Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:23 (GMT +7)
Người giáo viên nặng lòng với trẻ khuyết tật
Thứ 2, 27/05/2024 | 07:35:43 [GMT +7] A A
Hơn 22 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Phạm Thị Thảo (Trường Tiểu học Đông Mai, TX Quảng Yên) có đến hơn 13 năm giảng dạy học sinh khuyết tật hòa nhập. Lòng say nghề, yêu nghề, cùng với tình yêu thương con trẻ vô bờ bến đã giúp người giáo viên nặng lòng với trẻ khuyết tật chăm sóc, dạy bảo các em khôn lớn, tiến bộ từng ngày.
Như thường lệ, dù tiết học cuối cùng trong ngày đã kết thúc song cô giáo chủ nhiệm lớp 1A Phạm Thị Thảo vẫn nán lại lớp để trò chuyện, trao đổi với phụ huynh học sinh. Đó chỉ là những câu chuyện xoay quanh việc học tập ở lớp, cũng như ở nhà của em Nguyễn Hữu Thái Hoàng, học sinh khuyết tật đặc biệt của lớp và vẫn luôn được cô giáo Thảo duy trì thực hiện từ đầu năm đến nay.
Nguyễn Hữu Thái Hoàng là trẻ khuyết tật về thần kinh ở mức độ nặng, không làm chủ được hành vi của mình. Những ngày đầu đến trường, Hoàng gần như không thể hòa nhập được với thầy cô, bạn bè, cũng như làm quen với nền nếp của lớp học. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, nhẫn nại, cô giáo Thảo đã làm quen, tạo sự tin tưởng và từng bước hướng dẫn, hỗ trợ Hoàng làm quen với trường lớp, với thầy cô, bạn bè. Hiện Hoàng không chỉ nhận thức được các sự vật, sự việc xung quanh mình, mà còn thuộc được bảng chữ cái; có thể nghe, đánh vần, viết lại những tiếng, từ đơn giản; thuộc một số phép cộng, trừ trong phạm vi 10. Đặc biệt, em có thể sử dụng bảng tính đa năng do cô giáo Thảo tự thiết kế để cộng trừ trong phạm vi 100 không có nhớ dưới sự hỗ trợ của giáo viên.
Cô giáo Phạm Thị Thảo chia sẻ: Việc dạy các em khuyết tật học theo chương trình của lớp có rất nhiều hạn chế. Tôi phải linh hoạt sắp xếp thời gian học tập giữa các học sinh. Đối với Hoàng, tôi thường dạy con theo hình thức một cô - một trò. Để tạo hứng thú cho Hoàng, tôi phải liên tục thay đổi phương pháp dạy, cũng như các hình thức tiếp cận bài học. Đôi khi chỉ đơn giản là viết một vài chữ cái, nhưng tôi phải thay đổi màu mực, thay đổi bìa vở viết để lôi kéo sự hứng thú từ con.
Bước vào ngành giáo dục từ năm 2002, đến nay cô giáo Thảo đã làm giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp giảng dạy 13 học sinh khuyết tật. Hầu hết các em đều có sự tiến bộ rõ rệt về mặt nhận thức, hành vi, cũng như kết quả học tập. 100% các em đều đủ điều kiện lên lớp. Để có được thành quả ngọt ngào này, cô giáo Thảo đã có một hành trình đồng hành cùng học sinh đầy nỗ lực.
Việc dạy dỗ các em học sinh khuyết tật có rất nhiều khó khăn, hạn chế xuất phát từ nhiều phía, đặc biệt là từ nhận thức của học sinh, sự phối hợp của phụ huynh. Do vậy, cô giáo Thảo phải kiên trì thuyết phục phụ huynh phối hợp với mình bằng cách chứng minh sự tiến bộ của học sinh trong giao tiếp, nền nếp. Từ đó, thường xuyên trao đổi với phụ huynh những điểm tích cực, chưa tích cực của học sinh hằng ngày để kịp thời điều chỉnh phương pháp giáo dục phù hợp.
Không chỉ xây dựng giáo án cho lớp, cô giáo Thảo còn dành thời gian xây dựng kế hoạch giáo dục có mục tiêu riêng cho học sinh khuyết tật, trong đó có kế hoạch cho cả năm, từng kỳ, từng tháng. Lập sổ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, trong đó mỗi tháng đều điều chỉnh, bổ sung sự đánh giá của giáo viên bộ môn, cán bộ y tế, lãnh đạo nhà trường. Hết năm học, cô giáo Thảo đều có sổ bàn giao kết quả học tập lên lớp cho giáo viên chủ nhiệm nhận vào lớp 2.
Nói về cô giáo Phạm Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Mai Nguyễn Thị Quảng Trang nhận xét: Không chỉ là một giáo viên giàu lòng nhân hậu, dành nhiều tâm huyết cho học sinh khuyết tật, cô giáo Thảo còn là tổ trưởng chuyên môn giỏi, có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong bồi dưỡng đội ngũ của tổ chuyên môn. Nhiều năm liền cô giáo Thảo là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thị xã; đồng thời, thường xuyên tham gia đánh giá lựa chọn sách giáo khoa môn tiếng Việt trong đội ngũ cốt cán cấp tỉnh. Đặc biệt, cô giáo Thảo luôn tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ phụ huynh, học sinh; giúp nhà trường trở thành cơ sở giáo dục tin cậy với các bậc phụ huynh học sinh, nhất là học sinh khuyết tật.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()