Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Người dẫn lối cho Pencak Silat Quảng Ninh
Thứ 7, 07/12/2024 | 13:14:23 [GMT +7] A A
Năm 2024, Pencak Silat Quảng Ninh giành được 2 HCV tại Giải Vô địch quốc gia và có VĐV tham dự Giải trẻ thế giới ở Dubai trong tháng 12. Thành tích này khiến những người yêu thích võ thuật nhớ đến giai đoạn hoàng kim của Pencak Silat Quảng Ninh và người đã đặt nền móng, đưa Pencak Silat Quảng Ninh vươn tầm thế giới.
Người được nhắc tới là HLV Dương Bá Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Không chỉ đặt nền móng cho môn Pencak Silat ở Quảng Ninh, HLV Dương Bá Cường còn là người phát hiện, dẫn dắt nhiều VĐV trở thành những nhà vô địch Pencak Silat của khu vực và thế giới, làm rạng danh võ thuật Quảng Ninh.
HLV Dương Bá Cường sinh năm 1965 tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông có duyên và gắn bó với Vùng mỏ khi môn Pencak Silat được tính toán thay thế môn võ Nhất Nam. Khi đó Pencak Silat đã trở thành môn thi đấu vươn tầm châu lục và thế giới. Năm 1996, Pencak Silat chính thức du nhập và được chọn thay thế môn võ Nhất Nam ở Quảng Ninh. Để phát triển phong trào, thể thao Quảng Ninh đã nhờ đến sự hỗ trợ của Liên đoàn Võ thuật Hà Nội. Và ông Dương Bá Cường (Liên đoàn Võ thuật Hà Nội) là người được chọn làm HLV, mở lớp võ Pencak Silat đầu tiên ở Quảng Ninh.
“Pencak Silat và Nhất Nam có sự tương đồng khá lớn về kỹ thuật, đòn đánh. Ngoài ra, nhờ có mối quan hệ thân thiết với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền, Hội Pencak Silat Hà Nội nên chúng tôi có được sự hỗ trợ đắc lực từ một trong những trung tâm phát triển Pencak Silat mạnh nhất khi đó” - HLV Dương Bá Cường chia sẻ.
Ở thời điểm đó, rất ít người quan tâm đến các môn võ thuật, đặc biệt là Pencak Silat vốn có nguồn gốc từ Indonesia. Bởi thế, khi môn võ này được đưa vào huấn luyện thì chẳng mấy ai ủng hộ vì nó quá mới, thậm chí là nhiều địa phương đã phải tạm dừng đào tạo do nó quá khó.
Với sự say mê, nhiệt huyết của một người luyện võ, HLV Dương Bá Cường đã tìm tòi nghiên cứu, tham khảo kỹ thuật, phương pháp giảng dạy từ những đồng nghiệp giỏi ở Hà Nội. Và để phát triển, nâng dần trình độ của VĐV, ông đã đề xuất tổ chức các chuyến tập huấn tại Hà Nội, đồng thời cho học trò tham gia nhiều giải đấu cấp quốc gia để có cơ hội rèn luyện, cọ xát.
Một trong những bí quyết thành công của HLV Dương Bá Cường là tìm kiếm VĐV đã từng luyện tập các môn thể thao khác, nhất là ở các lớp võ Nhất Nam. Nhờ đó, ông đã phát hiện ra Lê Thị Hằng, tìm thấy Lâm Thị Hương ở võ cổ truyền, tuyển chọn được Lê Thị Thu Hương từ môn bóng rổ... Những VĐV này sau đó đều trở thành những nhà vô địch thế giới với Pencak Silat. Những học trò ở khóa học đầu tiên của HLV Dương Bá Cường sau chừng nửa năm tập luyện đã gặt hái thành quả với 2 huy chương tại Giải Vô địch Pencak Silat trẻ toàn quốc năm 1996 ở Thanh Hoá. Năm 1997, Pencak Silat Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thành công với 9 huy chương tại các giải, trong đó có 3 HCV. Thành quả đáng khích lệ này khiến Pencak Silat được chọn làm môn thể thao trọng điểm của tỉnh và được quan tâm hơn.
Giai đoạn 1997-2007, Lê Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Lê Thị Thu Hương... liên tục đoạt HCV ở các giải vô địch quốc gia và luôn chiếm vị trí vững chắc ở Đội tuyển Pencak Silat quốc gia. Giai đoạn 2000-2005, các VĐV này còn gặt hái được nhiều huy chương quốc tế. Cụ thể là Lê Thị Hằng giành 3 HCV ở Giải Vô địch thế giới (năm 2000, 2002, 2004), 2 HCV Giải Vô địch châu Á Thái Bình Dương ở hạng cân 50kg. Lâm Thị Hương giành 4 huy chương, trong đó 1 HCV SEA Games năm 2003 và HCV Giải Vô địch thế giới năm 2004 ở hạng cân 70kg. Lê Thị Thu Hương giành 1 HCV Giải Vô địch thế giới năm 2004 và HCV Giải Vô địch châu Á năm 2005 ở hạng cân 65kg.
HLV Dương Bá Cường cũng là người góp sức đào tạo nên một thế hệ HLV giỏi, vốn là học trò của mình như: Lâm Thị Hương, Nguyễn Thái Linh, Vũ Công Dậu - những người thầy của nhiều nhà vô địch Pencak Silat trẻ Quảng Ninh. Sau khi chuyển sang công tác quản lý tại Trường TDTT tỉnh và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, HLV Dương Bá Cường vẫn rất quan tâm việc phát triển phong trào, đào tạo trẻ, tìm kiếm tài năng cho môn Pencak Silat và các môn võ khác.
“Hiện Pencak Silat chịu sự cạnh tranh lớn của nhiều môn võ mới hấp dẫn. Vì thế, muốn có những VĐV Pencak Silat chuyên nghiệp thực sự tài năng, cần quan tâm phát triển phong trào tập luyện các môn võ để tìm nguồn VĐV có tiềm năng, đào tạo rèn giũa thành tài. Chính vì vậy, cần thúc đẩy phong trào luyện tập, đặc biệt là phổ cập, phát triển phong trào học võ trong trường học, ở các trung tâm, thành phố lớn trong tỉnh. Để từ đó các tuyển trạch viên, HLV có thể tìm được những viên ngọc thô ở độ tuổi 10-13 và đào tạo thành VĐV tài năng" - HLV Dương Bá Cường chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()