Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:04 (GMT +7)
Người thương binh với tâm nguyện tri ân đồng đội
Thứ 7, 22/07/2023 | 09:12:04 [GMT +7] A A
Chiến đấu anh dũng trên chiến trường, mang trong mình nhiều vết thương do chiến tranh để lại nhưng khi về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đăng San, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hạ Long vẫn tiếp tục vượt khó trên mặt trận sản xuất, lao động. Và đến nay, dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông chưa cho phép mình nghỉ ngơi, vẫn miệt mài, nỗ lực thật nhiều để tri ân, trọn vẹn nghĩa tình với những đồng chí, đồng đội không may mắn được trở về sau cuộc chiến.
Cựu chiến binh Nguyễn Đăng San sinh năm 1952 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1970, khi đang là học sinh năm cuối cấp 3, hòa trong không khí sục sôi quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của lớp thanh niên quê nhà, ông hăng hái xung phong lên đường.
Đến tháng 10/1970, hành quân vào Nam, ông được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trung đoàn 1 đã vinh dự được Nhà nước ba lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 5 năm từ 1970-1975, ông đã cùng đồng đội xông pha, tham gia nhiều chiến trường ác liệt như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, trận đánh cao nguyên Pôlôven (Lào), giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum). Sau khi bị thương nặng trong trận đánh vào thị xã Kon Tum, ông được điều trị và chuyển về phục vụ hậu cần chiến đấu tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Rời quân ngũ, trở về với đời thường, dù những mảnh đạn còn ghim trong người vẫn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, song ông Nguyễn Đăng San tích cực hăng say lao động công tác trong ngành Than. Năm 2002, sau khi về nghỉ chế độ, ông lại tiếp tục bắt tay phát triển kinh tế, với mong muốn tạo thêm thu nhập chăm lo cho gia đình và đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng, giúp đỡ cho những đồng đội khó khăn.
Gặp gỡ và trò chuyện với thương binh Nguyễn Đăng San, có lẽ ai cũng cảm nhận được nét vui tươi, khỏe khoắn trên gương mặt ông. Người cựu binh già cứ thế say sưa kể chuyện về chiến trường, về đồng đội, về những cuộc chiến đấu đầy cam go, hiểm nguy mà đôi mắt đã hoen đỏ từ lúc nào.
Ông San tâm sự: “Nhiều đêm nằm ngủ, ký ức những năm tháng chiến đấu hiện về trong mỗi giấc mơ đã thúc giục tôi trở lại chiến trường xưa để thăm đồng đội, đồng chí đã nằm xuống, tìm về với quê hương từng đồng đội cùng đơn vị năm xưa đã hy sinh để có thể thắp nén hương thơm tưởng nhớ. Sau những ác liệt của chiến tranh, tôi còn sống trở về, rồi lấy vợ, sinh con là quá may mắn và hạnh phúc, vì vậy, tôi luôn đau đáu để tri ân những người đồng đội của mình. Đó cũng là lý do để cuốn bút ký “Ký ức thời binh lửa” ra đời, gửi gắm những tình cảm sâu nặng, tấm lòng tri ân của tôi với đồng đội, cũng là bức thông điệp gửi đến thế hệ mai sau về lòng biết ơn, khắc ghi sự hy sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống để làm nên đất nước hôm nay”.
Mỗi trang viết của “Ký ức thời binh lửa” qua lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Đăng San - một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu như thước phim quay chậm mà ở đó ai ai cũng có thể hình dung một cách chân thực, xúc động về những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt. Ở đó, có những mất mát, hy sinh đau thương, có vẻ đẹp lấp lánh của tình đồng chí đồng đội gắn bó yêu thương và nhiều hơn cả là khí phách anh hùng, ý chí kiên cường của mỗi người lính Cụ Hồ. Những dòng hồi ức bi tráng về một thời hoa lửa của những người không tiếc tuổi xuân cho đất nước hòa bình cứ thế hiện lên giản dị mà chứa chan niềm tin yêu: Tôi với anh chung một chiến hào/ Chung trận địa chung kẻ thù phía trước.../ Chung một màu Cờ, chung Tiến Quân ca/ Chung một cái tên là anh Bộ đội/ Trận đầu tiên chiến công vang dội/ Tim đập dồn khoảng lặng giữa Trường Sơn... (Tình đồng đội - Nguyễn Đăng San).
Tròn 20 năm về nghỉ chế độ thì đã có 15 năm ông Nguyễn Đăng San đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hạ Long. Suốt những năm qua, với tấm lòng luôn hướng về tri ân đồng đội, ông San đã cùng tập thể cán bộ Hội đi từng ngõ, gõ từng nhà nắm bắt tình hình đời sống, hoàn cảnh của từng nạn nhân chất độc da cam/dioxin và tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, hỗ trợ khám chữa bệnh, tặng thẻ BHYT, trợ giúp, đỡ đầu lâu dài cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hạ Long đã huy động nguồn kinh phí tặng trên 17.000 suất quà các dịp lễ, tết; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 96 nhà ở với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, góp phần chung tay xoa dịu những nỗi đau chiến tranh, tiếp thêm động lực cho các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, dù bằng cách này hay cách khác, những người lính năm xưa như cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đăng San vẫn đang miệt mài cố gắng hoàn thành tâm nguyện tri ân đồng đội, mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước, tô thắm thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()