85 đạo sắc phong nhà Nguyễn được người dân bảo quản trong lồng sắt, gắn camera chống trộm, canh giữ nghiêm ở Công thần miếu.
Công thần miếu nằm trong khuôn viên khoảng 2.000 m2, cạnh bờ sông Cổ Chiên, tiền thân là Hội đồng miếu, xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), tại làng Thiềng Đức, nay là phường 5, Vĩnh Long. Miếu là thiết chế cấp tỉnh thời nhà Nguyễn, thờ các thần được triều đình công nhận bằng sắc phong.
Những đạo sắc tại đây được vua phong cho 34 thần hiệu. Trong số này, có 13 đạo sắc gia phong cho 13 Nhiên Thần Thượng đẳng, Trung đẳng và Hạ đẳng. 21 đạo sắc gia phong cho Nhân thần Thượng đẳng, Trung đẳng và Hạ đẳng.
Các Nhiên thần gồm những biểu tượng văn hóa, khí thiêng sông núi. Còn các Nhân thần là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, địa phương. Xa xưa hơn phải kể đến Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục, đô đốc Bùi Tá Hán, tham tướng Lê Văn Chính. Những danh nhân có công lớn với vùng đất Nam bộ như Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Chính thống Nguyễn Cửu Vân, Phụ quốc Đô đốc Trần Thắng Tài.
Nhiều năm qua, số sắc phong được cuộn tròn, đựng trong ống nhựa, đặt vào một tủ gỗ lớn, vách kính bao quanh, có khóa, đặt tại gian giữa miếu.
Trước thông tin nhiều địa phương xuất hiện tình trạng trộm đột nhập lấy mất sắc phong, bà Lương Hoàng Oanh - 83 tuổi, phó Ban quản lý di tích - cho biết ngoài cử đại diện canh giữ, ban quản lý cho làm khung bằng inox cao khoảng 1,4 m, ngang 1,2 m, dài gần 1 m bao kho sắc phong, thêm ổ khóa chống trộm. Hơn một năm qua, khu vực này còn được gắn hệ thống camera giám sát. Tất cả kinh phí do người dân, mạnh thường quân đóng góp.
36 năm quản lý, chăm sóc ngôi miếu, bà Oanh nói khu di tích trải qua năm đời nhân sự túc trực canh kho sắc phong. Những người này được bầu và đặt tên bắt đầu bằng chữ Từ. Đó là các ông: Từ Thìn, Từ Sổ, Từ Ky, Từ Hiếu và hiện nay là Từ Hiền. "Họ sống giữ đạo lý, rành nghi thức tế lễ, được dân làng tín nhiệm, tâm nguyện canh giữ đạo sắc đến cuối đời", bà Oanh cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long - cho biết: "85 sắc phong này được bảo quản hàng trăm năm qua. Qua quá trình tìm hiểu, trao đổi với các chuyên gia, đến nay, chúng tôi xác định nơi đây lưu giữ số đạo sắc phong triều Nguyễn lớn nhất nước".
Phó giám đốc Sở cho biết thêm thấy buồn trước thông tin nhiều đình, miếu trên cả nước bịthất lạc sắc phong. "Riêng Vĩnh Long cố gắng trong khả năng để bảo vệ kho, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, quý trọng tiền nhân, nhiên thần", ông Hoanh nói.
Hiện vào những ngày lễ lớn như Xuân Tế cầu an (rằm tháng 2 âm lịch), Lễ khai sắc, mọi người được tham quan kho sắc phong. Ban quản lý chụp các bản sắc phong phóng to cỡ lớn và dịch ra, trưng bày cho du khách.
Trước đây, hàng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế ở miếu, theo điển lễ. Nơi đây cũng thường được các quan thành Vĩnh Long dùng mở tiệc khao thưởng binh lính nên được dân làng gọi là Đình Khao.
Năm 1859, Hội đồng miếu bị chính quyền Pháp thuộc tháo dỡ, 85 đạo sắc phong cùng đồ thờ tự được người dân đưa về đình làng Thiềng Đức lưu giữ. Năm 1915 nơi này được xây dựng lại với tên Công thần miếu.
Năm 1998, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận miếu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện ban quản lý có 29 thành viên thường trực và 92 hội viên tự nguyện.
Tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về kho sắc phong. Do một số sắc phong là phó bản, tỉnh đang xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về việc có nên đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho kho sắc phong hay không.
Ý kiến ()