Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 11:22 (GMT +7)
Người "giữ lửa" làn điệu hát giao duyên
Chủ nhật, 05/11/2023 | 13:31:00 [GMT +7] A A
Dù đã ở tuổi 78 nhưng Nghệ nhân Ưu tú Dương Thị Gái - vẫn luôn say mê và nhiệt huyết với việc sưu tầm, phổ biến các làn điệu hát giao duyên trên vịnh Hạ Long mà cha ông đã để lại.
Đến tổ 5, khu 2, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, chúng tôi được gặp nghệ nhân ưu tú Dương Thị Gái, người còn lưu giữ nhiều làn điệu hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Bà Gái năm nay đã 78 tuổi nhưng giọng hát còn trong, khỏe. Nghe chúng tôi nhắc về hát giao duyên, hát đám cưới trên biển xưa, mắt bà như ánh lên niềm vui, khuôn mặt rạng rỡ nhớ về một miền ký ức đẹp đẽ. Bà còn cao hứng ca ngay làn điệu hát đối.
Bà Gái kể: Trước nhà tôi sống trên biển, ở tổ 3, thôn Cửa Vạn, phường Hùng Thắng trên Vịnh Hạ Long. Hát giao duyên dù chỉ truyền miệng nhưng tất cả đã ăn vào máu thịt của chúng tôi. Từ bé tôi lớn lên trên chiếc võng đưa nôi và những câu hát giao duyên của bà và mẹ, những câu hát đó đã nuôi dưỡng tôi theo tháng ngày. Khi lớn, câu hát giúp giải khuây, tìm bạn đời. Ông bà, bố mẹ tôi đều tìm hiểu nhau và nên vợ thành chồng qua những câu hát giao duyên của người dân vùng biển Hạ Long.
Khi 11 tuổi, bà Gái bắt đầu biết tới hát giao duyên. Cho tới khi 15 tuổi, bà Gái bắt đầu được người thân, họ hàng truyền dạy một số bài hát giao duyên, hát đám cưới cổ truyền. Người thầy đầu tiên chính là người mẹ, người đã dạy dỗ những điệu hát cơ bản... Không chỉ vậy, bà còn được học nhiều điệu hát từ các chị, em gái, bạn bè đặc biệt là người cậu - Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Hưu, "kho tri thức" lưu giữ nhiều điệu hát giao duyên cổ của ngư dân.
Bà Gái kể, khi còn trẻ, bà đã có nhiều dịp đi hát giao duyên trên biển với một số làng chài Hà Nam (Quảng Yên), Phả Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng)... Thường vào mùa hè khi gió nồm Nam sóng to, trai gái làng chài đi làm trên biển tập trung rất đông ở Ba Hang hát giao duyên đối đáp với trai gái các làng chài khác.
"Có những canh hát thâu đêm suốt sáng. Một điều đặc biệt và có lẽ là khả năng trời phú cho là tôi có trí nhớ rất tốt nên chỉ nghe một - hai lần là tôi có thể nhớ rất nhanh và kỹ. Vì thế mà tôi từng tự "bật" ra, sáng tạo thêm được một số lời hát khi giao lưu với các làng chài khác..." - bà Gái kể.
Với vốn hát phong phú, niềm đam mê gìn giữ, truyền dạy nét đẹp tổ tiên đã trao truyền, năm 2006, khi thành lập Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, bà Gái cùng Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Hưu đã truyền dạy cho hàng chục bạn trẻ là con cháu ngư dân làng chài thực hành lối hát giao duyên. Nhiều người được Ban Quản lý vịnh Hạ Long ký hợp đồng lao động làm việc tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn để tham gia trình diễn hát giao duyên cho du khách.
Những đóng góp của mình, bà Gái được Chủ tịch nước tặng bằng khen, công nhận Nghệ nhân Ưu tú tháng 9/2022. "Cũng có những mai một, những lãng quên với nghệ thuật hát của ngư dân. Cuộc sống vất vả ở làng chài, chăm sóc gia đình, làm ăn trên biển vất vả khiến tôi lãng quên rất nhiều lời ca tiếng hát. Cũng có lúc tôi ghi chép lại những vốn quý đó nhưng lại thất lạc. Vì thế, điều tôi mong muốn, có thêm nhiều cách truyền dạy để thế hệ trẻ gìn giữ phát huy vốn quý này" - bà Gái chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()