Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:53 (GMT +7)
Người lính "mũ nồi xanh" trở về từ Nam Sudan
Thứ 2, 11/12/2023 | 07:37:45 [GMT +7] A A
Trải qua nhiệm kỳ công tác 14 tháng ở Nam Sudan (châu Phi), Trung úy QNCN Nguyễn Đức Hiệp (SN 1995, Bộ CHQS tỉnh) không thể nào quên được miền ký ức trở thành người lính “mũ nồi xanh” - những đại sứ của hòa bình và tình hữu nghị, gánh vác trọng trách giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc.
Cuộc sống ở quốc gia Đông Phi
Trung úy Nguyễn Đức Hiệp nhớ lại, tháng 12/2020 anh đang làm việc thì nhận thông báo được tuyển chọn vào công tác tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Dù đã nghe nhiều đến quốc gia Đông Phi, nơi có hơn 13 triệu dân, người dân đang phải đối mặt với các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và dịch bệnh, anh vẫn chưa thể hình dung được bản thân sẽ làm những gì ở đó. Tuy nhiên, khi Tổ quốc gọi tên, anh sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Những ngày sau đó, anh nhanh chóng thu xếp công việc, chuẩn bị hành trang cho hành trình mới ở phía trước; trong đó có không ít quần áo cũ quyên góp được từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân dành tặng cho những người dân nghèo khó ở đất nước xa xôi. Rời đơn vị, anh được tham gia khóa học tiếng Anh, đào tạo nghiệp vụ hơn 1 năm trước khi sang Nam Sudan.
Bên cạnh những kỹ năng sinh tồn, cấp cứu hàng loạt, bom đạn… được huấn luyện, anh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về đất nước này qua thông tin, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một vùng đất người dân sống trong nghèo đói, khổ cực, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột phe phái và bất ổn chính trị. Song chỉ khi đặt chân đến Nam Sudan, “mục sở thị” cuộc sống nơi đây, anh mới hiểu hết được ý nghĩa nhiệm kỳ công tác của mình tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Nam Sudan trên cương vị nhân viên điện, nước.
Trung úy Hiệp kể: Ngày đầu tiên đặt chân đến Bentiu, một thành phố của Nam Sudan, nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam nhận nhiệm vụ, việc chênh lệch múi giờ 5 tiếng so với Việt Nam khiến những ngày đầu thích nghi khó khăn. Thời tiết rất khắc nghiệt. Bentiu ban ngày nhiệt độ lên đến 50 độ C, nhưng ban đêm chỉ khoảng 16 độ. Độ ẩm thấp, nên vào mùa khô, trời cực hanh và nóng. Mùa mưa thì thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều. Đường sá đi lại chủ yếu là đường đất sình lầy, di chuyển rất vất vả. Đặc biệt, nơi đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm bạo lực, nên người dân luôn có sẵn súng đạn bên mình. Bệnh viện thì được bao bọc bởi những hàng gây thép gai chi chít. Mỗi khi chúng tôi ra ngoài đều phải có đồng đội đi cùng để đảm bảo an toàn.
Môi trường khắc nghiệt. Đời sống sinh hoạt thiếu thốn. Cộng với đó, dịch sốt rét ở đây vẫn còn, nên các quân nhân phải thường xuyên phun khử trùng, uống thuốc phòng chống bệnh. “Trước khi lên đường, mỗi người chúng tôi đã được tiêm các loại vắc-xin phòng chống dịch bệnh. Những ngày làm nhiệm vụ ở vùng đất đầy khắc nghiệt, chúng tôi phải thường xuyên uống thuốc phòng bệnh hằng ngày và uống theo tuần vào mỗi thứ 6. Dù chúng tôi uống thuốc đầy đủ, nhưng nhiều người vẫn mắc bệnh sốt rét, trong đó có tôi” - Trung úy Hiệp tâm sự.
Đoàn công tác của Nguyễn Đức Hiệp lần đó có tất cả 63 thành viên, tuổi đời trung bình còn rất trẻ. Lứa tuổi dễ thích nghi lại háo hức học hỏi và khám phá cái mới, nhất là dám đương dầu với những thử thách ở vùng đất Nam Sudan. Tất cả đề ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình để nỗ lực vượt qua khó khăn, dần hòa nhập với cuộc sống bản địa và làm tròn nhiệm vụ được giao.
Tinh thần Việt trên đất bạn
Với cương vị là nhân viên điện nước, Trung úy Nguyễn Đức Hiệp đã tham gia duy tu, bảo trì, bảo dưỡng và vận hành hệ thống điện, nước cho toàn bộ khu vực Bệnh viện dã chiến. Đồng thời cùng với các quân nhân khác hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, tham gia xây dựng cơ sở vật chất Bệnh viện, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống anh em…
Giữa mảnh đất châu Phi nóng rát da thịt, khô cằn sỏi đá, những người lính “mũ nồi xanh” đã bắt tay vào ươm thêm những mầm xanh. Những vạt đất trống quanh khuôn viên Bệnh viện dần được phủ xanh bởi các loại rau xanh, củ quả do họ tự tăng gia, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm sạch cho toàn bộ Bệnh viện vào các mùa trong năm.
Trung úy Hiệp cho biết: “Trước khi sang, chúng tôi mang rất nhiều hạt giống cây. Chúng tôi đã ươm chúng thành những cây con và mang đi trồng tại Bệnh viện, các trường học, đơn vị, cơ quan địa phương, nhằm mục đích lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và phủ xanh vùng đất khô cằn này cho học sinh và người dân địa phương. Nhìn ánh mắt hân hoan và nụ cười hạnh phúc của người dân nơi đây càng thôi thúc chúng tôi thực hiện thêm nhiều những hoạt động có ý nghĩa, giúp đỡ người dân nước bạn”.
Người dân Bentiu còn nghèo đói, dân trí thấp. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, chỉ trông chờ vào trợ cấp của Liên Hợp Quốc. Bởi vậy những người lính “mũ nồi xanh” đã cùng nhau tổ chức các chuyến từ thiện tặng quà, sách vở, quần áo và tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao với người dân bản địa. Thành công của các hoạt động đã gây dựng được lòng tin với người dân Nam Sudan cũng như đồng nghiệp quốc tế tại phái bộ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc. Đồng thời lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của người lính Cụ Hồ đến với bạn bè quốc tế.
“Một trong những điều ý nghĩa nhất với tôi là được khoác lên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc trên đất bạn trong suốt hành trình vừa qua. Nhìn những gương mặt vui mừng, hạnh phúc của người dân, nghe họ hô vang hai chữ Việt Nam rồi reo hò nhảy múa, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào” - Trung úy Hiệp nói.
Là người lính sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, Nguyễn Đức Hiệp có cơ hội chứng kiến tận mắt sự nghèo đói, khổ cực của người dân ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột phe phái và bất ổn chính trị. Chuyến công tác hiếm có, khó quên đã khiến anh càng thêm trân trọng hơn những điều mà thế hệ cha ông đã không tiếc thân minh hy sinh để giành lại. Anh tự hứa với lòng mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa và nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để góp phần sức nhỏ bé của mình giữ gìn hòa bình, xây dựng Tổ quốc ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Cộng hòa Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập ngày 9/7/2011, là quốc gia nghèo nhất châu Phi, người dân khốn khổ và oằn mình bởi hậu chiến, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán. Ngày 8/7/2011, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan được thành lập có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế cho Nam Sudan. Đồng thời có nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ nước này hạn chế xung đột, bảo vệ người dân. Năm 2018 Việt Nam đã tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và nhận nhiệm vụ thành lập các bệnh viện dã chiến cấp 2. |
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)
Hoàng Anh
Liên kết website
Ý kiến ()