Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 09:04 (GMT +7)
Người dân là trung tâm trong sắp xếp đơn vị hành chính
Thứ 6, 01/11/2024 | 09:02:38 [GMT +7] A A
Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Đông Triều và thành lập thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là nhập nguyên trạng xã Tân Việt vào xã Việt Dân và nhập phường Đông Triều vào phường Đức Chính của thị xã Đông Triều. Thành lập các phường (Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức) và thành lập thành phố Đông Triều trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 395,95km2 và quy mô dân số 248.896 người của thị xã Đông Triều hiện nay. Thành phố Đông Triều được thành lập có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 13 phường, 6 xã).
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tại huyện Ba Chẽ, thành lập xã Lương Minh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Minh Cầm với toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lương Mông. Tại thành phố Cẩm Phả, thành lập xã Hải Hòa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cẩm Hải với toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cộng Hòa. Tại TP Móng Cái, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Lạc vào phường Trần Phú để thành phường Trần Phú. Tại TP Hạ Long, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Yết Kiêu vào phường Trần Hưng Đạo để thành phường Trần Hưng Đạo.
Trước đó, bám sát các văn bản chỉ đạo, quy định của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương và triển khai các quy định pháp luật về sắp xếp ĐVHC. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ lộ trình, nội dung các công việc phải thực hiện, phân công rõ nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện. HĐND tỉnh cũng ban hành các nghị quyết về chính sách đối với đội ngũ cán bộ sau sắp xếp, về sắp xếp các đơn vị hành chính…
Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024. Như vậy, từ ngày hôm nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 1 thị xã và 05 thành phố; 171 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 91 xã, 73 phường và 7 thị trấn (giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã).
Với việc thành lập TP Đông Triều, Quảng Ninh cũng trở thành địa phương thứ hai của cả nước có 5 thành phố trực thuộc (sau tỉnh Bình Dương). Qua đó sẽ tạo điều kiện phát huy, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với hiện trạng phát triển của thị xã.
Việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Quảng Ninh thực hiện bảo đảm thận trọng, kỹ càng, bài bản từ dưới lên tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không gây xáo trộn, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân theo tiêu chí của "hạnh phúc". Việc xây dựng phương án sắp xếp được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã được Quảng Ninh xây dựng, đề xuất dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn; chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên; chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương.
Các ĐVHC được sắp xếp lại sẽ giúp cho bộ máy được tinh gọn, tiết kiệm chi ngân sách hành chính, tập trung được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn. Qua sắp xếp có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, phát triển địa phương. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tình trạng chồng chéo, tạo ra sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh tỉnh và Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; từ đó dẫn đến quản lý, đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.
Cùng với đó, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã có quy mô nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực đầu tư, khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; góp phần mở rộng không gian, phát huy tiềm năng, lợi thế và tập trung nguồn lực để các địa phương phát triển bền vững.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()