Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:35 (GMT +7)
Áp lực đứng đầu của người trẻ
Thứ 6, 09/06/2023 | 12:00:00 [GMT +7] A A
Xã hội ngày càng phát triển, không khó để bắt gặp những người trẻ đã sớm dẫn đầu trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Thế nhưng, đằng sau vị trí đỉnh cao mà người người mong ước là những áp lực chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Thực trạng người trẻ áp lực với vị trí “đứng đầu”
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100 học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, hơn 100 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập với hàng vạn CEO và người đứng đầu. Bên cạnh đó, chúng ta còn có những người đứng đầu của các hội, nhóm, câu lạc bộ,... Thực trạng trên dẫn đến việc người trẻ ngày càng thêm áp lực khi phải vừa chạy đua với bạn bè và vừa chạy đua với chính thành tích của bản thân.
Theo đó, áp lực của người dẫn đầu là một vấn đề phổ biến mà những người lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nhau đều phải đối mặt. Áp lực đấy có thể do nhiều yếu tố, chẳng hạn như phải liên tục phấn đấu, phải giải quyết xung đột, ra quyết định hay phát triển con người ở trong một nhóm. Đối với một nhà lãnh đạo, họ luôn ở trong tâm lý của người chịu trách nhiệm, dù đó có phải là chuyện do mình trực tiếp gây ra hay không. Đồng thời, họ cũng thường phải chịu áp lực từ cấp trên để hoàn thành công việc và từ cấp dưới để xem xét mong muốn và nhu cầu của các thành viên.
Áp lực của người đứng đầu thường xuất hiện khi có các yếu tố tác động từ ngoại lực và nội lực. Đối với những cá nhân ưu tú, họ luôn được người khác ngước nhìn và ngưỡng mộ bởi thành công của bản thân. Tuy nhiên, chính ánh mắt đó lại tạo nên sự kỳ vọng mà xã hội đặt lên họ, tạo ra những áp lực vô hình. Đạt được vị trí cao, người đứng đầu luôn phải cố gắng hết mình để duy trì cũng như phát triển chỗ đứng của mình. Đó cũng là quá trình hoạt động không ngừng nghỉ mà Lê Minh Đăng, học sinh lớp 11D3, chủ tịch CLB học thuật, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - Đại học Sư phạm Hà Nội đang bước đi: “Mọi người luôn nghĩ rằng chủ tịch của CLB lịch sử thì phải giỏi sử. Đó là lí do mình cảm thấy rất stress. Ở bất cứ chương trình hay cuộc thi liên quan đến lịch sử nào thì mình luôn là người đầu tiên nằm trong danh sách tham gia. Ngay cả trong CLB cũng vậy, vì mình là chủ tịch nên có lẽ mọi người luôn cố hữu một suy nghĩ rằng mình là người có chuyên môn cao nhất. Nên nhiều khi mình đã gây nên sự thất vọng cho mọi người khi mình không thể đạt giải Nhất ở kì thi học sinh giỏi hay tương tự như thế”.
Ngoài những tác động từ ngoại lực, người trẻ còn chịu áp lực từ chính bản thân mình. Khi đạt được vị trí cao nhất, thay vì vui mừng, người trẻ lại tiếp tục đối mặt với một nỗi lo sợ lớn hơn. Liệu mình có thể đứng vững và vươn xa nữa hay không? Mình phải làm gì để xứng đáng với vị trí này? Trong tương lai, mình có bị chững lại và không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của chính mình hay không? Đó cũng là những gì mà bạn Nguyễn Bảo Vân - Thủ khoa đầu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền trăn trở.
Thành công sớm có chăng là con dao hai lưỡi?
Thực chất, thành công không phải là đích đến, thành công là cả một quá trình. Đó là quá trình bạn đón nhận tin vui, bạn nhìn nhận vấn đề và bạn bắt đầu tiếp tục phát triển để hoàn thiện bản thân. Chúng ta không thể phủ nhận việc khi còn trẻ, nếu chúng ra đạt được thành tựu lớn, đó là một kì tích và là sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, thành công sớm sẽ có hai ngã rẽ, hoặc là thành công hơn; hoặc là chững lại và bắt đầu tụt dốc không phanh.
Đối với trường hợp thứ nhất, thành công sớm chính là bước giậm nhảy, tạo đà cho những thành quả trong tương lai. Bạn Bùi Quang Đạt - sinh viên năm nhất Học viện Bưu chính Viễn thông - Huy chương Vàng Olympic Toán học sinh viên 2023 chia sẻ: “Mình luôn đặt ra cho bản thân những mục tiêu. Điều đầu tiên mình đã làm được đó là vào CLB của trường. Có thể với mọi người vào CLB là điều quá bình thường nhưng chính bước đi này đã giúp mình đạt được ước mơ là đi thi Olympic Toán và đạt huy chương Vàng”.
Tuy nhiên, nếu người đứng đầu không thể gánh vác được áp lực đó, họ dễ bị nản chí. Từ đó, mặt trái của “hào quang” sẽ dẫn con người “ngủ quên trên chiến thắng”.
Ảnh hưởng đến tâm lý của người đứng đầu
Mặc dù biết “áp lực tạo kim cương”, song đôi khi, áp lực lại khiến cho các bạn trẻ gặp một số vấn đề về tâm lý. Theo lí giải của Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Tâm, người đứng đầu hay được nhìn bằng một ánh mắt ngưỡng mộ và bị áp đặt rằng họ không phải lo lắng điều gì. Thực chất, ngoài việc chịu trách nhiệm với cấp trên cũng như có nghĩa vụ với cấp dưới như đã nói ở trên, họ còn phải chịu nhiều hơn như thế. Người dẫn đầu phải giữ uy tín trong chuyên môn của họ, phải duy trì danh tiếng, giữ một vị thế danh giá cho chính họ và cho hệ sinh thái xung quanh người đó nữa. Chưa kể đến, mỗi cá nhân khác nhau thì những vấn đề của bản thân và cuộc sống của riêng họ cũng khác nhau.
Là một người trẻ luôn mong muốn và đặt mục tiêu cao, Quang Đạt tâm sự: “Mình tự nhận thấy mình có tham vọng lớn và áp lực cũng lớn dần từng ngày. Khi đối diện với những áp lực, mình thường hay cảm thấy chán nản và muốn buông bỏ mọi thứ. Mình là một người hay bị áp lực khi vào phòng thi. Mỗi lúc mình gặp phải bài khó mà mình không làm được, tay của mình bắt đầu run và đến lúc mà không cầm được bút, mình lúc ấy sẽ rối tung lên và không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ cách làm bài nữa. Áp lực còn khiến mình trở nên dễ nổi nóng với những người xung quanh, khiến mình bị mất động lực để tiếp tục công việc. Từ đó chất lượng công việc cũng đi xuống, tinh thần và sức khỏe của mình cũng bị giảm sút do áp lực”.
Ngoài ra, loại áp lực này cũng rất dễ khiến các cá nhân bị kiệt sức, không có thời gian chăm sóc bản thân, có thể dẫn đến việc bị thiếu ngủ hoặc gặp các vấn đề về ăn uống, tâm trạng tiêu cực trong việc quản lý khi không được lòng một ai. Và sau đó, bạn sẽ bị cô lập với xã hội - Chuyên gia Thanh Tâm chia sẻ.
Đối mặt với áp lực, “người đứng đầu” cần làm gì?
Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, hơn 3/4 người trưởng thành cho biết có các triệu chứng căng thẳng, bao gồm đau đầu, mệt mỏi hoặc khó ngủ. Đó đều là những biểu hiện của áp lực. Ngày càng nhiều bạn trẻ phải gặp bác sĩ sớm vì tâm lý không vững vàng. Đối mặt với những khủng hoảng đó, nhiều người trẻ đôi khi không biết cách mà đánh mất đi cả con đường rộng mở phía trước.
Theo đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tâm đã đưa ra một số lời khuyên cho những bạn trẻ đã và đang chịu áp lực, đặc biệt là những người “đứng đầu”: “Đầu tiên là nhận biết các dấu hiệu căng thẳng như cứng cơ, nghiến răng, đau bụng, đau dạ dày và một số biểu hiện khác nữa. Các bạn nên dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân. Hãy đảm bảo rằng, bản thân luôn trong trạng thái tỉnh táo để quyết định mọi thứ. Nếu lúc đấy, bạn không thể nhận biết được điều mình đang làm là gì, đúng hay sai, phải hay chưa phải, nên có một khoảng không gian, hít thở sâu để có quyết định thông suốt. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn tập thể dục giải trí, nói chuyện với bạn bè và gia đình, ngủ đủ, duy trì chế độ ăn uống hợp lý để có một tinh thần khỏe mạnh. Nếu vẫn không thể tự chữa lành, bạn nên tìm đến bác sĩ để có cách giải quyết khoa học nhất”.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ xung quanh. Mỗi người cần duy trì nguồn lực này vì chính họ sẽ là người hỗ trợ tốt nhất, đưa ra lời khuyên và kéo chúng ta ra khỏi vòng hỗn tạp đó. Đặc biệt, những người đứng đầu thường nhiều tham vọng. Họ chưa bao giờ cảm thấy đủ với những thứ mình đạt được. Vì vậy, họ thường có suy nghĩ không công nhận các kết quả mình đạt luôn, luôn cặm cụi chú ý đến những mục tiêu tiếp theo và phê bình bản thân vì những lỗi sai nhỏ nhặt. Chuyên gia khuyên rằng, chúng ta nên chúc mừng và ghi nhận những chiến thắng nhỏ cũng như là những chiến thắng lớn hơn của mình. Hãy công nhận và biết ơn những thứ thành công nhỏ nhất, nó sẽ tạo ra sự khác biệt.
Liên kết website
Ý kiến ()