Sau nhiều năm mua MacBook "hàng lướt, như mới", một số người dùng phát hiện máy của mình đang thuộc quyền sở hữu của một công ty khác (MDM).
"Tôi mua MacBook Pro 13 inch với cấu hình chip Core i7, RAM 16 GB, 512 GB SSD hàng lướt với giá gần 50 triệu đồng năm 2018. Sau 4 năm sử dụng, tôi mới phát hiện máy của mình là hàng MDM dù khi mua, nơi bán không đưa ra cảnh báo nào", anh Nguyễn (Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn về MacBook và nhận được hơn một nghìn lượt bình luận. Sau nhiều ngày trao đổi, yêu cầu bên bán làm rõ, anh mới được chấp thuận đền bù.
MacBook MDMlà laptop do các tổ chức, doanh nghiệp mua cho nhân viên. Để kiểm soát, máy được cài chương trình MDM (Mobile Device Management) để quản trị hệ thống của tổ chức. Khi doanh nghiệp thực hiện hợp đồng mua bán với Apple, dải serial của MacBook được ghi lại. Khi kích hoạt, các thông tin, trong đó quan trọng nhất là số serial, sẽ được kiểm tra và gửi về máy chủ để đối chiếu. Nếu thuộc diện quản lý của MDM, máy yêu cầu đăng nhập tài khoản tổ chức hoặc công ty rồi tự động tải, cài đặt phần mềm theo cấu hình định sẵn. Do đó, với loại thiết bị này, người dùng có thể không thể chỉnh sửa các thiết lập có sẵn trong máy.
Tương tự anh Nguyễn, anh Cảnh (TP HCM) cũng mua một chiếc MacBook năm 2018 nhưng thế hệ cũ hơn và được nơi bán nói là hàng "like new" với giá 40 triệu đồng. Tới năm 2020, khi bắt đầu cài lại hệ điều hành, anh nhận được thông báo liên quan tới MDM, trong đó ghi sản phẩm anh đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của Amazon. Tuy nhiên, do chủ quan, anh tự tìm kiếm cách khắc phục tạm vấn đề. "Gần đây, khi tìm hiểu về MDM và thấy nhiều người cũng gặp tình huống như mình nên tôi bức xúc, tìm đến cửa hàng bán để kiểm tra", anh nói.
Theo anh Dương Trí Thức, một người từng kinh doanh các sản phẩm của Apple, sản phẩm MacBook MDM bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019. Các cửa hàng uy tín đều công khai nguồn gốc và bán với giá thấp hơn từ 15% đến 30% so với máy "sạch" có cấu hình tương tự.
"Tuy nhiên, lợi dụng người mua không am hiểu, một số cửa hàng không thông báo máy 'dính' MDM và bán với giá thông thường. Lúc đó, hệ điều hành macOS chưa nâng cấp nên các kỹ thuật viên có thể ẩn triệt để thông báo MDM nên người dùng không dễ phát hiện", anh nói.
Cũng theo anh Thức, đa số các máy MDM đều có nguồn gốc từ các công ty Mỹ như Amazon, Google, Facebook hay Tesla và tùy chọn cấu hình mạnh. Các máy dùng chip Intel cũ trước 2020 có thể dùng công cụ để thay số serial nên gần như loại bỏ được hoàn toàn thông báo MDM khiến người dùng khó phát hiện.
"Sau 2-4 năm sử dụng, gần đây nhiều người nâng cấp hệ điều hành hoặc cài lại máy mới phát hiện thiết bị đang dùng là hàng MDM", anh nói. Để chắc chắn, người dùng nên sử dụng lệnh kiểm tra hoặc cài lại máy mới hoàn toàn với bản macOS mới nhất.
Chủ một cửa hàng bán sản phẩm Apple ở Hàng Bài, Hà Nội cho biết MacBook MDM thực tế vẫn được nhiều người quan tâm do tình trạng gần như mới, thời gian bảo hành còn dài, cấu hình cao trong khi giá rẻ hơn đáng kể. "Điều quan trọng là người bán phải cung cấp đầy đủ thông tin hàng MDM để người mua tự cân nhắc các rủi ro có thể gặp phải", anh này khẳng định.
Anh Trần Lê, kỹ thuật viên chuyên sửa chữa các thiết bị Apple, cho rằng dùng MacBook MDM cũng "mạo hiểm" không kém việc dùng iPhone bằng tài khoản iCloud của người khác. Ngoài phiền phức về thông báo hiện lên thường xuyên, người dùng có thể gặp nguy cơ mất dữ liệu, bị khóa máy bất kỳ lúc nào. "Một số cửa hàng rao bán MacBook MDM và quảng cáo hỗ trợ trường hợp bị khóa máy trọn đời, nhưng khi thực sự gặp vấn đề, người mua mất rất nhiều thời gian để giải quyết, thậm chí không liên lạc được với nơi bán", anh Lê cảnh báo.
Với đặc thù là thiết bị dành riêng cho nhân viên của doanh nghiệp, một chuyên gia công nghệ nhận định việc MacBook MDM xuất hiện trên thị trường là điều không bình thường. "Có khả năng chúng được tuồn trái phép ra ngoài hoặc hàng bị đánh cắp sau đó được thu gom. Việc chúng ta mua loại hàng MDM cũng là vô tình tiếp tay cho hành động xấu", anh nói.
Ý kiến ()