"Đó là điều đầu tiên tôi muốn làm. Tôi đã quá mệt mỏi với những vụ không kích liên tục", Khaled Loz, cư dân ở Gaza, nói.
Xung đột ở Dải Gaza bùng phát sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt có 240 con tin. Israel lập tức tiến hành chiến dịch không kích và tấn công trên bộ chống Hamas. Hơn 14.500 người thiệt mạng và ít nhất 35.000 người bị thương ở Dải Gaza trong hơn 6 tuần xung đột.
Ước tính khoảng 1,7 triệu trong số 2,3 triệu dân ở Gaza phải sơ tán, trong đó nhiều người di tản từ miền bắc xuống miền nam sau những cảnh báo của quân đội Israel.
Tuy nhiên, những cuộc oanh tạc của Israel đã mở rộng tới miền trung và miền nam Gaza, khiến dải đất Địa Trung Hải dường như không còn nơi nào an toàn đối với dân thường. Nhiều trường học và bệnh viện cũng bị tấn công.
Đối với nhiều người dân ở Gaza, bốn ngày ngừng bắn mang đến cho họ thời gian yên bình quý giá sau thời gian dài căng thẳng vì xung đột.
"Chúng tôi có thể nghỉ ngơi một chút. Chúng tôi muốn nhà của mình có nước sạch, muốn hàng hóa được chuyển tới thay vì những cửa hàng trống rỗng mà chúng tôi không thể tìm những thứ mình cần", Loz nói.
Thời gian ngừng bắn cũng là cơ hội để hàng nghìn gia đình tổ chức tang lễ cho người thân đã mất trong những vụ đánh bom. Với nhiều người khác, đây là dịp để họ tìm kiếm người thân và bạn bè mất tích.
Loz cho biết nhà của mẹ anh ở Gaza City đã bị đánh bom. "Tôi không biết ai còn sống, ai đã mất. Tôi muốn biết họ ở đâu", anh nói.
Theo Hamas, thỏa thuận ngừng bắn cho phép người dân di chuyển từ miền bắc xuống miền nam Gaza dọc theo xa lộ Salah al-Din. Tuy nhiên, thỏa thuận không đảm bảo an toàn cho hành trình tới Gaza City ở miền bắc.
Raed Lafi, 48 tuổi, sống với hai con gái trong căn nhà ở Gaza City trước khi sơ tán sáu tuần trước. Gia đình họ hiện trú ẩn trong căn hộ chật chội cách đó hơn 30 km. Tuần này họ nhận được bức ảnh chụp ngôi nhà cũ đã bị phá hủy.
"Chúng tôi tất nhiên rất vui mừng với thỏa thuận ngừng đổ máu, ngay cả khi lệnh ngừng bắn này chỉ là tạm thời. Song những điều khoản thỏa thuận không đủ sức thuyết phục", anh nói.
Lafi cho rằng bốn ngày là không đủ để trở lại thăm căn nhà đổ nát và thậm chí không đủ thời gian để thuyết phục các con anh rằng giờ chúng đang an toàn.
Tinh thần của gia đình dường như đã tê liệt vì nhiều lý do. Các cuộc không kích của Israel suốt ngày đêm. Cảm giác không nơi nào trên Dải Gaza an toàn khi "mọi thứ đều trở thành mục tiêu, từ nhà cửa, trường học, nhà thờ, bệnh viện, cây cối và con người", theo Lafi.
Ngoài ra, người dân Gaza còn đối mặt cuộc đấu tranh sinh tồn khi các siêu thị, cửa hàng đều cạn kiệt nhu yếu phẩm. Trong những tuần gần đây, họ phải chuyển sang nấu ăn bằng bếp củi.
"Trẻ em và người lớn đều vui mừng khi máu ngừng chảy. Nhưng niềm vui này đan xen với nỗi lo lắng", anh nói.
Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, giao tranh vẫn tiếp diễn, khi miền bắc Gaza rung chuyển vì bom đạn, khiến hàng chục người thiệt mạng. Một cư dân tại trại tị nạn Jabalya cho biết những người bị thương được đưa đến bệnh viện Kamal Adwan ở Beit Lahia, một trong những bệnh viện còn hoạt động ở miền bắc Gaza.
Jason Lee, người phụ trách tổ chức Save the Children ở các lãnh thổ người Palestine, cho biết 3/4 cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Gaza đã ngừng hoạt động sau khi xung đột bùng phát.
Từ ngôi nhà trên phố Salah al-Din, con đường nối liền miền bắc và miền nam Gaza, Muhammad al-Atrash cho biết anh thấy một người hàng xóm cùng hai con nhỏ bị thương vì pháo kích khi họ đang nhặt củi dưới gốc cây ô liu cạnh nhà.
Vừa kể tình hình ở Gaza, giọng người đàn ông vừa run lên. Tiếng của những phụ nữ và trẻ em gặp nạn vang lên phía sau anh.
"Thỏa thuận ngừng bắn trong bốn ngày có ý nghĩa gì? Tôi muốn một thỏa thuận đình chiến hoàn toàn", Atrash, 40 tuổi, nói.
Anh lo rằng không thể đảm bảo nhu yếu phẩm cho gia đình trong thời gian đó. Atrash không tin nhiều xe tải viện trợ có thể vào Gaza qua một cửa khẩu duy nhất từ Ai Cập để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Lợi ích của ngừng bắn không phải là giúp chúng tôi được cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, chăn màn, quần áo mùa đông hay sao?", anh tự hỏi.
Nhiều tổ chức cứu trợ hoan nghênh thỏa thuận, song cho rằng ngừng bắn 4 ngày là chưa đủ.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để cứu trợ những người cần giúp đỡ ở Dải Gaza trong bốn ngày ngừng bắn", Jan Egeland, tổng thư ký Hội đồng Tị nạn Na Uy, nói. "Mùa đông đang cận kề và sẽ là thảm họa nếu xung đột tiếp diễn".
Lafi đang cố duy trì cảm giác về cuộc sống bình thường cho các con gái. Thay vì xem tin tức về xung đột, anh cho các con chơi những trò phù hợp với lứa tuổi.
"Tôi ngăn các con ra đường nhiều nhất có thể để chúng không thấy cảnh đổ nát ngoài kia. Tôi cố tạo ra một thế giới riêng ở trong phòng cho chúng", anh nói.
Cô con gái nhỏ của Atrash liên tục hỏi mẹ anh khi nào chiến tranh kết thúc. Trong suốt 6 tuần qua, bà không biết phải nói gì. Nhưng khi thỏa thuận ngừng bắn được thông báo, bà đã cho cháu gái câu trả lời và hy vọng điều đó có thể xoa dịu nỗi sợ con bé.
"Ngày mai và kéo dài bốn ngày con ạ", bà nói.
Đứa trẻ bối rối. "Điều đó có nghĩa chúng ta lại thấy bom đạn sau bốn ngày ạ?", cô con gái của Atrash hỏi.
Ý kiến ()