gian trì hoãn mũi 2 ít nhất 9 tuần có thể tối đa hóa hiệu quả của chương trình tiêm chủng.
Có thể tiêm trộn Moderna và Pfizer?
- Trong tình huống TP.HCM chưa có thêm nguồn phân bổ vaccine Moderna, liệu có tình huống thay thế mũi 2 là Pfizer khi mũi 1 là Moderna không, thưa bác sĩ?
- Theo CDC Mỹ, việc tiêm trộn 2 loại vaccine mRNA (Moderna và Pfizer hoặc ngược lại) có thể khả thi trong những tình huống bất khả kháng:
Tình huống thứ nhất, nếu vaccine mRNA liều đầu tiên không thể xác định được đã tiêm loại nào thì thì liều thứ 2 có thể dùng bất kỳ vaccine mRNA với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm.
Cụ bà 70 tuổi ở TP Thủ Đức được tiêm vaccine Moderna tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 22/7. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tình huống thứ 2 đó là tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt hơn nên trì hoãn liều thứ hai để người được tiêm chủng nhận cùng loại vaccine hơn là phối hợp vaccine khác loại.
Nếu buộc phải tiêm phối hợp hai vaccine mRNA Covid-19 khác nhau trong những trường hợp bất khả kháng nêu trên, sau khi hoàn tất 2 mũi tiêm thì không cần bổ sung liều nào của vaccine mRNA nữa.
Những người được tiêm chủng xem như đã được bảo vệ (sau 2 tuần tiêm mũi thứ hai) và đã hoàn thành lịch tiêm vaccine Covid-19.
Tại một số quốc gia như Canada và Anh, hiện nay đã có những khuyến cáo về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vaccine Moderna và mũi 2 là Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vaccine sẵn có và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần. Và cho đến nay không ghi nhận biến cố bất lợi sau tiêm chủng nghiêm trọng nào của việc tiêm phối hợp 2 vaccine này.
- Sau khi tiêm vaccine Moderna, người tiêm có thể gặp những biến cố bất lợi nào?
- Việc phân chia những biến cố bất lợi sau tiêm của vaccine Moderna dựa trên tần suất xuất hiện các triệu chứng sau tiêm của người được tiêm chủng. Những triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau tiêm vaccine, kéo dài 1-3 ngày. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể xuất hiện muộn (2-4 ngày sau tiêm) và kéo dài hơn (trên 3 ngày).
Triệu chứng rất phổ biến sau tiêm vaccine Moderna với tỷ lệ xuất hiện biến cố bất lợi sau tiêm là ≥1/10, nghĩa là cứ khoảng 10 người được tiêm vaccine thì có trên 1 người xuất hiện những triệu chứng này, bao gồm: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và cứng khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nổi hạch, sưng đỏ vị trí tiêm.
Các triệu chứng phổ biến khác có thể là phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, nôn, tiêu chảy. Triệu chứng ngứa chỗ tiêm thường không phổ biến. Trường hợp hiếm gặp, một số người có thể bị sưng mặt, liệt mặt ngoại biên cấp tính có thể xảy ra ở người đã tiêm chất làm đầy (filler) trên mặt.
Ngoài ra, các triệu chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim thường rất hiếm gặp. Vì vậy, những người có tiền sử viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim cần thận trọng khi chỉ định tiêm vaccine Moderna.
Nếu có triệu chứng đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim xuất hiện 2-4 ngày sau tiêm, người tiêm vaccine cần nhập viện cấp cứu ngay.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()