Quảng Yên có những làng nghề mang đậm truyền thống, bản sắc văn hóa. Cha truyền con nối nhiều đời, tiếp tục giữ “lửa nghề" với nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo, một trong số đó là sản phẩm thuyền nan ở làng nghề Hưng Học (phường Nam Hòa). Ông Nguyễn Anh Sáu (khu 6, phường Nam Hòa) dành gần như cả cuộc đời để gìn giữ giá trị văn hóa ấy, để những sản phẩm thuyền nan đến với nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Gắn với nghề đan ngư cụ từ tấm bé, ông Nguyễn Anh Sáu vẫn nhớ như in những ngày cùng cha mẹ đan những sản phẩm thủ công phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản.
Hồi tưởng lại những ngày thơ ấu ấy, ông Sáu không khỏi bồi hồi: “Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Hưng Học, phường Nam Hòa, vùng đảo Hà Nam, nơi có truyền thống làm nghề đan thuyền nan và ngư cụ đánh cá. Thuở còn thơ bé, cùng cha mẹ học nghề, tôi vẫn chỉ nghĩ như một trò chơi của con trẻ ở những làng quê nghèo lúc bấy giờ. Tôi biết đan tất cả các loại lờ để đánh bắt tôm cá, như lờ bống, lờ trê, lờ cá nhệch, lờ cá rô; rồi đem khoe với các bạn cùng trang lứa, chứ chưa nghĩ đến việc tiếp nối truyền thống của gia đình cho đến tận bây giờ”.
Ông Nguyễn Anh Sáu giới thiệu sản phẩm truyền thống lờ đánh bắt cá của gia đình.
|
Theo những gì được truyền lại từ những bậc tiền bối, làng nghề đan ngư cụ Hưng Học được hình thành giữa thế kỷ XV, mang đặc trưng sông nước của vùng đảo Hà Nam. Cụ tổ nghề thuộc dòng họ Đặng, tên là Đặng Húy Đôn. Cụ Đôn vốn là người vùng Thanh Hà di cư về đảo Hà Nam sinh sống và mang nghề đan lờ đến vùng này. Kể từ đó nghề đan lờ xuất hiện và phổ biến ở đây.
Trong một giai đoạn, nghề đan lờ không được chú ý phát triển, cho đến tận đời thứ 9 mới được khôi phục trở lại gắn với tên tuổi của cụ Đặng Đức Sương. Lâu dần, đan ngư cụ và thuyền nan đã trở thành nghề truyền thống và được lưu giữ cho đến ngày nay.
“Thời trẻ, khu nhà tôi ở đông vui rộn ràng lắm, vì ai cũng đến học đan ngư cụ. Những đống nan tre chẻ nhỏ chất đầy trước mỗi hiên nhà để chờ bàn tay người thợ. Người già vừa đan lát vừa kể chuyện ngày xửa ngày xưa cho nhau nghe; người trẻ thì vừa làm vừa vui đùa, nói chuyện rôm rả. Ngày đó, cứ làm ra được sản phẩm nào là phấn khởi, vì đơn thuần gia đình có thêm thu nhập. Các sản phẩm làm xong được mang ra chợ bán, chứ không như bây giờ có người đến tận nơi thu mua” - Ông Sáu chia sẻ.
Những sản phẩm thuyền nan thủ công mỹ nghệ độc đáo của ông Sáu luôn có sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. |
Vừa thoăn thoắt vót những nan tre, ông vừa kể: "Những vui buồn cùng nghề, tôi lúc nào cũng nhớ như in. Nhiều năm trôi qua, trong tôi vẫn là những miền ký ức chưa bao giờ quên. Những ngày hè nắng chói chang, cha mẹ tôi vẫn tỉ mỉ ngồi đan lát, vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ thấy cha mẹ than phiền. Cũng nhờ nghề này, mà cha mẹ tôi có tiền đong gạo, nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành. Vì thế, khi lớn thêm một chút, bản thân hiểu rõ cái khó của nghề, về sự vất vả của mẹ cha, nên cứ thấy ai trong làng làm là mình đến tập tành làm theo và về nhờ cha mẹ uốn nắn thêm. Chính vì mình lúc đó đã có niềm yêu thích với nghề nên học nhanh lắm. Cho đến tận bây giờ, nghề này không chỉ là nghề kiếm thêm thu nhập, mà còn là quá trình gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình, của làng quê xưa”.
Theo ông Sáu thì thật may mắn cho bà con làng quê nơi đây, vì từ xa xưa đã hình thành, tạo lập nghề đan ngư cụ và thuyền nan để truyền lại cho các thế hệ sau. Những lúc khó khăn, nghề chính là kế sinh nhai cho gia đình ông cũng như người dân nơi đây. Vậy là mọi người cứ thế mà thi nhau học nghề, làm nghề. Có những thời điểm hút khách, làng nghề sáng đèn đến tận khuya.
Ông Sáu cho biết: “Gia đình tôi đã 10 đời theo nghề này. Mặc dù trải qua những thăng trầm, gặp nhiều khó khăn, chịu sức ép của thị trường, nhưng gia đình vẫn luôn mong muốn được làm nghề, giữ nghề, đưa những giá trị văn hóa truyền thống đó đến với thế hệ sau. Nhưng quả thật, giờ mà để sống với nghề thì rất khó, bởi đứng trước những sản phẩm công nghệ cao, tinh xảo, nghề làm thủ công này rất khó để cạnh tranh”.
Đứng trước thời cuộc, trước những biến động của thị trường, khi thị hiếu của người mua không chỉ là những sản phẩm mây tre đan đơn thuần, ông Sáu đã dày công sáng tạo, “thổi hồn” vào nghệ thuật, biến những chiếc thuyền nan xưa cũ thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Những chiếc thuyền nan thủ công mỹ nghệ đó đã trở thành món quà lưu niệm tinh xảo, đẹp mắt phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Ông Sáu đang làm mê thuyền - một công đoạn trong đan thuyền nan thủ công mỹ nghệ. |
Ý tưởng làm ra những chiếc thuyền nan nhỏ lưu niệm được ra đời năm 2011, khi du lịch làng quê ở Quảng Yên đang trên đà phát triển, thu hút được nhiều du khách thập phương và khách quốc tế. Trong những chuyến hành trình du lịch đó, du khách trong và ngoài nước đã được ghé thăm làng nghề đan ngư cụ Hưng Hòa và có được những trải nghiệm thú vị về cách tạo ra những sản phẩm thuyền nan đẹp, độc, lạ của gia đình ông Sáu.
Hiện thực hóa ý tưởng không phải điều dễ dàng. Khi bắt tay và chế tạo những chiếc thuyền nan mỹ nghệ, vừa đòi hỏi kiểu dáng, mẫu mã, nhưng vẫn phải mang dáng dấp của thuyền nan truyền thống; đó là điều làm ông nhiều lần trăn trở. Ông đã thử nghiệm từ những sản phẩm bằng mây tre đan, rồi dần dần thay đổi kích thước để hình thành nên một khuôn mẫu chung. Sau nhiều lần sáng tạo, tính toán kỹ lưỡng về kích thước, tháng 8/2011, những sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ lần đầu tiên được ra đời.
Mỗi sản phẩm thuyền buồm, ông Sáu phải kỳ công thực hiện từ 4-5 ngày mới hoàn thành. |
Các sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ được mô phỏng y hệt chiếc thuyền nan truyền thống. Quy trình chế tạo đều phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định, giống như làm thuyền nan truyền thống. Khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, phải chọn những cây tre già, đều màu, không bị cháy cật. Các khâu chẻ, vót nan đều phải đều tay. Sau đó dùng nan tre đan mê thuyền, rồi mang phơi khô, cạp lại. Thang thuyền được làm bằng gỗ, buộc bằng cước trắng, mái chèo bằng tre.
“Những sản phẩm thuyền nan lưu niệm nhẹ hơn so với thuyền nan truyền thống, nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao hơn, sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì để tạo nên một sản phẩm đẹp, độc đáo, bắt mắt. Điểm khác biệt là mê thuyền được đánh kỹ bằng giấy ráp, sau đó ngâm xử lý mối mọt rồi sơn bóng, thay vì đổ hắc ín như làm thuyền truyền thống. Để đảm bảo chắc chắn và đẹp mắt, các mối nối hoàn toàn dùng chốt hoặc các gờ để cố định. Tùy từng kích thước thuyền mà thời gian làm khác nhau, như thuyền nan bé mất khoảng 2 ngày, thuyền buồm khoảng 4-5 ngày, còn thuyền to gần cả tuần mới hoàn thiện” - ông Sáu chia sẻ
Sản phẩm thuyền nan mỹ nghệ được làm bằng tay, không hề qua khâu xử lý máy móc như các sản phẩm mỹ nghệ công nghệ cao khác, nhưng không vì thế mà sản phẩm mất đi tính nghệ thuật, tinh xảo. Giá bán từ 500.000 đến 4 triệu đồng/chiếc. Thuyền nan của ông được du khách đánh giá rất cao, được tiêu thụ khá lớn vào những dịp hè, ngày lễ, Tết.
Năm 2014, sản phẩm thuyền nan của ông Sáu được công nhận là sản phẩm OCOP; năm 2019 được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, cơ sở sản xuất của ông được hỗ trợ tem mác, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm. Cơ sở hiện trở thành điểm đến tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Những sản phẩm dân dã chứa đựng cái hồn của vùng quê xưa. |
Nghề truyền thống đã trải qua những thăng trầm, biến cố, nhưng những người như ông Sáu vẫn luôn giữ được “lửa nghề". Có những khi tưởng bị mai một, nhưng rồi tất cả khó khăn đều qua đi, nghề luôn đến với những con người gắn bó với nó, vẫn âm thầm tồn tại và phát triển. Xã hội ngày càng phát triển, máy móc dần thay thế những đồ thủ công “hand made”, nhưng ở một khía cạnh nào đó, những gì mộc mạc, dân dã bởi cái cốt, cái hồn của những vùng quê xưa vẫn còn mãi với thời gian. Trong từng sản phẩm đó chứa đựng công sức, tâm huyết của người thợ luôn muốn tạo ra những sản phẩm lưu giữ nét đẹp của làng quê Việt xưa.
Đồ họa: Đỗ Quang
Ý kiến ()