Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:05 (GMT +7)
Người đưa thư về bản
Chủ nhật, 07/01/2024 | 16:42:04 [GMT +7] A A
Hằng ngày, người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã quen thuộc với hình ảnh chị Loan Thị An - nữ bưu tá của bưu điện văn hóa xã cần mẫn, miệt mài đưa thư báo, bưu phẩm, mang tin tức đến cho mọi người trên toàn địa bàn xã, không kể nắng mưa, sớm hôm. Theo chân chị mới thấy hết được những gian lao, vất vả của công việc này.
Đồng Văn là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Bình Liêu, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu 24km. Chị An đã gắn bó với công việc ở Bưu điện văn hóa xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu từ năm 2000, đến nay đã 23 năm. Chị luôn được bà con yêu mến bởi sự nhiệt tình, chu đáo và trách nhiệm với công việc. Thông thường mỗi xã, thị trấn vùng cao chỉ có 1 bưu tá. Do địa bàn rộng, giao thông bất tiện nên bưu tá miền núi, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa như Đồng Văn, công việc của những người bưu tá rất nhọc nhằn.
Hằng ngày, chị An bắt đầu công việc từ 7h30 sáng, đến bưu điện văn hóa xã trực giao dịch, nhận bưu phẩm gửi từ dưới huyện lên xã, nhận xe thư, phục vụ bà con đến bưu điện giao dịch, đọc sách báo, sau đó buổi chiều sẽ đi phát bưu gửi. Chia sẻ về công việc của mình, chị An cho biết: Ở Đồng Văn chỉ có mình tôi làm bưu điện kiêm bưu tá đưa thư. Đường sá trên này dốc núi đi lại rất khó khăn, nhiều khi ngày mưa đường lầy lội, trơn trượt, đi còn bị ngã xe. Công việc lại kiêm nhiệm nhiều nên cũng rất vất vả, nhưng để phục vụ bà con, tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Cách đây hơn 10 năm, khi điện thoại còn ít, các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều, công việc thường ngày của chị An là trực điện thoại, phục vụ nhu cầu liên lạc của bà con, nhận và phát thư, báo. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và Internet, mỗi Bưu điện văn hóa xã trở thành một đơn vị kinh doanh độc lập. Do đó, cùng với việc phục vụ nhu cầu của nhân dân về tem thư, bưu phẩm, bưu kiện, bán thẻ viễn thông, chị An có thêm nhiệm vụ mới là giới thiệu, quảng bá và triển khai nhiều dịch vụ khác của bưu điện như: bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu cước viễn thông, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bán hàng tiêu dùng về nông thôn...
Ngoài ra, chị cũng đóng vai trò là một cán bộ văn hóa xã, phối hợp cùng các đoàn thể tham gia tuyên truyền vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước; tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, xây dựng nếp sống văn minh...
Là người đưa đường thư cấp 3 tới tận các thôn bản với lộ trình gian nan, vất vả nhất, chị An phụ trách 9 thôn bản của xã Đồng Văn. Hành trình đều đặn mỗi ngày của chị là đoạn đường gần 30km, từ Bưu điện Văn hóa xã Đồng Văn đến các thôn bản. Một mình một xe, chị vượt qua những đoạn đường đất khó đi, hay những con dốc thẳng đứng, xe máy phải cài số 1 cả đoạn dài, mùa đông sương mù, giá rét, chị An tận tụy và cần mẫn mỗi ngày để hoàn thành công việc của mình, vượt qua nhiều thử thách của nghề.
Chị An chia sẻ thêm: Nhiều khi đi phát một đơn hàng rất khó vì trên này mật độ dân cư thưa thớt, lại không đánh số nhà, nhiều người trùng tên như là Dường Sám Múi hoặc Dường Nhì Múi nên rất dễ nhầm lẫn. Nhiều nhà không có đường xe lên nên tôi phải đi bộ. Có những gia đình trước lúc đi đã gọi điện hẹn rồi nhưng lúc lên đến nơi lại đi vắng nên có những nơi phải đi 2-3 lần mới giao được hàng.
Không những thế, ở Đồng Văn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Chỉ, nhiều người không biết nói tiếng Kinh nên chị An còn phải học tiếng của đồng bào để có thể giao tiếp được trong quá trình đi giao thư báo, bưu phẩm. Mỗi ngày từ 10 – 20 đơn hàng, thư báo, thời gian đầu đôi khi còn nhầm đường nhưng giờ đây những con đường, thôn bản trên địa bàn phụ trách, chị đã thuộc nằm lòng.
Ngày nay, lượng báo chí phát hành nhiều hơn, trưởng thôn, bí thư chi bộ, người uy tín của các xóm, bản đều trong diện được phát báo. Cùng với đó, lượng bưu phẩm chuyển phát cũng tăng đáng kể nên bưu tá phải đi nhiều hơn, nghiệp vụ vững vàng hơn mới hoàn thành công việc. Với đồng lương ít ỏi, công việc vất vả song chị vẫn luôn khắc phục khó khăn, tinh trần trách nhiệm cao để không xảy ra việc chậm trễ, thất lạc thư tín, báo chí.
Không quản ngại đường sá xa xôi, dù ngày nắng hay ngày mưa, các bưu tá vùng cao huyện Bình Liêu vẫn trèo đèo lội suối mang những cánh thư, tờ báo, bưu phẩm... đến tận thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa những thông tin hữu ích, kết nối niềm vui đến với mọi nhà. Nhiều lúc công việc xong xuôi, về đến nhà cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Tuy vậy, bằng tâm huyết, “say” nghề, chị An vẫn gắn bó, trách nhiệm, là cầu nối đưa thông tin đến các bản, làng xa xôi.
Một lá thư, trang báo cũng là tài sản của người dân nên luôn phải cẩn trọng giữ gìn. Vì vậy, tất cả được chị An sắp xếp, bảo quản ngăn nắp, an toàn, bảo đảm khi đến tay khách hàng không bị rách, nhàu nát. Công việc bưu tá không theo giờ hành chính, khi nào chuyển hết thư, báo được giao thì mới kết thúc một ngày. Nếu không hoàn thành trong ngày sẽ ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng dịch vụ bưu điện. Đó cũng là một áp lực của nghề này. Đặc biệt với những trường hợp thư hỏa tốc thì tuyệt đối không được chậm trễ. Nhiều khi nhận được thư vào lúc 9 – 10h tối, chị An cũng phải đi phát ngay lập tức.
Vất vả, cực nhọc, áp lực lớn nhưng với chị An và nhiều bưu tá khác ở các huyện vùng cao, nghề này đã ghi dấu nhiều kỷ niệm vui, buồn khó quên, khiến họ càng thêm gắn bó với nghề. Khi đưa từng trang báo, phong thư, bưu phẩm đến tay người nhận, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui. Nhất là những lần chuyển phát giấy báo trúng tuyển đại học cho các cháu học sinh ở vùng cao, hoặc gửi những trang thư viết tay của người thân trong gia đình họ.
Những người làm bưu tá vùng cao huyện Bình Liêu tuy còn nhiều nỗi niềm trăn trở, nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, hàng ngày họ vẫn âm thầm mang những cánh thư, trang báo, đưa thông tin đến với các thôn, bản xa xôi, làm cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Ở thời điểm nào, hình ảnh những người bưu tá tận tụy với hành trình không mỏi trên những rẻo cao luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân bởi sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ và bền bỉ của họ cho nghề nghiệp mỗi ngày.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()