Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:30 (GMT +7)
Người mù thời công nghệ...
Chủ nhật, 04/12/2022 | 13:57:14 [GMT +7] A A
Hiện nay, từ sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, nhiều người mù vẫn có thể đọc báo, sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính cho tới làm chủ doanh nghiệp... như người mắt sáng.
Cuộc sống giờ đây đang đổi thay từng ngày, công nghệ thông tin rất phát triển, con người nếu không chịu liên tục học hỏi sẽ bị tụt lại phía sau. Với những người mù thì sao? Ở trụ sở Hội người mù tỉnh, khi tôi đến tìm hiểu công việc của họ, để viết bài hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, tôi khá bất ngờ khi những hội viên tiếp xúc với tôi đều sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy vi tính như người mắt sáng.
Anh Nguyễn Văn Trưởng, nhân viên xoa bóp, tẩm quất tại đây không ngần ngại mở nhạc từ chiếc điện thoại thông minh của mình và hát tặng tôi một bài hát. Anh chia sẻ: “Những người trẻ tuổi như chúng tôi đều biết cách sử dụng vi tính từ chương trình dành cho người mù. Anh em đều thích học, nếu không được đến lớp thì học nhau. Các tính năng của điện thoại thông minh giúp chúng tôi giải khuây khi nhàn rỗi hoặc khi mệt mỏi. Chúng tôi còn đọc báo để biết được những tin tức trong tỉnh, trong nước...” Khi tôi giới thiệu tôi là nhà báo, anh Trường bảo anh đã đọc một số bài viết của tôi về hội người mù và nhiều bài báo khác nữa.
Khi người mù biết sử dụng máy vi tính thì các cơ sở có thể gửi văn bản cho nhau qua email. Máy vi tính của họ khi được cài phần mềm Jaws, phần mềm được hỗ trợ tiếng nói, có thể đọc chính xác hầu hết thông tin trên màn hình bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Phần mềm này còn hỗ trợ câu lệnh dùng phím tắt, giúp người khiếm thị có thể cài đặt và sử dụng hầu hết các chức năng của máy vi tính. Khi đã được học chữ Braill (chữ nổi cho người mù), thì họ học thêm bảng chữ cái tiếng Anh càng thuận lợi hơn.
Ông Trần Hữu Quảng, Chủ tịch Hội người mù tỉnh, nhận định: Người mù biết sử dụng máy vi tính cũng làm nhẹ gánh nặng của nhà nước đối với họ. Họ học các kỹ thuật nuôi trồng cây con được dễ dàng hơn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, phong trào văn nghệ của người mù trong tỉnh lên cao từ khi họ biết dùng máy vi tính. Trong những năm gần đây, đã có nhiều hạt nhân văn nghệ là người mù giành được giải cao trong các Hội thi tiếng hát người khuyết tật của tỉnh và trung ương.
Người mù không làm được nhiều nghề, càng không dễ thay đổi nghề, nghề truyền thống của phần lớn người mù là tẩm quất xoa bóp. Tuy nhiên, nhiều người mù làm các ngành nghề khác cũng khá thành đạt. Như chị Châu Thị Bông là Giám đốc Công ty TNHH MTV Diêu Bông. Đây là cơ sở hoạt động của người khuyết tật ở huyện Vân Đồn có 10 người mù và câm điếc. Công việc chủ yếu của họ là tẩm quất, xoa bóp và có thu nhập tạm ổn định.
Ở huyện Hải Hà có quỹ đất rộng nên rất ít hội viên người mù tham gia các dịch vụ xoa bóp tẩm quất. Hầu hết các gia đình hội viên nơi đây đều có ruộng đất, vì vậy họ phát triển trồng cấy, chăn nuôi phục vụ đời sống của mình.
Như hội viên Nguyễn Văn Khang, thôn 3, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà có mô hình “vườn, ao, chuồng”. Anh Khang từng là người mắt sáng, do tai nạn lao động khiến anh bị mù một bên mắt. Gia đình anh có mô hình “vườn, ao, chuồng”, hàng năm vợ chồng anh xuất chuồng khoảng trăm con lợn, lại cấy trồng thêm vài mẫu ruộng, nuôi cá nước ngọt, trồng keo, trồng chè có thu nhập tốt.
Còn anh Nguyễn Văn Thắc cũng ở xã Quảng Phong, có mô hình trồng ổi khoảng 1ha, anh phối hợp nuôi gần trăm con gà chạy đồi. Mô hình trồng cây, nuôi gà của anh Thắc khá hiệu quả, giúp anh hàng năm có khoản thu nhập kha khá từ bán ổi và gà.
Như vậy, dù cho bị khiếm thị nhưng nhiều người mù đã vượt lên hoàn cảnh, chịu khó học hỏi và làm việc với nhiều hoạt động phong phú, giúp ích cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()