Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:55 (GMT +7)
Người phụ nữ Dao cả đời gìn giữ nghề thêu
Chủ nhật, 03/10/2021 | 13:42:28 [GMT +7] A A
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, trang phục riêng. Trang phục như một thứ ngôn ngữ biểu đạt những nét đặc trưng riêng. Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, vẫn có người cả đời âm thầm chắt chiu góp nhặt, gắn bó với nghệ thuật thêu truyền thống để lưu truyền cho thế hệ sau. Người mà tôi đang nói đến là bà Chíu Mản Múi, người Dao ở thôn Đồng Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên.
Đam mê từ thuở nhỏ
Qua hai lần nhỡ hẹn, phải cuối tháng 9, chúng tôi mới có dịp tới thôn Đồng Và. Cách Quốc lộ 18C chỉ chừng vài trăm mét, bản người Dao Thanh Phán ở Đồng Và nhưng như một “ốc đảo” yên bình với vài chục mái nhà. Thấp thoáng giữa vườn cây, ruộng lúa nổi bật bởi những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ được treo ngay ngắn trước hiên nhà. Cũng không khó bắt gặp trước cửa thềm nhà, bậc cửa đều có bóng dáng những người phụ nữ Dao khéo léo đưa từng đường kim mũi chỉ.
Nhắc tới bà Múi, cô cán bộ xã Yên Than duyên dáng dẫn đường, vừa đi vừa kể: Gia đình bà Múi rất đặc biệt, người Dao ở đây ai cũng biết, quý trọng. Không chỉ bố chồng bà Múi từng là trưởng thôn hàng chục năm mà bởi gia đình nề nếp, con cháu đỗ đạt mà cũng là cái nơi lưu giữ "hồn cốt", lớp dạy nghệ thuật thêu trang phục cổ truyền cho bao đứa trẻ trong thôn.
Câu chuyện kéo ngắn quãng đường, chỉ chốc lát đã tới nhà bà Múi, nằm giữa cánh đồng lúa. Dù đã gần 80, qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Múi vẫn đi phăm phăm, mắt sáng, da hồng, giọng nói vang của một người còn khoẻ mạnh lắm.
Tiếp chúng tôi, trong trí nhớ của bà Múi, có lẽ không chỉ là đam mê mà đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc. Ngay từ nhỏ bà đã thấy thích, mân mê những vạt thổ cẩm rực rỡ, nhiều màu mà mẹ hay ngồi hiên nhà thêu.
“Đó là lúc lên 6 tuổi khi tôi tò mò, đã bạo gan dám tháo rời chiếc chăn bông đỏ của bố mẹ chỉ để… lấy chỉ đỏ, trắng thêu chơi. Khi mọi người đi làm đồng về tôi giấu đồ thêu xuống gầm giường. Không những không phạt, mẹ còn quan tâm chỉ dạy tôi với mong muốn con có thể tự thêu bộ đồ truyền thống khi về nhà chồng. Đó cũng là bài học đầu tiên tiên và cuối cùng từ mẹ bởi chỉ năm sau mẹ tôi đã về với tổ tiên khi tôi mới lên 7 tuổi” - bà Múi kể giọng trầm buồn.
Từ đó tới khi lập gia đình theo chồng về đây, dù cuộc sống bận rộn, vất vả, bà Múi vẫn tranh thủ tìm hiểu cặn kỹ thuật thêu, nét đẹp, bài thêu cổ truyền từ những người già. Và khi được an hưởng cuộc sống nhàn nhã, từ năm 40 tuổi bà đã chuyên tâm, dày công học hỏi, lưu giữ nghệ thuật thêu truyền thống.
Tới nay, bà Múi đã có một tài sản "vô giá" không chỉ với bà mà còn với cả đồng bào dân tộc Dao. Đó là kinh nghiệm và thạo kỹ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán mà bà đã có duyên và cả đời theo học, ghi nhớ nó.
Bà Múi kể: Với người Dao Thanh Phán, thêu là rất quan trọng. Các bộ trang phục đẹp vừa là tài sản, vừa thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ, sự giỏi giang đảm đang của người con gái. Trong nhà có nhiều quần áo đẹp tức là có nhiều tài sản. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy may vá thêu thùa.
Mỗi cô gái Dao trước khi đi lấy chồng đều tự thêu cho mình một bộ trang phục cưới. Thế nhưng hiện nay, kỹ thuật thêu cũng rơi rụng, mai một. Một số người trẻ thì không mặn mà. Vì thế tôi nghĩ mình phải dạy thêu cho con cháu. Giờ tuổi đã cao, điều tôi mong nhất là làm sao để gìn giữ bản sắc trang phục của dân tộc Dao Thanh Phán không bị mai một - bà Múi bày tỏ.
Mong nghề thêu được nhiều người biết tới
Tìm hiểu, tôi được biết, người phụ nữ Dao Thanh Phán đặc trưng bởi trang phục đặc sắc, đẹp mắt. Chuyện ăn mặc của người Dao rất được coi trọng, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ. Để hoàn thiện một bộ quần áo có thể mất hàng năm trời và khó nhất vẫn là kỹ thuật thêu. Trang phục của phụ nữ Dao bao gồm áo, quần, khăn và các đồ trang sức khác.
Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Chiếc áo là điểm nhấn, phần quan trọng cầu kỳ nhất của bộ trang phục. Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần.
Song, chính sự cầu kỳ trong họa tiết hoa văn cộng với những lo toan của cuộc sống đời thường khiến nghệ thuật thêu truyền thống dần mai một, người biết thêu cũng dần ít đi. Có lẽ vì thế, không giữ làm của riêng, bà Múi đã truyền dạy cho con cháu, họ hàng và cả con em dân tộc Dao trong thôn.
Bà Múi dẫn chúng tôi tới lớp học thêu. Nói là lớp học hơi quá, bởi chỉ có vài chiếc ghế, chậu đựng đồ thêu, chỉ thêu ở trên tầng 2 căn nhà khang trang hoặc đơn giản là khoảng sân dưới tán cây. Tới lớp, học trò không phải đóng tiền học phí, mà chỉ cần đem theo lòng nhiệt tình, kiên trì học thêu và cái tâm với văn hóa cội nguồn.
"Tuổi của tôi cũng sắp về với ông bà tổ tiên, còn sống được ngày nào cũng phải cố gắng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Hiện nay, giới trẻ nhiều người không còn mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống, việc gìn giữ và phát huy các giá trị này khó bề mà thực hiện được. Để thất truyền nghề thêu của ông bà để lại là đánh mất bản sắc, mất cội nguồn thì thật đáng tiếc”, bà Múi tâm sự về động lực của mình.
Chị Lý Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Than chia sẻ: Nhờ có những người tâm huyết, yêu nghề như bà Múi mà đến nay, những bộ trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán vẫn còn được lưu giữ.
Tuy nhiên, để giúp nghề thêu trang phục truyền thống của người Dao được duy trì và phát triển vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương. Có như thế, mới góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Dao".
Được biết, không chỉ lưu truyền, bà Múi còn tích cực đưa các sản phẩm của mình, con cháu tham gia các Ngày hội văn hoá, hội chợ ở quanh Tiên Yên, Bình Liêu; đưa sản phẩm đi triển lãm, bán ở các phiên chợ người Dao tận Bắc Giang…. Tiếng lành đồn xa. Dần dần có rất nhiều người tìm về mua thổ cẩm, đặt hàng bà.
Dù đã cao tuổi nhưng bà Múi vẫn sâu kim thoăn thoắt, vẫn dùng điện thoại thông minh, nghe gọi, giao lưu giới thiệu sản phẩm trên… Zalo. “Tôi ấp ủ, mong muốn không chỉ duy trì, phát triển nghề thêu trang phục truyền thống mà còn làm sao đưa nhiều bộ trang phục đẹp hơn tới tay du khách, người tỉnh xa để con cháu, người học thêu có thêm thu nhập từ chính nghề này” - bà Múi cho biết.
Trao đổi với tôi, chị Dương Thị Hậu, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tiên Yên cho biết: Chúng tôi vẫn cho rằng, các nét đẹp văn hoá, trong đó có nghệ thuật thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán vẫn được bảo tồn và duy trì cùng không gian kề cận với thác Pạc Sủi (xã Yên Than), điểm nhấn du lịch Tiên Yên, sẽ là điều kiện thuận lợi, là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch.
Trong tương lai, huyện Tiên Yên sẽ tích cực triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Pạc Sủi, xã Yên Than, trong đó nhấn mạnh bảo tồn nét đẹp văn hoá như: Lễ cấp sắc, Phùn-voòng, ẩm thực, nghề thêu... để phục vụ phát triển du lịch.
Kết thúc chuyến đi, trong tôi vẫn ấn tượng vẻ đẹp, sự rực rỡ của trang phục người Dao Thanh Phán cùng những điệu hát cổ truyền bà Múi hát khi thêu cùng con cháu. Mong một ngày nào đó, nếu khai thác tốt lợi thế này sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm nghệ thuật thêu, chiêm ngưỡng thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống rực rỡ, tuyệt đẹp... Đó chắc hẳn là một trải nghiệm thú vị cho du khách thập phương.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()