Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:53 (GMT +7)
Người "tái sinh" những trang sách cũ
Chủ nhật, 14/07/2024 | 09:34:17 [GMT +7] A A
Trong thế giới của những cuốn sách dần cũ màu theo thời gian, có những con người với công việc lặng thầm vẫn chăm chút, tỉ mỉ để kéo dài “tuổi thọ” của sách. Bằng sự trân trọng với những giá trị đẹp đẽ mà sách mang lại, công việc của những người phục chế, đóng sách cũ chính là với mong muốn duy trì giá trị của sách bền bỉ theo thời gian.
Bà Nguyễn Thị Sinh (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) đã có hơn 20 năm làm công việc đóng sổ sách, và cũng chừng ấy năm bà nhận phục chế những cuốn sách cũ. Trước đó, bà Sinh là thành viên của HTX đóng sổ sách Hạ Long. Sau khi hợp tác xã giải thể, bà cùng một số người khác vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này tại Tổ hợp in Hồng Sơn trên đường 25/4, TP Hạ Long.
Bên cạnh nhận đóng các loại sổ sách mới, Tổ hợp in Hồng Sơn nơi bà Sinh đang làm việc là địa chỉ hiếm hoi tại TP Hạ Long còn nhận đóng và phục chế nhiều loại sách cũ. Đa số các cuốn sách được mang đến đây đều đã có tuổi đời lên tới vài chục năm và thường rơi vào tình trạng hỏng bìa, rách trang, rơi gáy... Vì vậy, các công đoạn phục chế sách cũ mất khá nhiều thời gian và cũng kỳ công hơn đóng sách mới rất nhiều, đòi hỏi người thợ đóng sách phải xử lý rất kỹ lưỡng từng công đoạn.
Sách cũ khi được mang đến, bà Sinh sẽ cẩn thận kiểm tra tình trạng của sách để quyết định phương pháp phục chế phù hợp. Nếu bìa và gáy sách đã bị rách hoặc bị rời các trang thì sẽ phải tháo bìa, tách từng tay sách để khâu lại, sau đó xếp các tay sách theo đúng số thứ tự trang, dùng hồ dán để cố định các tay sách lại với nhau rồi cho vào máy ép từ 5-10 phút giúp tăng độ kết dính giữa các tay sách.
Tiếp đó, nếu bìa sách còn tốt thì có thể tận dụng luôn nhưng nếu bìa đã quá cũ thì người thợ sẽ phải thiết kế lại, in trên đề-can và đóng lại bìa sách. Cuối cùng là cắt xén các cạnh của cuốn sách để trở nên mới và vuông vắn hơn.
Bà Sinh cho biết: Thường thì để xử lý việc phục chế lại những cuốn sách cũ cần nhiều dụng cụ bao gồm dao, kéo, kim chỉ, thước, vải, keo dán... và sẽ mất khoảng từ 2-4 ngày. Tình trạng hư hỏng nặng hơn thì quá trình này có thể kéo dài hơn tùy độ phức tạp của quyển sách và yêu cầu của khách hàng. Khi khâu sách cũng cần lưu ý kỹ thuật khâu phải thật khéo để đường chỉ được đẹp, kéo chỉ đủ chặt để cuốn sách có độ chắc chắn và sử dụng thêm dải băng khâu cùng với các tay sách, giúp tăng độ kết nối.
Trong dáng vóc gầy guộc và tác phong nhanh nhẹn, bà Sinh thoăn thoắt với những đường kim mũi chỉ, khâu từng trang sách. Với những cuốn sách mỏng thì có thể khâu luôn nhưng với sách dày cần dùng dùi để đục lỗ trước khi khâu.
Dù thu nhập từ công việc đóng sách cũ không đáng là bao, lại tốn nhiều thời gian hơn nhưng bà Sinh vẫn nhận làm, phần vì thấy được sự trân trọng của chủ nhân cuốn sách đối với cuốn sách quý, phần vì cũng mong muốn có thể góp phần lan tỏa giá trị và tình yêu với sách qua chính công việc mình làm.
Những cuốn sách cũ kỹ, ố màu thời gian, lưu giữ những giá trị kiến thức và đôi khi còn là món quà kỷ niệm quý giá đối với chủ nhân của chúng. Vì vậy, công việc của những người phục chế, đóng sách cũ thực sự có ý nghĩa đặc biệt. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, không dễ gì có thể tìm được những người thợ còn làm công việc thủ công tỉ mẩn, cần sự chậm rãi và tốn khá nhiều thời gian này.
Với sự kiên nhẫn, cẩn trọng và tình yêu đối với sách, những người làm công việc đóng sách cũ như bà Sinh đang khoác cho những cuốn sách cũ “chiếc áo mới” đẹp hơn, tái sinh cho sách một đời sống mới và góp phần gìn giữ giá trị của những cuốn sách quý được coi là “kho báu tri thức”.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()