Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Người “giữ hồn” văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 2, 14/02/2022 | 07:00:28 [GMT +7] A A
“Tôi là người dân tộc Sán Dìu, lớn lên bởi những văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào mình nên hơn ai hết, tôi yêu và luôn đau đáu với tâm nguyện phải làm thế nào để giữ mãi những giá trị truyền thống đó cho thế hệ sau này” - Đó là lời tâm sự của chị Ân Thị Thìn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, chủ biên của một loạt cuốn sách về văn hóa, luật tục đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Dao, Sán Chỉ ở Quảng Ninh. Các cuốn sách là tư liệu quý giá, phác thảo đầy đủ, rõ nét về cộng đồng, gia đình, dòng tộc, tín ngưỡng, văn hóa truyền thống, luật tục của đồng bào, góp phần lưu giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của cộng đồng người DTTS trên địa bàn tỉnh.
Tình yêu bản, làng viết nên những trang sách
Cuộc hẹn gặp của tôi với người phụ nữ Sán Dìu đầy tâm huyết với văn hóa đồng bào DTTS diễn ra khi những “đứa con tinh thần” của chị đã được chuyển đến tận tay cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số sở, ngành và lưu giữ tại Thư viện tỉnh, thư viện địa phương, các nhà văn hóa thôn, bản, trụ sở UBND xã, trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Người phụ nữ ngoài 40 tuổi giản dị, gần gũi với ấn tượng là đôi mắt sáng, đầy nhiệt huyết ấy tâm sự: “Ý định xuất bản một cuốn sách về văn hóa đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu đã được manh nha trong tâm trí tôi từ đầu những năm 2010. Song vì điều kiện chưa cho phép nên mới chỉ tập trung ghi lại các văn hóa, luật tục của người Dao, Sán Chỉ".
"Thai nghén” gần 2 năm, "đứa con tinh thần" ra đời trong sự thỏa nguyện của tác giả và các cộng sự. Đó là một hành trình khá dài, không chỉ riêng về vấn đề thời gian, mà còn là sự công phu, tâm huyết của nhiều người, nhất là các cụ cao niên, thầy mo, thầy cúng, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Từ đó, tập hợp trọn vẹn nhất những nét văn hóa, luật tục của đồng bào các dân tộc để giới thiệu, quảng bá và lưu giữ, truyền lại cho con cháu mai sau.
Khoe với tôi những quyển sách, chị nói: Có 4 quyển tất cả, một cuốn dày là sách chuyên khảo, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, có tên là "Vai trò của Luật tục người Dao, Sán Chỉ ở Quảng Ninh trong quản lý và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững"; 3 cuốn còn lại mỏng hơn, chỉ khoảng hơn 100 trang, nội dung mang tính tuyên truyền về hệ thống các luật tục tốt đẹp, có giá trị văn hóa cần được lưu truyền, bảo tồn và những luật tục là hủ tục đang được cộng đồng các dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y, Sán Chỉ ở Quảng Ninh loại bỏ.
Mỗi cuốn sách ngoài giới thiệu về khái quát từng tộc danh, dân số, phân bố dân cư còn miêu tả chi tiết về nghề nghiệp, ngôn ngữ, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của từng đồng bào. Đặc biệt, dành nhiều dung lượng để nói về các luật tục trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên môi trường đang được lưu truyền, áp dụng lâu đời trong cộng đồng các dân tộc. Quá trình nghiên cứu và biên soạn, tác giả không quên đánh giá, phân tích những điểm tương đồng, khác biệt cơ bản giữa luật tục người Dao, Sán Chỉ với luật tục một số đồng bào khác trong tỉnh và ở các địa phương lân cận.
“Tôi là người dân tộc Sán Dìu, lớn lên bởi những văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào mình nên hơn ai hết, tôi yêu và luôn đau đáu với tâm nguyện phải làm thế nào để giữ mãi những giá trị truyền thống đó cho thế hệ sau này” - Chị Ân Thị Thìn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
|
Để có được những trang sách như này, chị cùng các cộng sự của mình đã mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, sưu tầm tài liệu từ phía người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ròng rã suốt 2 năm, mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần chị lại lên đường, khi thì vào Tân Dân, Bằng Cả (TP Hạ Long), lúc lại lên Thượng Yên Công (TP Uông Bí), rồi nhiều bản làng của Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Vân Đồn, Móng Cái và một số tỉnh khu vực miền núi phía Đông Bắc… Những nơi nào có cộng đồng DTTS sinh sống đông đúc là có bước chân của chị.
Chị nói: Ngoài mỗi cuối tuần thì cũng có những hành trình bắt đầu lúc đầu giờ tối và kết thúc vào đêm muộn, bởi lẽ hẹn được nhân vật không phải dễ dàng gì. Đa số đồng bào đều lên nương, đi rừng và chỉ ở nhà khi mặt trời đã lặn, nhiều thầy cúng thì bận việc làng, việc họ ở xa, xin được lịch hẹn cũng rất khó. Rồi thời tiết, khoảng cách địa lý cũng là những rào cản nhất định. Có những ngày tháng 3, trời mưa dầm, đường vào nhà dân có nơi còn trơn trượt, phải đi bộ khá xa; hay những ngày bám trụ nơi bản, làng miền Đông để xin bằng được một tờ giấy “khế ước hôn nhân” của vợ chồng cụ bà người Dao Thanh Phán, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ; rồi trực chờ bằng được để dự một lễ cấp sắc… Nhưng hơn tất thảy, khi mình có tình yêu, có sự nhiệt tình, quyết tâm thì kết quả trả lại sẽ thực sự lớn lao.
Không ngừng trăn trở với các giá trị văn hóa đồng bào
Rồi các cuộc trao đổi với các cụ lão làng, cao niên, thầy mo, thầy cúng của đồng bào khiến chị vỡ ra được nhiều điều, rằng vì sao đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán có quy định tổ chức lễ cấp sắc cứ phải bố trí cấp cho 3 người đàn ông/đợt, những người đó có quan hệ thế nào, quy trình thực hiện ra sao, nghi lễ gồm những gì; hay những quy định riêng về cưới hỏi, ma chay, ứng xử giao tiếp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ trật tự trị an xóm làng… Những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần đó lại càng như thôi thúc chị phải tìm cách để bảo vệ, giữ gìn trước guồng quay phát triển của xã hội.
Trong tiếng thở dài mang nhiều trăn trở, chị tâm sự: “Theo thời gian, nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung, của người Dao, Sán Chỉ nói riêng có dấu hiệu mai một nhiều. Rất nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, thậm chí có cả những người trung niên đã quên hoặc không biết đến những giá trị văn hóa do quá trình lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác chưa trọn vẹn, đầy đủ, thất lạc… Điều này thật sự đáng tiếc khi những bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc đứng trước nguy cơ phai nhạt. Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tầm và hệ thống lại các tư liệu, dữ liệu để đưa vào những trang sách để lưu giữ lại lâu bền hơn”.
Không chỉ tìm hiểu, sưu tầm, để những nội dung cuốn sách được chuẩn chỉ, chính xác, chị cũng đến các thư viện của tỉnh, quốc gia để thẩm định các tư liệu, lời kể; rồi lặn lội lên tận Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn để tham khảo phong tục, tập quán của cộng đồng các dân tộc Dao, Sán Chỉ ở các địa phương đó để củng cố thêm các nguồn thông tin mình thu thập được.
Hai năm “mang nặng đẻ đau”, cùng nhiều hành trình không quản giờ giấc, ngày tháng, bỏ lại sau lưng vất vả, gian lao, thì những “đứa con tinh thần” ấy đã bước đầu khẳng định giá trị của mình. Chị nói: Khi tôi chuyển lại những cuốn sách này đến tay già làng, trưởng bản, những người có uy tín, chức sắc mà tôi đã từng gặp, trao đổi, xin tư liệu thì các cụ phấn khởi lắm. Có bác người Dao Thanh Phán cũng bày tỏ ý định sẽ in ấn những tư liệu quý bác lưu giữ được để cấp phát cho bà con đồng bào với quyết tâm không để mai một những nét văn hóa đặc sắc của cha ông. Giây phút nhận được những nụ cười, cái gật đầu tán thưởng từ phía họ chính là lúc tôi nhận ra rằng, nỗ lực của mình đã thực sự có ích cho cộng đồng người DTTS.
Khi được hỏi “chị có ý định dài hơi nào khác với đồng bào DTTS nữa không?”, chị Thìn hào hứng nói: “Có chứ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Dân tộc tham mưu cho tỉnh, Trung ương chăm lo cho đồng bào DTTS ở tỉnh thì tôi vẫn còn ấp ủ một vài mục tiêu riêng. Đó là làm sao để bảo tồn, khai thác, phát huy được giá trị những bài thuốc quý của đồng bào; rồi vấn đề sinh kế bền vững gắn với giữ đất, giữ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng DTTS, để làm sao đồng bào các dân tộc trên địa bàn mình ngày càng khá giả, văn minh hơn nhưng không mất đi những bản sắc riêng có và góp phần đảm bảo phát triển bền vững của tỉnh”.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()