Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:28 (GMT +7)
Người dân châu Âu rút hàng tỷ tiền tiết kiệm từ ngân hàng
Thứ 6, 05/05/2023 | 16:49:41 [GMT +7] A A
Người dân châu Âu gửi tiết kiệm đang rút khá nhiều tiền của họ từ ngân hàng.
Tại Anh, khách hàng của ngân hàng NatWest đã rút 11,1 tỷ bảng trong ba tháng đầu năm. Ngân hàng Barclays và Lloyds ghi nhận mức giảm lần lượt là 5 tỷ và 2,2 tỷ bảng Anh. Tiền gửi tại HSBC không bao gồm dòng tiền vào một lần, đã giảm 10 tỷ USD xuống còn 1,6 nghìn tỷ USD.
Dữ liệu của ngân hàng trung ương Đức cho thấy tiền gửi của các hộ gia đình đã giảm gần 8% so với một năm trước đó. Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cũng ghi nhận mức giảm tiền gửi khiêm tốn trong trong quý đầu tiên.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá diễn biến này cho thấy một hiện tượng được gọi là "bank walk" - dòng tiền mặt của khách hàng chảy ra chậm nhưng đáng chú ý.
Giáo sư Nicola Marinelli tại Đại học Regent's University London đánh giá: “Các ngân hàng truyền thống cần quyết định xem có nên tối đa hóa lợi nhuận của họ bằng cách giữ lãi suất tiền gửi càng thấp càng tốt hay ưu tiên tính thanh khoản và sự ổn định của họ bằng cách tăng lãi suất và giữ lại tiền của khách hàng”.
Reuters cho biết các quỹ thị trường tiền tệ đang phổ biến hơn đối với những người gửi tiết kiệm muốn tăng lợi nhuận từ tiền gửi của họ khi mức lạm phát cao vẫn tiếp diễn.
Trong những năm gần đây, tiền lãi từ các quỹ này chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng một chút. Tuy nhiên, chỉ số Quỹ thị trường tiền tệ Crane được ghi bằng đồng bảng Anh cho thấy lợi nhuân hàng năm dựa trên 7 ngày gần nhất là 4,12% kể từ hôm 25/4, bằng đồng euro là 2,81%. Trong khi đó, lãi suất của một số ngân hàng vẫn ở mức dưới 1%.
Dữ liệu từ công ty Refinitiv Lipper (Mỹ) cho thấy hơn 34 tỷ euro (37,6 tỷ USD) lưu lượng thực vào các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu trong tháng 3. Loại quỹ này đã tăng trị giá hơn 1,4 nghìn tỷ euro vào cuối năm 2022 mặc dù nó vẫn còn rất nhỏ so với 9,45 nghìn tỷ euro được giữ trong tài khoản vãng lai tại các ngân hàng trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ông Andy Halford, Giám đốc tài chính của Standard Chartered nhận định với Reuters rằng ông nghĩ mọi người cuối cùng sẽ ưu tiên an toàn hơn là lãi. Ông nói: “Chúng ta sẽ thấy mọi người gửi tiền của họ ở nơi an toàn”.
Trong một diễn biến khác, tối 4/5 (giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Các số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng 3 ở mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()