Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Người Haraza sống trong sợ hãi ở Afghanistan
Thứ 5, 26/08/2021 | 20:03:19 [GMT +7] A A
Trải qua hàng thập kỷ chịu áp bức từ nhiều thế lực, người Haraza giờ đây đứng trước nguy cơ bị lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban tấn công.
Cộng đồng người Haraza, đa số theo Hồi giáo dòng Shiite, trải qua những vụ tấn công tàn nhẫn nhất trong lịch sử Afghanistan. Giờ đây, nhóm người này lo ngại về nguy cơ bị đàn áp đến từ Taliban, theo Hồi giáo dòng Sunni, sau khi lực lượng này nắm chính quyền ở Afghanistan, theo AFP.
Người Haraza sống ở vùng núi trung tâm Afghanistan. Họ được cho là con cháu của lực lượng xâm lược Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy vào thế kỉ 13.
Cộng đồng người Haraza chiếm 10%-20% trong tổng số dân Afghanistan (38 triệu người) và chịu nhiều phân biệt đối xử thời gian qua.
Qua nhiều thế kỷ, người Haraza phải trải qua ách nô lệ, bị đàn áp về kinh tế lẫn tự do tôn giáo, và thanh lọc sắc tộc. Theo ước tính, hơn nửa số người Haraza bị giết hại vào cuối thế kỷ 19. Trong đó, nhiều người bị bắt thành nô lệ trong cuộc chinh phạt của người Pashtun, dân tộc đông nhất Afghanistan.
Khi Taliban nắm chính quyền ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001, hàng nghìn người Haraza được cho là bị những phần tử quá khích của lực lượng này giết hại.
Một trong những lý do người Haraza bị đàn áp là vì tín ngưỡng của mình. Từ lâu, người Hồi giáo dòng Sunni đã khinh miệt những người theo dòng Shiite, cho rằng họ là dị giáo.
Bên cạnh đó, nhóm người này còn là đồng minh thân thiết của Iran. Hàng vạn người Haraza đã di dời sang nước này vì mục đích kinh tế, làm những công việc lao động chân tay.
Nhiều người Haraza được lực lượng an ninh Iran huấn luyện và tham gia vào cuộc nội chiến Syria cùng quân đội Shiite trong thập kỷ qua.
Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif gọi những chiến binh Haraza là "lực lượng quân sự mạnh nhất", có thể chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan.
Sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Taliban vào năm 2001, cuộc sống của người Haraza bắt đầu được cải thiện.
Trẻ em, đặc biệt là các bé gái, được đến trường. Bên cạnh đó, người Haraza được làm việc và tham gia chính trường.
Tuy nhiên, những lợi ích đó vẫn chưa đủ để bù đắp lại sự chèn ép của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan. Những thành phần đánh bom liều chết tấn công vào thánh đường, trường học và bệnh viện ở Dasht-e-Barchi, khiến hàng trăm người tử vong.
Khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào hè năm nay, nhiều người trong cộng đồng này đã bắt đầu tự trang bị vũ trang. Tại Tỉnh Wardak, một lực lượng dân quân nhỏ đã bắt đầu chiêu mộ và huấn luyện người Haraza để có thể chống lại các thế lực bên ngoài.
Tuy rằng Taliban hứa hẹn sẽ không cai trị hà khắc như hồi thập niên 1990, lực lượng này đã phá hủy đầu của tượng thủ lĩnh Haraza chỉ vài ngày sau khi giành quyền kiểm soát ở phần lớn Afghanistan.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()