Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:46 (GMT +7)
Người lao động đắn đo trước 2 phương án hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Thứ 7, 04/11/2023 | 14:12:10 [GMT +7] A A
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Một số lao động quyết định rút trước khi luật được thông qua, nhưng cũng có trường hợp đồng tình với phương án cho rút 50%, giữ lại 50%, vì sợ mất lương hưu khi về già.
Đắn đo rút BHXH một lần
Chị Nguyễn Thị Nhâm (42 tuổi, quê ở Nghệ An) hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) có thời gian đóng BHXH được 14 năm. Công việc hàng ngày của chị Nhâm ở bộ phận lắp ráp máy in, nhưng gần đây công ty ít việc nên thời gian nghỉ tới 70%. Chồng chị Nhâm mất sớm, toàn bộ cuộc sống của 3 mẹ con phụ thuộc vào thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng. Chị Nhâm ở trong khu nhà ở dành cho công nhân với giá thuê 40.000 – 50.000 đồng/tháng để có thể tiết kiệm, tích cóp 2 – 3 triệu đồng để gửi về quê cho ông bà nuôi 2 con ăn học.
Chị Nhâm cho biết, gần đây cũng có nhiều người lao động băn khoăn việc rút hay giữ lại BHXH một lần. Nguyên nhân chị Nhâm muốn rút BHXH 1 lần vì đã làm ở công ty lâu, ở tuổi 42, năng suất lao động không bằng lớp trẻ. Mặc dù điều kiện môi trường khá tốt như bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng, phong phú, vệ sinh, nhưng công việc khá vất vả.
“Nếu làm việc đến 55 tuổi được về hưu, khi đó thời gian đóng BHXH của tôi cũng được hơn 25 năm thì còn cố gắng. Tuy nhiên, luật quy định 60 tuổi mới được về hưu, lúc đó tôi không thể làm việc nữa và phải chờ gần 20 năm tới mới được lĩnh lương hưu, nên tôi muốn xin nghỉ việc và lĩnh BHXH một lần”, chị Nhâm chia sẻ.
Một nguyên nhân khác khiến chị Nhâm muốn nghỉ việc trong năm 2023 là vì chị “nghe nói” nếu năm sau nghỉ, chị sẽ không được lĩnh 100% BHXH một lần mà chỉ được lĩnh 50% do chính sách thay đổi. Nhưng ngoài quy định này đang được Chính phủ đề xuất thì chị Nhâm không hề biết có nhiều chính sách khác đảm bảo cho quyền lợi của người tham gia BHXH lúc về già – không còn đủ sức lao động cũng đang được thay đổi, nhằm mang lại quyền lợi cho người lao động. “Tôi thấy các chị em ở công ty lứa tuổi trung niên đã nghỉ nhiều lắm, phải tới 70%. Còn tôi cũng đang suy nghĩ vì có người bảo làm tiếp, có người lại bảo nghỉ để hưởng BHXH 1 lần”, chị Nhâm chia sẻ.
Bài toán việc làm và rút BHXH một lần đang được đặt ra với chị Nhâm cũng như không ít lao động thời điểm này. Nếu chị Nhâm không chốt sổ mà chờ đến tuổi nghỉ hưu 60 tuổi để lĩnh là một thời gian chờ đợi quá dài, nếu lĩnh sớm thì chị sẽ bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Nếu đi làm ở công ty khác thì công việc chân tay như chị thì lương khởi điểm chỉ khoảng 5 triệu/tháng, thấp hơn lương hiện tại, do đó mức đóng BHXH cũng thấp, và sau này lương hưu cũng thấp… Điều này cho thấy chị Nhâm đã có tìm hiểu và suy nghĩ, cân nhắc.
Cùng chung suy nghĩ, chị Hà Diệu Linh (Tây Hồ, Hà Nội), đang làm văn phòng tại một doanh nghiệp chia sẻ về quá trình gần 15 đóng BHXH với mức khởi đầu đi làm chỉ 800.000 – 900.000 đồng/tháng, hiện lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với những người làm tại doanh nghiệp, tính lương hưu được chia bình quân cả quá trình đóng. Như vậy, tiền thực lĩnh lúc về hưu sẽ thấp. Do đó, chị Linh muốn rút BHXH một lần để sau đó đóng lại để bình quân mức lương sau này sẽ cao, khi đó cũng vừa đến độ tuổi nghỉ hưu là vừa.
Còn chị Võ Thị Trang, 24 tuổi, phường Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) vừa mới xin nghỉ tại một đơn vị du lịch chuyển sang làm công nhân. Trong giai đoạn nghỉ việc, sau khi lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, chị Trang đã rút BHXH một lần được 12 triệu đồng.
“Một phần tôi đang cần tiền giải quyết việc gia đình, một phần thì chính sách cũng thay đổi nên tôi chủ động rút trước. Sau khi đi làm lại, tôi lúc đó tôi sẽ tính tham gia BHXH dài hơn nhưng cũng mong hạ độ tuổi được lĩnh lương hưu xuống. Người lao động, nhất là lao động nữ khó mà làm đến 60 tuổi mới nghỉ hưu”, chị Trang chia sẻ.
Đưa ra hai phương án
Hiện nay, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi Chính phủ trình Quốc hội đang đề xuất hai phương án hưởng BHXH một lần.
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1: Người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì vẫn được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại dược bảo lưu để người lao động tiếp tực tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nêu rõ nhiều nước hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, tránh áp lực lên ngân sách về lâu dài. Do vậy, ông đề nghị hạn chế rút một lần theo lộ trình, từng bước.
Cùng với đó, ông đánh giá nhiều người sai lầm khi suy nghĩ rút bảo hiểm xã hội một lần rồi gửi ngân hàng lấy lãi. Bằng chứng là có lao động nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần) khi lãi suất ngân hàng tới 12%, sau đó tiêu hết tiền, về già không có thu nhập, phải vất vả mưu sinh.
Không hoàn toàn nhất trí với phương án nào trong đề xuất của Chính phủ, ông Phạm Minh Huân cho rằng ngành bảo hiểm xã hội cần minh bạch thu chi, đầu tư có lãi, đảm bảo trượt giá, sinh lời an toàn, tạo cảm giác an tâm cho người lao động để họ không rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần có chính sách tín dụng để lao động vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, ngăn chặn tín dụng đen, giúp người lao động lúc khó khăn.
Về hướng giải quyết chế độ 50% tổng thời gian đóng BHXH được bảo lưu sau khi đã rút BHXH một lần, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết nếu người lao động tiếp tục đi làm và đóng BHXH thì thời gian bảo lưu sẽ được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ chế độ với quyền lợi cao hơn, như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp... Nếu đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đóng đủ 15 năm BHXH, người lao động có thể tiếp tục rút BHXH một lần; tham gia tiếp BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hàng tháng. Cơ quan soạn thảo đang đề xuất hai phương án tính mức hưởng trợ cấp hàng tháng đúng bằng khoản tiền người lao động rút BHXH một lần hoặc tổng tiền đã đóng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()