Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:01 (GMT +7)
Để người nghèo thoát nghèo bền vững
Chủ nhật, 14/11/2021 | 08:22:42 [GMT +7] A A
Nhiều năm trước đây, việc xóa nghèo ở các thôn bản vùng sâu vùng xa các huyện miền Đông thật khó khăn, cứ xóa được hộ này thì hộ khác nghèo, nhiều người xóa nghèo năm nay thì năm sau tái nghèo. Nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc tổ chức tặng quà, hỗ trợ cây, con giống cho bà con nhưng sau đó họ vẫn nghèo. Vậy người dân cần gì để thực sự thoát nghèo?
Đến nay, chuyện xóa nghèo đã đơn giản hơn thậm chí không cần phải nghĩ đến vì nhiều thôn, xã hoàn toàn không còn hộ nghèo. Nhiều hộ đã tự viết đơn ra khỏi hộ nghèo, tuy cuộc sống của họ cũng còn rất khó khăn nhưng vẫn không tái nghèo.
Những năm gần đây, đời sống người dân thôn Đài Van, xã Đài Xuyên (Vân Đồn) đã thay đổi rõ rệt, lác đác bên những con đường dẫn vào thôn là những ngôi nhà cao tầng. Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Đài Van được coi là thôn nghèo nhất huyện Vân Đồn, đường giao thông rất xấu, nhiều người không biết chữ… Khi ấy, việc xóa nghèo ở Đài Van rất khó. Có những năm, huyện Vân Đồn hỗ trợ vốn, giống cho bà con sản xuất, năm sau không hỗ trợ bà con không làm nữa và lý do nghèo được đưa ra do người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Anh Lỷ A Nhì, thôn Đài Van, xã Đài Xuyên thỉnh thoảng nhớ lại quãng thời gian khó khăn của mình. Khi ấy anh sống trong nhà tranh tre, quần áo mặc chẳng mấy khi được lành lặn. Anh Nhì bảo rằng, dịp tết các nhà hảo tâm đến tặng quà cho hộ nghèo, nếu là kẹo, bánh, chai rượu thì còn, nếu là tiền mặt thì cũng đem đi trả nợ, bởi cuộc sống nghèo luôn gắn với nợ nần.
Nay anh Nhì đã xây được ngôi nhà kiên cố rất kiểu cách, mà mươi năm trước anh chẳng mơ tới được. Bởi thôn, xã đã được đầu tư đường bê tông, vẫn đất rừng ấy, con người ấy, nhưng trước đây 1ha keo chỉ bán được hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư là gần hết. Do không có đường, thương lái không tìm đến mua, hoặc có mua cũng chỉ trả rẻ, do họ phải thuê người vác từng cây gỗ ra khỏi rừng, rồi lại quãng đường dài ra khỏi thôn. Bây giờ đường tốt, giá keo lên đến gần trăm triệu đồng/ha lại dễ bán hơn, do xe cơ giới vào đến tận chân rừng. Từ trồng cây keo mà anh Nhì trở thành hộ khá.
Toàn thôn Đài Van giờ không còn ai ở nhà tranh tre và 100% số hộ đã xây được nhà kiên cố. Có đường giao thông thuận tiện, bà con còn mở mang chăn nuôi vì vật nuôi dễ bán hơn. Trẻ em không trốn học mà chăm học hơn, nhiều em đã thi đỗ và đang theo học ở các trường đại học trong nước.
Ở thôn Nà Cam, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên từ năm 2016 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo cũng luôn duy trì 100%, cũng do trước đó, giao thông ở Nà Cam đi lại rất khó khăn. Năm 2017, Nà Cam có đường mới nối liền với xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Đây là con đường liên xã, liên huyện phát triển kinh tế giúp Nà Cam thay đổi một cách toàn diện. Có đường vào các khu rừng keo bán được giá hơn, bà con thu hoạch quế, hồi, thương lái ở Bình Liêu đến tận nơi thu mua. Nhiều người ở Nà Cam cũng năng động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ khác. Bà con tự xây nhà kiên cố, nhiều hộ mua được xe hơi để nâng cao đời sống.
Cổ nhân xưa có câu “Trâu ruộng bề bề, không bằng có nghề trong tay”. Nhiều người ở huyện Ba Chẽ trước đây nắm trong tay nhiều ha rừng, lẫn ruộng cấy nhưng vẫn nghèo vì không có nghề. Ngày nay, huyện đã phối hợp và mở được nhiều lớp dạy nghề, bà con khi có nghề trong tay đã tự tin hơn trong phát triển kinh tế. Theo lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Chẽ, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã mở được 61 lớp học nghề cho hơn 1.700 người. Tỷ lệ người có việc sau đào tạo đạt gần 95%.
Vậy là có đường, có nghề, người dân thêm tự tin và vững tâm hơn phát triển kinh tế. Nhiều người sau khi được đào tạo nghề, đã tự tạo được việc làm, có các nhóm học viên đã đứng lên tập hợp nhiều người thành các tổ làm kinh tế từ 15 đến 20 lao động/tổ và có thu nhập ổn định. Nhiều người không tìm được việc làm ở địa phương thì họ đến nơi khác để tìm việc vì đã có nghề, chứ không muốn trở lại làm hộ nghèo để được hưởng các khoản ưu đãi của nhà nước như trước đây.
Anh Vũ
- Bình Liêu: Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững
- Đầm Hà: Đa dạng hóa nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững
- Giảm nghèo bền vững: Chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao
- Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030
- Tăng tốc giảm nghèo bền vững
- Giúp nhau giảm nghèo bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()