Về thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, hỏi anh Sằn Chi Nàm ai cũng biết. Người già Hà Lâu coi anh như con, người trẻ thì quý anh như thể anh em trong nhà. Mà sao không quý cho được con người miệng nói, tay làm, gần dân, trọng dân như anh.
Mất khoảng 15 phút đi bằng xe máy trên con đường bê tông uốn lượn giữa núi rừng trùng điệp, chúng tôi đến thôn Khe Lẹ (từ 5/5/2022 sáp nhập 3 thôn: Khe Lẹ, Khe Tao và Nậm Mìn thành thôn Thống Nhất). Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn lâm thời của thôn Thống Nhất Sằn Chi Nàm đỗ xe ở ngay ngôi nhà đầu tiên của dãy nhà có cùng mẫu mã, kiểu cách, nhưng kiên cố và rất hiện đại. Anh Nàm giới thiệu: Đây là nhà tôi, còn toàn bộ khu này là tái định cư thôn Khe Lẹ.
Năm 2014, khi đang là Trưởng thôn, anh Sằn Chi Nàm đã đề xuất với xã di dân thôn Khe Lẹ ra bên ngoài để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Anh Nàm cho rằng, đây là quyết định của riêng cá nhân mình lúc đó, vì bản thân anh sinh ra, lớn lên ở Khe Lẹ, nên hiểu được những nguy cơ luôn tiềm ẩn đối với bà con trong thôn.
Anh Sằn Chi Nàm tâm sự: Thôn Khe Lẹ cũ nằm cách khu tái định cư mới hiện nay khoảng 3km. Toàn thôn có hơn 30 hộ dân sinh sống, 100% là người Dao. Mỗi hộ gia đình ở trên quả đồi, nhiều hộ nằm dọc con suối lớn, nhưng cách xa nhau, điều kiện đi lại khó khăn, đời sống của bà con không khấm khá lên được. Hơn nữa, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng nhiều, nên người dân cứ sống ở đó sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi liên tục làm văn bản, hoặc đề xuất tại hội nghị tiếp xúc cử tri các cấp, mong muốn di dời toàn bộ hộ dân thôn Khe Lẹ ra khu tái định cư mới để đảm bảo đời sống người dân.
Anh Sằn Chi Nàm (hàng thứ hai, ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tỉnh Quảng Ninh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2021. |
Năm 2016, tỉnh và huyện Tiên Yên phê duyệt đề án di dân thôn Khe Lẹ ra khu tái định cư. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là một nửa số hộ không muốn dời đi mà quyết tâm bám trụ tại nơi ở cũ. Với những hộ này, anh Nàm trực tiếp tuyên truyền vận động bằng tiếng địa phương để người dân hiểu và thực hiện.
Qua quá trình khảo sát đề án, anh Nàm đề xuất khu vực tái định cư bằng phẳng, đi lại thuận lợi, có nguồn nước đảm bảo đời sống sinh hoạt. Đề án lúc đầu được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ di dời 16 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ được cấp 500m2 đất ở và nuôi trồng. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, có 19 hộ không nằm trong diện tái định cư.
Trước tình hình trên, anh Sằn Chi Nàm đã đề xuất giải pháp 16 hộ được cấp 500m2 đất sẽ chia sẻ cùng các hộ không nằm trong diện tái định cư. Mục tiêu là tất cả hộ dân thôn Khe Lẹ được di dời xuống khu vực tái định cư, đảm bảo cuộc sống, bởi anh Nàm quan niệm mỗi người dân trong thôn chính là gia đình của mình.
Khi giải pháp trên được đưa ra cuộc họp dân, tất cả mọi người đồng tình và anh Nàm là người thực hiện đầu tiên. Đến năm 2019, toàn bộ 35 hộ dân thôn Khe Lẹ chuyển về ở tại khu tái định cư.
Gần 4 năm chuyển đến khu tái định cư mới thôn Khe Lẹ, đời sống của người dân càng ngày càng ổn định và đi vào nền nếp. Anh Sằn Chi Nàm cho biết: Khi cả thôn chuyển về sinh sống ở đây, đời sống bà con đã thay đổi đến 70%, nhất là công tác vệ sinh môi trường, công việc này được Chi bộ thôn giao cho Chi hội Phụ nữ thôn phụ trách. Khu tái định cư có 5 dãy nhà, mỗi dãy để 1 thùng rác và đã liên kết với đơn vị thu gom rác thải của xã, hằng tuần đến chở đi. Người dân không còn vứt rác bừa bãi xung quanh nhà, mà còn trồng cây xanh, cây hoa trước cửa nhà, các tuyến đường chính, tạo cảnh quan sạch sẽ, phong quang.
Ông Nỉ Chắn Sáng năm nay 60 tuổi, cho biết: Tôi về đây ở được gần 4 năm trong ngôi nhà kiên cố có diện tích 80m2 trị giá 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 35 triệu đồng. Từ khi về ở tại khu tái định cư này, đêm ngủ không còn nơm nớp lo sợ sạt lở vì mưa nữa và việc đi lại cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Nỉ Chắn Sáng chăm sóc vườn hoa trước cửa nhà. |
Năm 2016, thôn Khe Lẹ có tổng số 35 hộ thì có 22 hộ nghèo, số còn lại là hộ cận nghèo. Năm 2020 toàn thôn không còn hộ nghèo. Người dân sau khi chuyển đến nơi ở mới có 19 hộ có đất rừng, 16 hộ không có đất rừng thì tập trung chăn nuôi, nên cuộc sống ngày một khá lên.
Anh Sằn Chi Ón, cư dân thôn Khe Lẹ, cho biết: Năm 2018 tôi đầu tư trang trại chăn nuôi giống gà Tiên Yên với số lượng 500 con. Hiện trang trại của tôi đã nuôi 1.500 con gà bán ra thị trường, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng.
Là con thứ 3 trong gia đình có 12 anh chị em, mẹ mất sớm, nhưng Sằn Chi Nàm luôn có nghị lực vượt khó, với tinh thần đam mê học tập. Anh Nàm nhớ lại, năm 13 tuổi mới đi học lớp 1 và phải cắt rừng, lội suối 7km sang thôn Nậm Mìn để học, vì ở Nậm Mìn mới có điểm trường. Toàn thôn Khe Lẹ khi đó có 9 người học, nhưng mỗi năm lại rơi rụng đi vài người. Lên đến cấp 2, anh Nàm đi bộ 6km ra xã để học, đến lớp 9 toàn thôn chỉ có 2 người theo học.
Anh Nàm học đến lớp 9 rồi không có điều kiện để đi học nữa. Hiện tại anh đang có dự định sẽ tiếp tục học hết chương trình THPT, ước mơ của anh được đi học đại học. Quá trình công tác của anh Nàm gắn liền với thôn Khe Lẹ, năm 18 tuổi anh tham gia công tác Đoàn, rồi kiêm công tác Dân số, được bầu làm phó trưởng thôn, trưởng thôn, bí thư chi bộ. Ở tuổi 38, nhưng Sằn Chi Nàm đã có 20 năm làm cán bộ thôn.
Ông Sằn Pha Cắm (80 tuổi ở khu Khe Lẹ) chia sẻ: Thằng Nàm nó nhiệt huyết lắm, nó nói cái gì thì sẽ làm cái đó. Bà con chúng tôi rất tin tưởng ủng hộ nó.
Lớp học xóa mù chữ do anh Sằn Chi Nàm đề xuất mở tại khu Khe Lẹ, thôn Thống Nhất (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) giúp bà con biết đọc, biết viết. |
Hiện nay, Khe Lẹ vẫn còn 25 người không biết chữ ở đủ các lứa tuổi, trong đó có cả vợ anh. Để mọi người biết đọc, biết viết, nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, anh Nàm đã đề xuất xã và huyện mở lớp xóa mù chữ cho người dân trong thôn. Mỗi tuần 3 buổi, học vào tối tại nhà văn hóa thôn. Anh Nàm cho rằng, mọi người biết chữ sẽ tiếp nhận được khoa học kỹ thuật để thay đổi tập quán canh tác.
"Trước đây khi người dân mới đến khu tái định cư vẫn còn giữ nếp sống cũ, nhà cửa không quét dọn, túi ni lông, rác sinh hoạt vứt ra đầy đường. Thế nhưng khi được tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường, các tiêu chí xây dựng NTM, bà con hiểu, nên chỉ một thời gian mọi việc đã đi vào nền nếp" - Anh Nàm lấy ví dụ.
Anh Nàm cũng đề xuất với xã và huyện mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện về hướng dẫn trồng rau an toàn cho 40 người dân, giúp nắm bắt kỹ năng, quy trình sản xuất an toàn.
Sức sống mới ở Khu tái định cư Khe Lẹ. |
Năm 2021, Sằn Chi Nàm là một trong 14 đại biểu của tỉnh Quảng Ninh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp lại quy mô thôn, 3 thôn: Khe Lẹ, Khe Tao và Nậm Mìn sáp nhập thành thôn Thống Nhất, anh Sằn Chi Nàm đang tạm thời giữ chức Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn lâm thời của thôn Thống Nhất.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu Phạm Tiến Dũng cho biết: Mong muốn của Đảng ủy xã là đồng chí Nàm tiếp tục làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất. Vì đồng chí Nàm là người uy tín, có kinh nghiệm, được người dân rất tin tưởng.
Năm 2021, Sằn Chi Nàm là một trong 14 đại biểu của tỉnh Quảng Ninh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Chia tay Sằn Chi Nàm, chúng tôi rời Khe Lẹ lúc xế chiều trên con đường bê tông nhạt nắng, xung quanh bao phủ màu xanh của vùng đất đang vươn mình. Nơi đây có một người đảng viên đầy nhiệt huyết với khát vọng vươn lên.
Ý kiến ()