Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:19 (GMT +7)
Người đảng viên gương mẫu ở Thanh Lân
Thứ 2, 03/08/2020 | 07:59:33 [GMT +7] A A
Người dân xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) ai cũng biết đến ông Mai Công Đàm, họ bảo: Ông Đàm là chỗ dựa cả về kinh tế lẫn tinh thần của ngư dân chúng tôi!.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm sứa không xuất bán sang Trung Quốc được, thế nhưng những ngư dân huyện Cô Tô vẫn khai thác sứa và tiêu thụ ổn định là bởi có xưởng sứa của ông Mai Công Đàm. Ông Đàm cho biết: “Vợ chồng tôi vay ngân hàng 6 tỷ đồng để có tiền thu mua sứa cho bà con. Với tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp như hiện nay, chưa biết bao giờ số sứa đó mới tiêu thụ hết được!”.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sứa không tiêu thụ được, nhưng gia đình ông Đàm vẫn vay tiền thu mua sứa khai thác để bà con yên tâm sản xuất. |
Gia đình ông Đàm là hộ làm ăn lâu năm và có kinh nghiệm về nghề sứa, nên thừa hiểu “ôm” số sứa của bà con mà chậm tiêu thụ được thì hằng tháng số tiền cả gốc và lãi của ngân hàng sẽ đội lên rất lớn. Nhưng để ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, ông Đàm đành chấp nhận sự thiệt thòi. Nếu không thu mua thì các ngư dân biết làm gì với số sứa mình đánh bắt được, họ chỉ còn cách đổ đi và gây ô nhiễm môi trường biển cả. Bởi không giống như các hải sản khác như tôm, cá, mực... có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng, con sứa phải qua nhiều khâu chế biến rất phức tạp, phải có xưởng chế biến đầu tư nhiều tiền mới dùng làm thực phẩm được.
Hiện tại, ông Đàm đang làm chủ chuỗi xưởng chế biến sứa ở xã Thanh Lân, tạo việc làm cho 120-200 lao động, chủ yếu là người địa phương, theo thời vụ, thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Năm 1993, gia đình ông Đàm từ quê hương Nam Định đi xây dựng kinh tế mới ở thôn 1, xã Thanh Lân. Hồi ấy, nơi đây là bãi hoang chỉ toàn những cồn cát, cỏ lác xen lẫn với sú vẹt. Cuộc sống ban đầu thiếu thốn đủ thứ, không điện, thiếu nước, đất nhiễm mặn không trồng cấy được. Do chịu khó và biết cách làm ăn, tích được chút vốn ông Đàm tính chuyện mở rộng khu dân cư, bởi thời điểm ấy chỉ có mình gia đình ông sống ở khu vực này. Được UBND huyện chấp thuận, ông về Nam Định kêu gọi bà con cùng quê ra Thanh Lân sinh sống.
Con đường bê tông tại thôn 1, xã Thanh Lân được xây dựng có sự đóng góp rất lớn của gia đình ông Mai Công Đàm. |
Khi Cô Tô còn chưa thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Đàm đã tính chuyện làm đường bê tông tại thôn 1. Ông cùng cán bộ huyện, xã vận động bà con cùng tham gia làm con đường dài 200m chạy ra phía biển, gia đình ông bỏ 50% số tiền làm đường. Ngày Cô Tô có điện lưới, ông Đàm lại kêu gọi người dân trong xóm cùng vào cuộc, để hoàn thành 600m đường điện chiếu sáng, gia đình ông ủng hộ 70% chi phí. Nhờ đó, việc phát triển kinh tế của thôn 1 ngày càng được thúc đẩy.
Để thuận tiện cho mọi người trong thôn đi lại và bốc xếp hàng hóa xuống tàu thuyền, ông Đàm đã tự bỏ tiền xây bờ kè có chức năng gần giống bến cảng. Ông Đàm còn thuê máy xúc đào hồ chứa nước, giúp người dân trong thôn trong thời điểm trên đảo thiếu nước ngọt. Năm 2015, xã Thanh Lân khởi công xây dựng nhà thờ để người dân theo đạo có nơi đi lễ, ông Đàm lại đứng ra nhận mua gạch và vận động các nhà hảo tâm khác cùng hỗ trợ với số tiền hàng tỷ đồng.
"Với người dân xã đảo Thanh Lân, ông Mai Công Đàm là người đảng viên thực sự gương mẫu, ông đã thực hiện tốt lẽ sống vì mọi người như lời dạy của Bác Hồ kính yêu" - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân Nguyễn Công Hùng khẳng định.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()