Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:55 (GMT +7)
Người dân mòn mỏi chờ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Thứ 3, 13/08/2024 | 09:10:13 [GMT +7] A A
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lạc hậu trong khi mọi chi phí sinh hoạt tăng khiến người làm công ăn lương không ngừng kêu rằng, họ đang phải “còng lưng” đóng thuế. Cùng diễn biến, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lại không ngừng tăng và đạt gần 100.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, vượt khoản thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024.
“Thắt lưng buộc bụng” vẫn phải gánh thuế
Đa số người làm công ăn lương phản ánh, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng quá lạc hậu, không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt, học tập.
Anh Nguyễn Hùng (Hà Nội) - nhân viên làm công ăn lương tại Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của anh khoảng 16 triệu đồng/tháng và thường xuyên phải nộp thuế TNCN. Anh Hùng chia sẻ, hằng tháng, riêng tiền thuê nhà hết 8 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm qua, cứ 6 tháng, chủ nhà lại tăng tiền thuê 1 lần với đủ lí do như trượt giá, tăng lương, do giá nhà tăng.
“Chi phí sinh hoạt liên tục tăng, vợ tôi vừa sinh con nhỏ, gia đình tôi quay cuồng lo chi phí. Chưa bao giờ, tôi thấy cuộc sống khó khăn như hiện nay. Thu nhập giảm sút nhưng chi phí sinh hoạt tăng. Chưa kịp mừng nhờ tăng lương, tôi phải lo đóng thuế. Khoản giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc quá thấp, không đủ bù đắp chi phí”, anh Hùng chia sẻ.
Cũng làm công ăn lương, chị Nguyễn Phượng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lương hằng tháng 18 triệu đồng. Sau khi giảm trừ gia cảnh cho con trai, chị Phượng hằng tháng vẫn phải nộp thuế TNCN. Theo chị Phượng, riêng học phí, tiền ăn, bán trú học sinh tiểu học trường công gần 2 triệu đồng.
“Ngoài học ở trường, trẻ em học thêm đủ loại, từ học thêm tiếng Anh, năng khiếu. Cha mẹ đi làm giờ hành chính, phát sinh chi phí thuê người đưa đón. Một đứa trẻ giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng không đủ, mức giảm trừ này ít nhất phải tăng gấp đôi mới tạm đủ chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM”, chị Phượng kiến nghị.
Trái ngược với khó khăn của người nộp thuế, khoản thu từ thuế TNCN không ngừng tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, số thu thuế TNCN gần 100.000 tỷ đồng, vượt số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tới gần 840 tỷ đồng. Tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công lên đến 108.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN).
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đang tổng hợp khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật thuế TNCN, chính sách pháp luật quản lý thuế từ cơ quan thuế các cấp, người nộp thuế. Cơ quan thuế nghiên cứu, đề xuất khi sửa đổi chính sách pháp luật thuế TNCN và chính sách pháp luật quản lý thuế.
Đề xuất thay đổi giảm trừ gia cảnh theo vùng
Trước đó, đầu năm 2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
GS.TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng, mục tiêu của thuế TNCN nhằm điều hòa thu nhập giữa những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp. Thuế TNCN đã qua 3 lần điều chỉnh, nhưng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng chưa phù hợp.
Theo ông Cường, mức tiêu dùng ở mỗi vùng khác nhau. Tại thành phố, mức giảm trừ gia cảnh cho 1 trẻ em đi học 4,4 triệu đồng/tháng chưa đủ trang trải. Cơ quan chức năng vừa tăng lương nhưng phần thu nhập tăng thêm phải chịu thuế khiến việc tăng lương giảm ý nghĩa.
Ông Cường đề xuất, cơ quan chức năng cần xác định ngưỡng chịu thuế phù hợp để người nộp thuế không bị ảnh hưởng cuộc sống và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Cơ quan chức năng nên bổ sung khoản giảm trừ chi tiêu hợp lý mà bản thân chứng minh được.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần phải thay đổi ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh theo hướng tính theo vùng. Với thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mức chi tiêu của hộ gia đình, ngưỡng chịu thuế người nộp thuế nâng lên khoảng 16-18 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc nâng lên khoảng 6-8 triệu đồng. Theo ông Thịnh, mức giảm trừ gia cảnh này mới có thể đảm bảo người nộp thuế nuôi con nhỏ, bố mẹ già.
“Cơ quan chức năng cần xem lại giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN. Nhiều quốc gia khi tính thuế TNCN cho phép loại trừ khoản chi tiêu hợp lý phát sinh đột xuất như ốm đau, đầu tư”, ông Thịnh kiến nghị.
Sau khi giảm trừ gia cảnh (người nộp thuế 11 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng), mức thuế TNCN gồm các bậc: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%. |
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()