Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:37 (GMT +7)
“Người kiểm tu” Tô Ngọc Hiến
Chủ nhật, 20/08/2023 | 16:47:04 [GMT +7] A A
Tô Ngọc Hiến đã dành cả cuộc đời cầm bút của mình để viết về vùng than, nơi ông cùng những người thợ mỏ từng đổ mồ hôi để cho những tấn than ra.
Nhà văn Tô Ngọc Hiến tên thật là Bùi Thượng Hiến sinh ngày 18/6/1942 mất ngày 1/3/1998. Ông sinh ra và lớn lên tại Nam Định nhưng lập nghiệp và thành danh ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ông là tác giả của các tác phẩm tiêu biểu như: “Người kiểm tu” (tập truyện ngắn, 1974), “Mùa hoa sim cuối cùng” (tập truyện ngắn, 1978), “Mùa than trôi” (tập truyện ngắn, 1982), “Hãy cho tôi sống lại” (tiểu thuyết, 1988), “Trên bến bờ riêng khuất” (truyện vừa, 1992), “Đứa con của hồng thuỷ” (truyện vừa, 1996), “Giọt lệ Hạ Long” (kịch bản phim).
Ông cũng đã được trao tặng một số giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với tác phẩm “Người kiểm tu”; giải Văn học công nhân với tập truyện ngắn “Mùa than trôi”, giải nhất Văn nghệ Hạ Long với tiểu thuyết “Hãy cho tôi sống lại”...
Nhân vật trong sáng tác của nhà văn Tô Ngọc Hiến là những người thợ mà hầu như chỉ là những người thợ mỏ. Cụ thể là thợ cơ khí, lái xe vận chuyển than đất trên tầng. Thế giới nhân vật của ông là những người xưng “tôi” - nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít. Đó là những ông Đùng, ông Tạc, anh Long... có sự đa dạng về tính cách với chi tiết sống động, chân thực.
Trong văn Tô Ngọc Hiến, cho đến hơi thở cuối cùng người thợ lò vẫn giữ được bản chất không bao giờ thay đổi của người thợ: “Thế rồi thầy tôi khuỵu xuống như một cây gỗ chống lò không còn đủ sức chống đỡ chịu đựng nữa. Thầy tôi ốm thập tử nhất sinh lăn từ trên giường xuống đất gầm gừ giãy giụa như con thú sa vào bẫy. Rồi thầy tôi liệt giường liệt chiếu, cái ngực trần trụi chỉ còn thấy hai cái xương quai xanh sổ ra bắt chéo vào nhau. Cái lưng rộng phình ra dán xuống cánh phản. U tôi tưởng thầy tôi không có ngày còn đứng dậy vác cái búa xách cái đèn lùi lũi ra đi lùi lũi trở về được nữa” (Ký ức người cha).
Những giá trị văn học mà ông đóng góp cho văn học Vùng mỏ nói riêng và cho văn đàn cả nước nói chung sẽ được lưu giữ lâu bền. Là một trong những nhà văn sống và viết tại Vùng mỏ, Tô Ngọc Hiến đã có hàng loạt các tác phẩm về nghề khai thác than, cuộc sống của người thợ lò. Nhận xét về tác phẩm văn học của nhà văn Tô Ngọc Hiến, sinh thời nhà văn Lý Biên Cương đánh giá: “Đọc văn anh, thấy ngồn ngộn máu thịt một giọng riêng, một tư duy riêng, văn chứa đầy hơi thở của sự sống, như xẻ da thịt để viết...”.
Nhà văn Tô Ngọc Hiến đã sống tận tâm với nghề, tận hiến với nghiệp để gửi cho đời những trang viết thấm đẫm tình yêu với con người và mảnh đất “vàng đen” này. Năm 1972, khi mới ngoài 30 tuổi, ông đã được bạn đọc cả nước biết đến khi được nhận Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với tác phẩm “Người kiểm tu”.
Sau này, dù tiếp tục có nhiều sáng tác mới, xuất sắc, nhận được nhiều giải thưởng khác, nhưng độc giả, bạn văn chương, các nhà phê bình, khi nhắc đến ông thường gọi: Tô Ngọc Hiến - Người kiểm tu. Truyện ngắn “Người kiểm tu” phản ánh trực diện về người công nhân mỏ trong khí thế của thời kì xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Bằng cảm quan, niềm tin mạnh mẽ vào cái tốt, cái thiện luôn lấn át cái xấu, Tô Ngọc Hiến đã giúp chúng ta có được một truyện ngắn hay, một nhân vật hay đại diện cho thời đại ấy với cái tên dung dị chỉ vùng đất than mới có “Người kiểm tu”.
“Cụm từ “Người kiểm tu” không chỉ dừng lại ở một công việc cụ thể của người làm mỏ, mà như một phép chơi chữ tạo ra sức lôi cuốn đặc biệt của truyện ngắn này”. Truyện ngắn “Người kiểm tu” cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội.
Ở “Người kiểm tu”, Tô Ngọc Hiến đã khắc họa một cách sinh động hình tượng người công nhân mỏ: Giản dị, chân thật nhưng cũng không kém phần trí tuệ, giàu khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế của mình. Bằng con mắt tinh anh, nhà văn đã nhìn ra những tệ nạn tham ô, móc ngoặc, sự đối lập của sáng và tối, sang và hèn. Nỗi tự vấn lương tâm khi cái xấu luôn lăm le đe dọa cái tốt được thể hiện đậm nét.
Dù được viết cách đây gần nửa thế kỉ, nhưng nhận định của nhà văn: “...Chưa thể hết những cái bu lông và cả những con người lỏng lẻo...” là hiện thực vẫn hiện diện ở mọi thời đại khi con người vẫn sống với lòng tham, vẫn luôn muốn mang của chung về làm của riêng. “Liệu mỗi con người có thấy được cái lơi lỏng của mình mà tu sửa lại được hay không?” vẫn còn là một câu hỏi lớn về ý thức trách nhiệm của người thợ mỏ cũng như mỗi người lao động nói chung.
Không riêng gì trong truyện ngắn kể trên, nhà văn Tô Ngọc Hiến sống ở mỏ nên có cách khắc họa nhân vật rất sống động. Các truyện như: “Chuyện riêng của chị Bờ”, “Mùa than trôi”, “Mùa hoa sim cuối cùng”, “Những cái pan khác nhau”, “Hãy cho tôi sống lại”... mang vẻ đẹp riêng của người làm mỏ. Các nhân vật mang vẻ chân chất, cái chất của người thợ mỏ trung thực, hồn hậu và cũng vô cùng ám ảnh người đọc về phận đời, phận người của Vùng mỏ. Ở góc này hay góc kia, nhà văn Tô Ngọc Hiến đều chắt chiu ngôn ngữ giàu hình tượng để khắc họa người Vùng mỏ trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nói về nhà văn Tô Ngọc Hiến, sinh thời, nhà thơ Trinh Đường, biên tập viên Nhà Xuất bản Văn học, nhận định: “Những cây bút viết về công nhân nói chung, về thợ mỏ nói riêng ở Quảng Ninh trước hết phải kể đến Tô Ngọc Hiến”. Nhà văn Lý Biên Cương đã viết về nhà văn Tô Ngọc Hiến: “Viết nhân vật là thợ thì phải thật thợ từ lời ăn tiếng nói không pha tạp, không giả cầy. Anh lo cho từng câu từng trang viết kĩ càng khó tính như người thợ kim hoàn trước một thỏi vàng lớn phải tách ra từng mảng nhỏ rồi phải tỉ mỉ chạm đục thành những mĩ phẩm riêng biệt. Đọc văn anh thấy ngồn ngộn máu thịt một giọng riêng một tư duy riêng văn chứa đầy hơi thở của sự sống như xẻ da thịt để viết không thể lẫn Tô Ngọc Hiến với ai”.
Trong các truyện của nhà văn Tô Ngọc Hiến, truyện ngắn nào cũng hiện lên vẻ đẹp lấp lánh phẩm chất người thợ - những con người chất phác, hồn hậu, dám sống, dám chết vì những điều mà họ tin tưởng, kỳ vọng. Vì thế, cho đến giờ, những tác phẩm về Vùng mỏ của ông vẫn nóng hổi hơi thở của cuộc sống.
Ở loại hình tiểu thuyết cũng vậy. “Hãy cho tôi sống lại” là cuốn tiểu thuyết đã mang lại cho nhà văn Tô Ngọc Hiến giải thưởng Văn nghệ Hạ Long. Nhân vật chính, một người có học vị, say mê nhiệt huyết với vùng than, mong được góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Vùng mỏ nhưng lại bị lạc lõng, trở thành con quạ trắng giữa cuộc sống bộn bề của sự ti tiện, hẹp hòi.
Mặc dù vậy, cuốn tiểu thuyết thể hiện niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời, cái tử tế át cái khốn nạn. Nhà văn xót xa, đồng cảm cho nhân vật chính nhiều lý tưởng, hoài bão, đồng cảm, lo toan cho con người và cuộc sống, lao động đất mỏ.
Nhưng cũng như nhiều trường hợp, bằng niềm tin cuộc sống nhà văn Tô Ngọc Hiến luôn mang lại cho độc giả sự lạc quan: “Xét cho cùng trên mảnh đất của chúng ta, những loài sâu bệnh và những cây cỏ độc cũng chỉ có cơ may phát triển được một thời gian mà thôi. Đợt sinh hoạt chính trị phê và tự phê bình trong đảng bộ cơ sở và địa phương trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 sẽ là một cuộc sàng lọc lại đội ngũ những người cộng sản...”.
Như vậy, nhà văn đã có những dự báo đi trước. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, thực tiễn đã chứng minh những dự báo của nhà văn Vùng mỏ nhà văn Tô Ngọc Hiến. Tác phẩm của ông vẫn được người đọc nâng niu dù ông đã lìa xa cõi thế. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, nhận xét: “Và như vậy, nhà văn không chỉ sở hữu gia tài những truyện ngắn tài hoa nhân hậu về người và đất Vùng mỏ, mà còn là một tiểu thuyết gia vạm vỡ của nền văn học Việt Nam sung sức ở thập niên 80 của thế kỉ trước”.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()