Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:35 (GMT +7)
Người thợ mỏ cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ
Chủ nhật, 30/10/2016 | 04:40:17 [GMT +7] A A
Đó là đồng chí Đào Văn Tuất (tức Nguyễn Thành), công nhân lái xe lửa Nhà sàng Ba Đèo, nhà ở chân núi Bài Thơ. Đồng chí cắm cờ trên núi vào rạng sáng ngày 1-5-1930.
Di ảnh đồng chí Đào Văn Tuất. (Ảnh: Tư liệu của Ban Liên lạc Những người kháng chiến Quảng Hồng). |
Để cắm cờ thành công, đồng chí Đào Văn Tuất, người đoàn viên Công hội đỏ chuẩn bị được kết nạp Đảng, đã phải nhiều lần tiền trạm đường lên núi, khu vực cắm cờ. Theo cuốn sách “Theo dòng truyền thống” (do Sở Văn hoá và Liên hiệp Công đoàn Hồng Quảng phối hợp xuất bản năm 1962), ngày 27-4, đồng chí Tuất cáo ốm để nghỉ việc, trốn ra đằng sau dốc Bồ Hòn thử trèo lên đỉnh núi Bài Thơ. Vừa trèo, đồng chí vừa cố gắng ghi vào trí nhớ đường đi, từng mỏm đá, lối thoát hiểm nếu bị phát hiện... Chiều ngày 30-4, đồng chí Đào Văn Tuất nhận lá cờ Đảng do chị Cả Khương (đồng chí Phan Thị Khương, công nhân nhà sàng Hòn Gai) mua vải từ Hải Phòng về may và nhận chỉ thị từ đồng chí Nguyễn Công Hoà (bí danh là Cát, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh uỷ Quảng Hồng).
Vào khoảng 8 giờ tối ngày 30-4-1930, mặc dù người đi lại trên đường phố còn đông, đồng chí Đào Văn Tuất đã quấn chặt lá cờ vào người, bình tĩnh, thận trọng, bám từng mỏm đá trèo lên núi Bài Thơ. Đồng chí Đào Văn Tuất bị ngã xuống sườn núi, nằm trên một lùm cây rồi lại bò dậy leo tiếp lên đỉnh núi lần nữa. Trèo lên đến đỉnh Mỏm Quạ, mặt mũi trầy xước vì gai, hai bàn tay và gan bàn chân rớm máu vì những mỏm đá tai mèo sắc cạnh, song người công nhân cách mạng yêu nước vẫn không chùn bước. Thận trọng cắm cờ trên đỉnh núi, đồng chí Tuất đã lấy đất đá chèn chặt cán cờ và cắt dây rừng chằng cán cờ vào các gốc cây để không bị gió làm lật. Đồng chí Đào Văn Tuất còn nhanh trí dùng một đoạn dây rừng buộc hai hòn đá nhỏ treo lơ lửng ra ngoài không trung, giả làm mìn để doạ những tên tay sai yếu bóng vía khi chúng có ý định lên tháo cờ. Sau khi cắm cờ chắc chắn, đồng chí Tuất xuống núi về báo cáo tổ chức và cùng với đồng chí Trần Văn Nghệ (tức Nguyễn Viết Lục) nhanh chóng tham gia phá hệ thống đèn điện ở 3 khu vực: Hòn Gai, Cọc 5, Hà Lầm để tạo điều kiện cho đồng đội rải truyền đơn và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác trong đêm.
Cũng theo cuốn sách “Theo dòng truyền thống”, sáng 1-5-1930, lá cờ Đảng tung bay trên đỉnh Mỏm Quạ, núi Bài Thơ. Từ các ngả đường công nhân trong thị xã Hòn Gai, công nhân ở Cột 5, Hà Tu, Hà Lầm ùn ùn đổ ra, người dưới thuyền cũng lên bờ tham gia biểu tình. Mọi người ngước nhìn lá cờ Đảng tung bay trên đỉnh núi như khích lệ tinh thần đấu tranh. Tụi mật thám Pháp nhòm ngó điểm mặt người qua đường mà tức tối không làm gì được, không thể bắt được ai... Cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 ở Vùng mỏ đã tạo tiếng vang rất lớn, với một khí thế rất hiên ngang.
Lá cờ Đảng được đoàn viên Công hội đỏ Đào Văn Tuất cắm lên đỉnh núi Bài Thơ năm ấy là tín hiệu báo trước giờ cáo chung của thực dân Pháp ở nước ta. Hiện nay, nơi đồng chí Đào Văn Tuất cắm cờ năm xưa, cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên cột cờ thép vững chãi (ở độ cao 203m so với mực nước biển) như khẳng định sự tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của những chiến sĩ thợ mỏ năm xưa.
Sau đó, đồng chí Đào Văn Tuất về làm Phó Thư ký Công đoàn thành phố Hải Phòng. Năm 1964, khi tuổi cao sức yếu, đồng chí về thăm Hạ Long vẫn muốn leo lên đỉnh núi Bài Thơ nhưng không đủ sức leo được. Đứng dưới ngắm lá cờ đỏ trên đỉnh núi mà mình đã cắm cờ năm nào, đồng chí Tuất rưng rưng xúc động xen lẫn tự hào về truyền thống tốt đẹp của những người công nhân mỏ, tự hào về hành động mang ý nghĩa lịch sử của mình thời trai trẻ.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()