Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:51 (GMT +7)
Người đang dùng thuốc chống huyết khối lưu ý gì khi tiêm vaccine COVID-19?
Thứ 4, 11/08/2021 | 10:56:06 [GMT +7] A A
Nhiều bệnh nhân tim mạch phải thường xuyên dùng thuốc chống huyết khối lo ngại về một số nguy cơ như chảy máu, tương tác có hại… sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thuốc chống huyết khối (thuốc chống đông) là loại thuốc mà nhiều bệnh nhân tim mạch thường xuyên dùng. Trước sự gia tăng các ca bệnh COVID-19, nhu cầu tiêm vaccine trở nên cấp thiết. Vậy nhóm bệnh nhân này có nên ngừng thuốc trước khi tiêm hay chậm chí trì hoãn tiêm chủng không?
Bệnh nhân tim mạch nên tiêm vaccine COVID-19
Yêu cầu được tiêm chủng trên nhóm bệnh nhân tim mạch là hết sức cần thiết. Những người có bệnh tim mạch (bao gồm: Rung nhĩ, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ, sa sút trí tuệ...) đều nên tiêm vaccine phòng COVID-19. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc và tiến triển nặng của bệnh.
Uống thuốc chống huyết khối có nên tiêm vaccine COVID-19?
Khi đã mắc bệnh tim mạch, bệnh nhân thường phải điều trị bằng thuốc suốt đời, trong đó có thuốc chống đông. Một số người bệnh cần uống các thuốc này hàng ngày để phòng ngừa biến chứng tắc mạch. Các thuốc này bao gồm: Thuốc kháng vitamin K (warfarin, acenocoumarol,...), thuốc chống đông trực tiếp đường uống (rivaroxaban, dabigatran,…), hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, ticagrelor…).
Việc sử dụng các loại này đòi hỏi phải theo dõi một cách chặt chẽ để hạn các chế biến chứng, đặc biệt chảy máu.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là "có xảy ra tương tác nguy hiểm khi sử dụng thuốc chống đông (chống huyết khối) với các loại vaccine phòng COVID-19 đang được lưu hành không"? Câu trả lời là không.
Hiện nay, chưa có chứng cứ khoa học nào đưa ra nguy cơ này. Các khuyến cáo của các Hiệp hội y học lớn trên thế giới cũng không đề cập đến việc chống chỉ định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nhóm bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống huyết khối.
Bệnh nhân đang điều trị các thuốc chống huyết khối có thể tiêm chủng vaccine COVID-19 nếu không có các chống chỉ định khác bắt buộc của việc tiêm vaccine nói chung. Tuy nhiên, yêu cầu cần có sự phối hợp tốt giữa việc tư vấn của bác sĩ cũng như sự tuân thủ của người bệnh.
Lưu ý khi tiêm vaccine phòng COVID-19
Trên thực tế, một số bệnh nhân đang uống thuốc chống huyết khối có nguy cơ bị chảy máu tại chỗ vì bị kim đâm vào cơ cánh tay khi tiêm chủng COVID-19. Điều này có thể dẫn đến tụ máu, bầm tím hoặc sưng tấy xung quanh ví trí tiêm.
Để khắc phục cũng như dự phòng cho tình huống này, Hiệp hội Huyết Học hoàng gia Anh (British Society of Haematology – BSH) khuyến cáo:
1. Việc ra quyết định tiêm vaccine COVID-19 cần được cân nhắc kĩ lưỡng vì khi tiêm bắp sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, tuy nhiên ở mức rất nhỏ.
2. Bệnh nhân đang điều trị chống huyết khối bằng warfarin (INR mục tiêu 2.0 - 3.0) có thể tiêm vaccine nếu INR lần gần nhất < 3.0 và không cần xét nghiệm lại INR trước khi tiêm.
3. Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống huyết khối trực tiếp đường uống (DOACs) như: Apixaban, dabigatran, edoxaban... có thể không uống liều trong ngày được tiêm và tiếp tục lại sau đó.
5. Bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu đơn (aspirin hoặc clopidogrel) tiếp tục dùng những thuốc như bình thường.
6. Bệnh nhân đang điều trị chống huyết khối bằng warfarin với INR mục tiêu >3.0 hoặc đang điều trị liệu pháp tiểu cầu kép, cần được kiểm soát và đánh giá cụ thể, kĩ càng trên từng trường hợp cụ thể. BSH đề nghị đảm bảo INR <4.0 trước khi tiêm.
7. Để giảm nguy cơ hình thành máu tụ trong cơ sau tiêm, cần ép chặt vào vị trí tiêm trong ít nhất 5 phút sau khi tiêm.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()