Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:19 (GMT +7)
“Người dân phải là chủ thể trong phát triển kinh tế di sản…”
Chủ nhật, 12/01/2025 | 06:47:19 [GMT +7] A A
Tham gia Hội thảo Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - Góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh diễn ra tại Vân Đồn vào cuối tháng 12/2024, GS.TS. Đinh Xuân Dũng (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đặc biệt quan tâm đến vai trò của người dân trong phát triển kinh tế di sản. Để có thể nắm bắt vấn đề một cách sâu sắc, toàn diện hơn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh nội dung này. |
- Theo ông, khi phát triển kinh tế di sản thì người dân sẽ có vai trò như thế nào?
+ Có thể khẳng định là từ ngàn năm nay, các di sản văn hoá của dân tộc chúng ta đều do nhân dân xây dựng nên, bảo vệ và giữ gìn. Không có cái đó di sản không thể tồn tại, nên bây giờ chúng ta từ di sản để sử dụng, phát huy để phát triển kinh tế di sản thì vai trò làm chủ của nhân dân đối với di sản không thay đổi. Khi chúng ta phát triển kinh tế, chúng ta vẫn phải tìm mọi cách để bồi dưỡng, đào tạo người dân bản địa trở thành người làm chủ di sản đó; phối hợp với các doanh nghiệp, nhà kinh doanh, cơ sở dịch vụ để người dân có thể tham gia vào, đúng với vai trò chủ thể tạo nên nền kinh tế di sản này.
Theo đó, vai trò làm chủ thể của nhân dân phải được triển khai bằng một số biện pháp rất quan trọng. Thứ nhất là chính quyền phải đào tạo, bồi dưỡng cho những người dân bình thường nhất, những người làm ở các cửa hàng là những người hiểu biết sâu nhất di sản để họ có thể làm chủ về kiến thức khi tiếp khách du lịch. Thứ hai là chính quyền phải phối hợp chặt chẽ với những nhà đầu tư nước ngoài hoặc đầu tư ở ngoài để có thể tạo điều kiện việc làm cho người dân bản địa, vốn là thành tố không thể thiếu được, trong việc làm chủ nền kinh tế di sản này.
Thứ ba nữa là đào tạo các hướng dẫn viên du lịch người địa phương am hiểu về di sản, yêu quý di sản đó, để truyền tải giá trị di sản đó cho khách du lịch. Thứ tư là phải có quy chế và chế tài để đảm bảo cho những nhà đầu tư đó tôn trọng người dân bản địa, tạo cho người dân bản địa việc làm và khả năng có thể làm chủ di sản đó trong phát triển kinh tế di sản. Nếu không làm được điều đó thì kinh tế di sản sẽ chệch hướng, không thể phát triển bền vững.
Tôi đã có trải nghiệm tại một thành phố ở nước Ý, nơi có nhiều di sản nổi tiếng thế giới. Người đến tham quan, du lịch gấp nhiều lần số dân bản địa của thành phố đó, gây ảnh hưởng tới đời sống của họ, cả về tinh thần và vật chất. Họ đã phản ứng, đòi phải giảm bớt số lượng khách du lịch và yêu cầu bảo vệ di sản, không thể khai thác triệt để, cạn kiệt di sản. Ở Việt Nam chưa có việc đó nhưng phải đề phòng trường hợp một bộ phận người dân “bản địa” đứng ngoài hoặc trở thành người làm thuê, thậm chí mất dần quyền thụ hưởng các giá trị của di sản văn hóa, vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh quê hương mình
- Như vậy, nếu kinh tế di sản phát triển đúng hướng thì có góp phần sáng tạo các giá trị di sản mới không, có khuyến khích người dân thể hiện đúng vai trò chủ thể của họ không?
+ Đây là vấn đề đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải xử lý theo phép biện chứng. Một mặt tức là phải làm cho di sản trở thành giá trị kinh tế, là một đặc trưng mới, động lực mới của sự phát triển kinh tế, cực kỳ quan trọng. Mặt khác là phải tôn trọng dân, yêu dân, quý trọng dân và đào tạo người dân trở thành người làm chủ trong quá trình phát triển đó. Chính quyền hiện nay chưa có kinh nghiệm trong việc này mà chỉ nghiêng nhiều về vấn đề khai thác kinh tế từ những giá trị di sản mà chưa biết biến người dân trở thành người làm chủ trong quá trình đó, mà nếu không phát triển như vậy không thể bền vững được.
Ở Quảng Ninh, trong chỉ tiêu phát triển của tỉnh là 100% người dân phải hiểu biết về các di sản văn hoá của quê hương, tôi cho đó là mục tiêu rất lớn, rất lâu dài và rất cần thiết. Và các nơi cần học tập và kiên trì làm việc đó, để người dân không chỉ là người thụ hưởng kết quả của kinh tế mà phải là người khẳng định những giá trị di sản của quê hương.
Và thêm nữa là phải làm cho người hướng dẫn viên du lịch hiểu sâu sắc về di sản mà mình dẫn khách du lịch đến và tạo cho họ một niềm tự hào, đồng thời tạo ra hiệu quả kinh tế, cái đó rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta chưa giải quyết tốt các mối quan hệ này và đầu tư ở bên ngoài vào các địa phương nhiều hơn là việc làm chủ của những người hiểu biết di sản và có thể tự phát triển về kinh tế.
Tôi từng gặp một ông chủ cửa hàng ở Quảng Ninh. Ông ấy nắm rất rõ về di sản Vịnh Hạ Long và qua đó tôi biết mỗi hòn đảo ở đây là một cái tên gắn liền với con người. Tôi cho rằng, đấy là một hình mẫu đào tạo một người vừa làm chủ về kinh tế vừa am hiểu sâu sắc, yêu di sản quê hương mình. Nhưng làm được như thế đòi hỏi một quá trình phấn đấu rất lâu dài.
- Ông có thể nói rõ hơn, người dân cần làm gì để có thể hưởng lợi nhiều hơn khi phát triển kinh tế di sản?
+ Ở đây có 3 nội dung, trong đó người dân phải hiểu rõ, sâu sắc các di sản của mình để tự hào và biết khai thác di sản đó. Về mặt chính quyền phải đào tạo những người dân này để họ phát huy tiềm lực của họ và có khả năng tham gia vào đầu tư cho phát triển kinh tế di sản ở địa phương mình. Thứ nữa là sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, các bộ phận để tạo nên sức mạnh tổng thể của kinh tế di sản địa phương mình, trong đó người dân là một thành tố không thể thiếu. Đó là điều rất quan trọng hiện nay và là vấn đề đặt ra cho tương lai chứ hiện nay chúng ta chưa làm được một cách đầy đủ, thật sự đâu.
- Khi đặt vấn đề kinh tế di sản thì cũng là nói đến sự phát triển ở một quy mô nhất định nào đó, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Vậy theo ông cần làm thế nào để hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và vai trò của người dân trong phát triển kinh tế di sản khi mà tiềm lực kinh tế của họ có sự chênh lệch không nhỏ?
+ Thực ra điều này gắn liền với công tác lãnh đạo và quản lý địa phương, muốn khai thác kinh tế di sản thì phải kêu gọi đầu tư, đó là điều không thể khác được, nhưng trong việc ký kết hợp đồng và bàn bạc, trao đổi thì phải khẳng định về trách nhiệm của nhà đầu tư với người dân bản địa, để giúp cho người dân bản địa tham gia vào hoạt động kinh tế di sản.
Và ngược lại cũng cần tới sự nỗ lực vươn lên của chính người dân bản địa để có thể cùng các chủ đầu tư, nhà doanh nghiệp tham gia vào làm chủ hoạt động kinh tế di sản. Đây là quá trình rất biện chứng để có thể phát triển bền vững một loại hình kinh tế mới là kinh tế di sản, có nghĩa là tất cả đều còn ở phía trước và chúng ta đang phải cố gắng từng bước một trong việc thể nghiệm...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()